Gánh nặng chuyên môn ở VFF
Một bộ máy LĐBĐ quốc gia, bộ phận chuyên môn giữ phần quan trọng trong việc định hướng, phát triển chiến lược và hơn hết là tính điểm rơi cho hệ thống đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ.
Nhiệm kỳ VII, đầu tàu của bộ phận chuyên môn được trao cho ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Một người rất nhiều chức vụ ở AFF, AFC và FIFA nhưng gần gũi nhất là vị trí Phó Ban thi đấu AFC, hay Ủy viên Ban Futsal FIFA, Ủy viên Ban tài chính - tài trợ AFF...
Nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ vai trò này của ông Tuấn bởi chuyên môn là công việc hết sức khó khăn đòi hỏi phải có nghiệp vụ và những đề án liên quan đến ứng dụng khoa học kỹ thuật, thể chất, định hướng và lộ trình phát triển… Gần hai nhiệm kỳ qua, ông Tuấn bận rộn ở vai trò Tổng thư ký và họp hành lẫn làm giám sát cho AFC nên phần “đối nội” gần như bỏ lỏng. Có chăng là những lần gắn với đội tuyển hay đội U23 ở vị trí trưởng đoàn do quan niệm của hai nhiệm kỳ V và VI là dùng quan chức AFF, AFC ngồi vào đấy thì sẽ ít “ bị ép”…
Giữa nhiệm kỳ VI ông Tuấn từ chức cũng vì ngồi chỗ đấy liên quan đến SEA Games 2011. Thông tin hậu trường dội ra là ông bị ép phải từ chức bởi sức ép lớn từ dư luận mà ông là trưởng đoàn và phần “ép” lại không nằm ở bộ máy Liên đoàn mà là nơi quản lý Liên đoàn về mặt nhà nước (?!).
Bây giờ trở lại ngôi nhà VFF với cương vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, rất nhiều người muốn nghe cương lĩnh hay chương trình hành động của ông ở đúng vị trí của mình, thay cho những phát biểu khái quát mà ông Chủ tịch VFF nói hết và chỉ hết.
Nhiệm kỳ VII, đầu tàu của bộ phận chuyên môn được trao cho ông Trần Quốc Tuấn
Ông Trần Quốc Tuấn ở vị trí Phó Chủ tịch chuyên môn có cả khó lẫn dễ. Khó là làng bóng ai cũng biết ông không phải dân chuyên môn và mạnh về đối ngoại hơn đối nội nên sẽ phải “đá chân” không thuận lại đá đúng vị trí yếu nhất trong sơ đồ phát triển bóng đá Việt Nam; còn cái dễ lại là ông đứng cặp với ông Lê Hùng Dũng và dựa lưng nhau để làm bóng đá theo kiểu có tiền sẽ có nhiều thứ, lẫn kiểu một người quyết, nhiều người chạy theo. Cách làm bóng đá mà rất dễ nhìn ra sẽ không cần các bộ phận chuyên môn, hoặc nếu có thì chỉ là giúp việc và chạy việc hơn là thể hiện phần chuyên trách của mình dưới dạng tư vấn.
Rõ nhất là ngay khi đắc cử chức Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng phán liền các việc cần làm, trong đó có chọn HLV Nhật Bản và thế là ông Tuấn cùng các cộng sự chạy theo để hiện thực hóa việc thuê HLV Nhật Bản.
Nếu các nhiệm kỳ trước, việc thuê HLV ngoài thường được bàn rất lâu theo kiểu “lắm thầy thối ma” thì bây giờ gần như không có bàn, không có ban chức năng phản biện, hay đưa ra các luận chứng mà là “khẩu quyết” theo dạng: Điều 1, sếp bao giờ cũng đúng; điều 2, nếu sếp sai, xin xem lại điều 1.
Cá nhân tôi không đồng tình với cách làm chỉ một người nghĩ rồi “khẩu quyết” và cả làng chạy theo bởi sẽ không phát triển chuyên môn đúng chất qua việc tận dụng chất xám của những người tài, những người có chuyên môn. Tuy nhiên, nếu làm cách còn lại thì cần phải thay đổi cơ chế và cách làm của những bộ phận chuyên trách trong bộ máy liên đoàn.
Chẳng hạn hội đồng HLV quốc gia lâu nay tồn tại trên giấy và là “nghị gật” nhiều hơn tư vấn trực tiếp cùng chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Bản thân các nhân vật trong Hội đồng HLV quốc gia lâu nay cũng không được trân trọng thực sự bởi họ như “làm cảnh” trong bộ phận “hữu danh vô thực”. Vì thế mà việc kêu gọi những người tài có chuyên môn, chuyên trách cao cho nhiều bộ phận chuyên môn sẽ hết sức quan trọng vì ông Trần Quốc Tuấn không thuận chân ở vị trí chuyên môn nên rất cần những người giỏi bên cạnh.
Từ ngày ông Tuấn lên ngồi ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, cũng chưa thấy ông Tuấn đưa ra một cương lĩnh hay một chương trình hành động nào cho phần việc của mình. Thay vào đó lại là đi họp, đi hội nghị và chạy việc cho lời tuyên bố của ông Chủ tịch.
Có thể là VFF đang muốn tinh giản bộ máy và “đá lấn sân” sang cả phần việc của các phòng ban chức năng, nhưng nếu làm được việc đó thì những người đứng đầu phải cực giỏi và cực am tường về các lĩnh vực.
Một chút lo ngại là những người đứng đầu đã có thực tế chỉ là người rành đường đi nước bước với con đường tắt là kiếm tiền, rồi từ tiền sẽ có nhiều thứ đi kèm.