Gặp Pháp, Ronaldo và BĐN bị ám ảnh bởi "tiếng còi ma"
Không chỉ gặp một đội tuyển Pháp hùng mạnh trong trận chung kết, Bồ Đào Nha còn phải lo ngại những tiếng còi từ trọng tài.
Cristiano Ronaldo và các đồng đội Bồ Đào Nha sẽ phải cực kỳ cẩn thận với từng hành động của mình trong trận đấu gặp Pháp đêm nay. Không chỉ vì đây là trận chung kết, mà còn vì họ có thể gặp rủi ro với thẻ phạt do phải đấu với đội chủ nhà.
Schweinsteiger (phải) để bóng chạm tay dẫn đến bàn thua cho ĐT Đức
Việc Đức bị loại ở bán kết dưới tay Pháp được cho là một phần ảnh hưởng bởi trọng tài người Italia cầm còi trận đấu, mà Đức vừa thắng Italia ở tứ kết. Trong trận bán kết ấy, Pháp đã mở tỷ số từ một quả penalty sau khi Bastian Schweinsteiger để bóng chạm tay, trong một tình huống mà anh đã không nhìn bóng khi lao người ngăn cản Patrice Evra và do đó được một số cựu trọng tài cho rằng không đáng bị phạt thẻ.
Yếu tố trọng tài thiên vị chủ nhà không còn là gì mới lạ ở World Cup và Euro, và dưới đây là một số trường hợp trọng tài thiên vị đội chủ nhà lộ liễu ở các giải đấu lớn.
1. World Cup 1930
Giải đấu tổ chức ở Uruguay này được nhớ đến với tư cách kỳ World Cup đầu tiên, khó khăn vẫn còn nhiều về mặt di chuyển. Đội chủ nhà Uruguay đoạt chức vô địch nhưng cách vô địch của họ là đáng ngờ khi ở bán kết, họ thắng Nam Tư 6-1 trong một trận đấu mà trọng tài Gilberto de Almeida Rego không công nhận tới 4 tình huống ghi bàn của Nam Tư. Không những thế, bàn thắng nâng tỷ số lên 3-1 của Uruguay đến sau khi bóng đã trôi ra ngoài biên nhưng bị đá trở lại bởi một cảnh sát.
2. World Cup 1966
Không ai ở Đức quên bàn thắng đáng ngờ của Geoff Hurst trong trận chung kết, nhưng tai tiếng trọng tài của giải đấu này đến ở bán kết khi Argentina gặp chủ nhà Anh. Khi trận đấu trôi qua phút 35, đội trưởng Antonio Rattin của Argentina bị trọng tài người Đức Rudolf Kreitlein yêu cầu rời sân vì lý do không rõ ràng. Kreitlein sau đó cho rằng Rattin đã chửi bậy với Kreitlein bằng tiếng Tây Ban Nha (mặc dù Kreitlein không hiểu để chứng minh điều đó).
Chiếc thẻ đỏ vẫn là một bí ẩn, bởi có tin đồn rằng trọng tài Kreitlein khi đuổi Rattin đã nói rằng mình “không thích vẻ mặt của gã đó”. Báo giới khi nhìn lại trận đấu này đã cho rằng Rattin đã cố nói với trọng tài rằng ông cần làm gì đó để ngăn những pha chơi bóng thô bạo của tuyển Anh (tuyển Anh phạm 33 lỗi trong khi Argentina mắc 19 lỗi), nhưng có lẽ Kreitlein nghĩ Rattin đang “dạy dỗ” mình nên đã đẩy ra khỏi sân.
Trọng tài người Tây Đức đuổi Antonio Rattin một cách khó hiểu
3. World Cup 2002
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên cái cách Hàn Quốc vượt qua Italia và Tây Ban Nha ở vòng knock-out World Cup 2002 mà Hàn Quốc đồng chủ nhà với Nhật Bản. Cú xoạc 2 chân của Choi Jin-cheul dành cho Gianluca Zambrotta bị bỏ qua, cú cùi chỏ của Kim Tae-young với Alessandro Del Piero không được nhìn thấy, nhưng Totti thì bị thẻ đỏ do trọng tài nghĩ ăn vạ, và Damiano Tommasi bị từ chối bàn thắng dù không việt vị.
Sang đến trận tứ kết, tranh cãi tiếp tục xảy ra khi hai bàn thắng của Fernando Morientes không được công nhận, trong đó có một tình huống Joaquin tạt bóng vào hợp lệ nhưng bị xác định bóng đã ra biên. Hàn Quốc lọt tới tận bán kết World Cup và kể từ đó tới nay không bao giờ lặp lại chiến công của mình thêm lần nữa.
4. Argentina 1978
Ngay người Argentina cũng không còn muốn nhớ đến World Cup 1978 mà họ đăng cai và vô địch. Đất nước này đang trong giai đoạn bị chính phủ quân sự cầm quyền, và chính phủ này đã tra tấn & sát hại hàng ngàn công dân bất đồng chính kiến trong nước. Ngay cả sân bóng đá cũng không thoát khỏi sự nhúng tay của chính phủ Argentina.
Trận ra quân, Argentina dành 90 phút để đá nguội cầu thủ Hungary, nhưng khi cầu thủ Hungary đáp trả thì họ bị đuổi 2 người. Ở trận thứ hai, ĐT Pháp thủng lưới trên chấm 11m sau khi Marius Tresor bị đẩy ngã từ phía sau bởi cầu thủ Argentina và để bóng chạm tay trong lúc mất thăng bằng.
Daniel Passarella vô địch World Cup, hay chính phủ độc tài quân sự vô địch World Cup?
Đến trận thứ ba, Italia đánh bại Argentina một cách thuyết phục do trọng tài Abraham Klein cứng rắn với các pha chơi xấu, do đó LĐBĐ Argentina vận động để FIFA không cho Klein bắt thêm trận nào của Argentina cho đến hết giải. Klein thời điểm đó là một trọng tài hàng đầu và được dự tính sẽ bắt chung kết.
Theo thể thức thi đấu "lạ", Argentina sau đó thắng 6-0 trước Peru ở vòng bảng cuối cùng, và có tin trước trận đấu một tướng quân đội Argentina đã vào phòng thay đồ Peru để “truyền đạt ý nguyện” của hội đồng quân sự chính phủ. Đội chủ nhà sau đó vượt qua nốt Hà Lan ở chung kết để đoạt chức vô địch đầu tiên.