Gặp Thái Lan, Indonesia, U-23 VN có dám chơi ‘kèo trên’?
Về mặt khách quan, U-23 Việt Nam (VN) có những bất lợi đáng liệt kê ra.
Chẳng hạn việc Pakistan rút lui khỏi vòng loại khiến trong 11 bảng vòng loại có một bảng ba đội, điều này khiến AFC phải điều chỉnh toàn bộ, nghĩa là khi tính chỉ số phụ dành cho các đội thứ nhì bảng thì những bảng bốn đội sẽ bỏ kết quả với đội chót bảng ra. Thế nên không phải tự nhiên mà thầy Park đặt mục tiêu nhất bảng bởi ông tính đến hệ số an toàn. Vì thế có thể nói hai đối thủ chính của U-23 VN là Indonesia và Thái Lan.
Đức Chinh giờ sẽ là trụ cột của U-23 Việt Nam khi những Công Phượng, Văn Toàn, Phan Văn Đức… đã quá tuổi. Ảnh: QUANG THẮNG
U-23 Indonesia là một tập thể giàu sức mạnh và không ngại đá rát. Một tập thể có thể hình tốt, “dày cơm” và cũng có cả kỹ thuật. Đó là thành phần U-22 vừa vô địch Đông Nam Á tại Campuchia được HLV Sjafri tăng cường thêm bảy gương mặt mới, trong đó có ba cầu thủ đang đá ở nước ngoài gồm trung phong Erza Wallian đá giải Hà Lan, tiền đạo Agy Maulana Vikri đang đá giải Ba Lan, tiền vệ tấn công Saddil Ramdani đang chơi cho CLB Pahang của Malaysia.
Với Thái Lan thì đây là đội bóng mà chưa đá đã có suất dự vòng chung kết do là chủ nhà nhưng ban huấn luyện lại quyết tâm nhất bảng để khẳng định sức mạnh và lấy đà cho những giải tiếp theo.
Có chi tiết đáng chú ý là hai năm qua, dù các đội tuyển VN như U-23, Olympic và tuyển quốc gia vươn lên những tầm cao châu lục và khu vực, bỏ xa bóng đá Thái Lan và Indonesia nhưng các đội tuyển VN chưa hề chạm trán với các đội Indonesia và Thái Lan. Những đối thủ mà các đời HLV tiền nhiệm HLV Park Hang-seo, VN thường rất kỵ rơ và hay gãy trên sân nhà.
Hy vọng lần này dưới tay thầy Park sẽ khác.
Cầu thủ giàu nhất thế giới đeo băng đội trưởng sẽ đến Hà Nội đá vòng loại U-23 châu Á.