Euro 2016: Khi các chân sút ĐT Anh chưa "tàn nhẫn"
Muốn làm nên kì tích trên đất Pháp, ĐT Anh chắc chắn phải cải thiện khâu dứt điểm.
3 trận đấu ở vòng bảng cho thấy sự thiếu sắc bén của hàng công ĐT Anh. Bằng chứng là họ sút tổng cộng 62 lần mà chỉ ghi có 3 bàn. Ngán ngẩm nhất ở trận gặp Slovakia khi các cầu thủ của ông Hogdson tung ra tới 27 cú dứt điểm nhưng không một lần làm tung lưới đối phương.
Các chân sút của ĐT Anh đang khá "cùn"
Hôm ấy, 4 cầu thủ được đăng ký ở vị trí tiền đạo của “Tam Sư” đều được sử dụng (Sturridge và Vardy đá chính, Rooney dù ra sân với vai trò tiền vệ và Harry Kane vào sân hiệp 2) bên cạnh tiền vệ tấn công Dele Alli. Từ trận hòa Nga (1-1) và thắng xứ Wales (2-1), ĐT Anh thực chất có nhiều cơ hội, chỉ là họ tận dụng kém cỏi.
Hình ảnh này đối lập hoàn toàn so với những gì ĐT Anh làm được ở vòng loại Euro 2016 với 10 trận toàn thắng, cùng hiệu số bàn thắng thua 31-3. Nhìn rộng ra, họ cũng là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất giai đoạn này, ăn đứt nhà ĐKVĐ châu Tây Ban Nha (27 bàn) và nhà ĐKVĐ thế giới Đức (22).
Đối thủ ở vòng 1/8 của ĐT Anh sẽ là Iceland - đội bóng nhỏ bé đang thành công bởi lối chơi phòng ngự kiểu “xe bus 2 tầng” và cũng giỏi chớp thời cơ. Đó là lý do HLV Hodgson phải lên tiếng kêu gọi các học trò hãy cải thiện tối đa khâu dứt điểm.
“Sức mạnh của Iceland được xây dựng dựa trên nền tảng hàng thủ chắc chắn. Họ chắc chắn sẽ không cho các chân sút của tôi nhiều không gian. Chúng tôi phả biết tận dụng tốt những cơ hội, nếu không muốn nhận sự trừng phạt. Tôi muốn các tiền đạo cần cải thiện khả năng dứt điểm, đó là vấn đề sống còn với ĐT Anh vào lúc này”, HLV Hodgson nói.
Vậy điều gì đang khiến các chân sút Anh “cùn” đến thế? Như đã biết ở Euro kì này, ĐT Anh sở hữu dàn cầu thủ trẻ trung nhất với độ tuổi trung bình chỉ ở 25,8 tuổi. Và mặt trái của nó chính là kinh nghiệm thi đấu của nhiều tuyển thủ dù họ được đánh giá tài năng.
Trận gặp Nga, HLV Hogdson tung ra đội hình có tới 6 cầu thủ thuộc thế hệ 9x, đặc biệt trên hàng công gồm 3 gương mặt cực trẻ: Dele Alli (1996), Raheem Sterling (1994) và Harry Kane (1993). Trận thứ 2 gặp xứ Wales, HLV Hogdson giữ nguyên bộ khung ấy, thậm chí còn sử dụng cả cầu thủ 18 tuổi Marcus Rashford ở hiệp 2.
Trong 2 trận này, ĐT Anh đều cho thấy sự hừng hực khí thế trong tấn công. Nhưng ở một giải đấu lớn như Euro, người ta cần thêm cả sự già dơ để có những kết quả như ý. “Tam Sư” mới chỉ đạt về mặt hình thức còn chất lượng thì chưa đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ Anh khó tính.
HLV Hodgson nên để Rooney quay về đá tiền đạo?
Hodgson có những điều chỉnh ở trận gặp Slovakia khi dùng cặp tiền đạo Vardy – Sturridge. Trận này, ĐT Anh tấn công khá mạch lạc, nhịp điệu. Sự xuất hiện của Rooney, Kane, Alli ở hiệp 2 càng giúp họ gia tăng sức ép. Nhưng khả năng tận dụng cơ hội của ĐT Anh thực sự kém cỏi.
Phải chăng họ gặp vấn đề về tâm lý? Cũng có thể vì thi đấu ở giải đấu lớn luôn mang đến áp lực cực đại. Với những chân sút, họ lại càng căng cứng và sẽ rất khó vượt qua khi những khởi đầu không như mong muốn. Bằng chứng là có quá nhiều ngôi sao “tịt ngòi” ở vòng bảng, từ Ibrahimovic tới Muller, Lewandowski, và Ronaldo cũng phải tới trận cuối mới lên tiếng.
ĐT Anh đang dư thừa tiền đạo nhưng một nửa trong số đó có lần đầu dự giải lớn (Harry Kane, Vardy, Rashford). Daniel Sturridge cũng chẳng duyên gì trên tuyển. Và có lẽ HLV Hodgson vẫn phải quay về với phương án để Rooney đá tiền đạo thay vì ép anh chơi tiền vệ. Kinh nghiệm của Rooney sẽ rất cần thiết cho những tình huống quyết định khi vòng knock-out đã đến.
Video ĐT Anh bất lực trước Slovakia:
ĐT Anh luyện đá penalty Iceland có hàng thủ chắc chắn trong khi hàng công Anh lại chưa sắc sảo. Không loại trừ khả năng “Tam Sư” có thể bị cầm hòa và phải đá luân lưu. Vì thế HLV Hodgson đã cho các học trò tập dượt khá kĩ lưỡng. Gần nhất Ở Euro 2012, Anh đã bị Italia loại ở vòng tứ kết khi để thua 2-4 trên loạt đấu súng cân não. Đó là thất bại thứ 6 của “Tam sư” trong 7 lần phải phân định thắng thua trên chấm 11m trong lịch sử tham dự các giải đấu lớn. |