FIFA bị cáo buộc giúp Hàn Quốc vào BK World Cup 2002
Trong lúc scandal tham nhũng FIFA đang nóng lên trên các mặt báo, nghi án Hàn Quốc được dàn xếp để đánh bại Italia và TBN ở World Cup 2002 đã bị xới lại điều tra bởi tờ Corriere dello Sport.
Video trận đấu đầy tranh cãi Hàn Quốc - Italia ở World Cup 2002:
Trong lúc scandal tham nhũng của FIFA đang làm chấn động dư luận, tờ Corriere dello Sport (Italia) đã tiến hành một phóng sự điều tra nhằm vào hành trình khó tin của Hàn Quốc ở World Cup 2002. Trên bìa của tờ nhật báo này số ra ngày hôm nay có dòng tít giễu cợt FIFA: “Hướng ra thế giới”.
Còn ai nhớ đến trọng tài người Ecuador Byron Moreno? Ông trọng tài tai tiếng đã bắt chính trận đấu Hàn Quốc – Italia ở vòng knockout World Cup 2002. Trận đấu chứng kiến một cú sốc khi đồng chủ nhà Hàn Quốc đã vượt qua được Italia ở hiệp phụ nhờ bàn thắng Vàng của Ahn Jung-Hwan ở phút 117, ấn định tỷ số 2-1.
Francesco Totti bị truất quyền thi đấu vì một thẻ vàng mờ ám ở hiệp phụ
Trong trận đấu ấy, vô số tình huống gây tranh cãi đã xảy ra và chủ yếu thuận lợi cho Hàn Quốc. Một quả penalty sớm được Moreno ban cho Hàn Quốc phút thứ 5 sau khi Christian Panucci được cho là đã kéo áo với Seol Ki-Hyeon (nhưng Buffon cản phá thành công quả penalty). Francesco Totti bị thẻ vàng thứ hai ở hiệp phụ vì Moreno cho là anh ăn vạ. Damiano Tommasi đã đưa được bóng vào lưới Hàn Quốc nhưng không được công nhận vì lỗi việt vị, dù quay chậm cho thấy tổ trọng tài đã tự “phát minh” ra lỗi việt vị ấy (lưu trữ trận đấu trên FIFA.com tuyệt nhiên không nhắc đến tình huống này).
Hàn Quốc sau đó còn đi tiếp ở tứ kết nhờ thắng TBN trong loạt sút luân lưu. TBN đã có 2 lần đưa bóng vào lưới đội đồng chủ nhà nhưng đều bị phủ nhận bởi các trọng tài, lần đầu Ivan Helguera bị gọi lỗi kéo áo và lần thứ hai Fernando Morientes không được công nhận cú đánh đầu thành bàn do bóng đã ra ngoài biên trước khi được Joaquin tạt vào. Hàn Quốc đi tiếp nhờ tỷ số 5-3 trong loạt 11m khiến một số cầu thủ TBN vô cùng tức giận, Ivan Helguera đã suýt lao vào tấn công trọng tài người Ai Cập Al Ghandour.
Theo phóng sự của Corriere dello Sport, nỗ lực giúp Hàn Quốc sống sót ở vòng knockout World Cup 2002 nằm trong dự tính của Sepp Blatter nhằm “quảng bá hình ảnh bóng đá Hàn Quốc ra với thế giới”. Ý định của FIFA dựa trên cơ sở Trung Quốc đã bị loại ở vòng bảng còn đồng chủ nhà Nhật Bản đã dự World Cup 1998 và là một quốc gia có tiếng về phát triển bóng đá, tức không còn là “ưu tiên” của FIFA nữa.
Trọng tài Byron Moreno bị bắt giữ ở Mỹ năm 2010 vì buôn lậu ma túy
Sau khi World Cup 2002 kết thúc, trọng tài Al Ghandour đến nay vẫn bảo vệ tiếng còi của mình ở trận đấu Hàn Quốc – TBN. Còn với trọng tài Byron Moreno, chỉ 3 tháng sau World Cup ông này đã bị treo còi 23 trận ở giải VĐQG Ecuador do dàn xếp tỷ số (trận đấu đá bù giờ 6 phút nhưng kéo dài tới tận phút 101). Moreno trở lại bắt chính một trận hồi tháng 5/2003 và lập tức bị đình chỉ ngay sau trận đấu do cố ý dùng thẻ đỏ để giúp đội chủ nhà gỡ hòa 1-1. Tháng 9/2010, Moreno bị cảnh sát bắt giữ ở New York do giấu heroin trong quần lót để tuồn vào Mỹ và phải ngồi tù 26 tháng.
Còn về phần FIFA, chủ tịch Sepp Blatter đã từ chối đổ lỗi lên tổ trọng tài mà thay vào đó chỉ trích Italia vì đã mắc sai lầm cả trong phòng ngự lẫn tấn công.
Dự án Goals: Blatter mua phiếu của các nước nhỏ Một trong những tiêu điểm của cuộc điều tra tham nhũng FIFA là dự án Goals. Được khởi xướng sau khi Sepp Blatter lên làm chủ tịch FIFA năm 1998, dự án này cung cấp cho các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) cơ sở hạ tầng và chi phí để đào tạo & phát triển nền bóng đá, với điều kiện các nước được hưởng lợi từ dự án phải “đưa ra cam kết hoàn thành các mục tiêu trong thời gian nhất định”. Sepp Blatter được cho là đã dùng dự án Goals để hối lộ quan chức bóng đá các nước nhỏ bầu cho mình Tuy nhiên dự án Goals đã và đang bị xem như một phương tiện để Blatter mua phiếu từ các quốc gia có nền bóng đá thấp kém. Những cáo buộc bòn rút tiền dự án và ăn hối lộ nhắm vào các quan chức bóng đá của các nước được FIFA tài trợ xuất hiện tràn lan. Các nước châu Phi đặc biệt được hưởng đặc ân của FIFA, do vậy họ đang cực lực ủng hộ Sepp Blatter trước những lời kêu gọi đòi Blatter từ chức. Người ta càng tin rằng Goals được dùng để mua phiếu cho Blatter khi FIFA tiến hành tái cấu trúc hệ thống bỏ phiếu năm 2010, theo đó mỗi quốc gia, dù quan trọng với bóng đá quốc tế cỡ nào, đều có 1 phiếu bầu. Sự “dân chủ hóa” này giúp Blatter dễ dàng đắc cử trong cuộc bầu cử 2011, tức chỉ 1 năm sau khi cuộc tái cấu trúc diễn ra. |