Đừng lấy trọng tài làm “bia đỡ đạn”
Vòng 10 V-League 2017 đã kết thúc nhưng dư âm thì vẫn chưa dứt.
Mới đây, Ban Kỷ luật VFF đã quyết định cấm chỉ đạo hai trận đối với HLV Ljubo Petrovic vì hành vi phản ứng thái quá trong trận đấu giữa Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa. Vì không đồng tình với quyết định từ chối bàn thắng của Bật Hiếu, vị HLV từng vô địch Cúp C1 đã đòi nói chuyện bằng “tay chân” với trọng tài Hiền Triết và cộng sự. Đáng nói hơn, sau đó, chính HLV Petrovic cùng các cầu thủ FLC Thanh Hóa đã lên tiếng thừa nhận, ông Triết xử lý tình huống chính xác và gửi lời xin lỗi tới vị vua áo đen này cũng như CĐV.
Trọng tài ở V-League có nhiều quyết định "khó hiểu"
Câu chuyện trọng tài mắc lỗi, các đội bóng phản ứng vốn là một phần không thể thiếu ở môn thể thao vua. Trọng tài cũng là con người, cũng có thể mắc sai lầm. Còn cầu thủ hay HLV trong những trận đấu căng thẳng thường dễ mất kiểm soát, dẫn tới hành vi không đáng có. Tuy nhiên, đặt trong hệ quy chiếu của bóng đá Việt Nam, việc cầu thủ phản ứng trọng tài, HLV lên án trọng tài diễn ra thường xuyên, dày đặc và có… hệ thống. Lấy ví dụ tại V-League, hiếm vòng đấu nào công tác trọng tài không bị phàn nàn.
Người hâm mộ, các CLB đang kêu gọi VFF, BTC giải làm trong sạch đội ngũ trọng tài. Điều này hoàn toàn đúng bởi một bộ phận trọng tài kém chuyên môn, thậm chí tồn tại vấn đề tư tưởng mỗi khi bước ra sân. Nhưng đây là cái cớ để nhiều CLB ở V-League và cả giải hạng Nhất lấy trọng tài ra làm “bia đỡ đạn” khi phải nhận kết quả bất lợi. Nói nôm na, thua trận cứ đổ lỗi cho trọng tài là… lành nhất. Dần dần, nó trở thành một xu hướng.
Xu hướng này nguy hiểm ở chỗ, nó vô hình trung tạo ra áp lực khủng khiếp cho các vị vua áo đen. Từng có một trọng tài làm việc ở V-League tâm sự với người viết rằng: Thổi sai bị lên án, thổi đúng cũng bị phản ứng, tôi thực sự không biết phải làm thế nào. Xét về mặt logic, khi hứng chịu áp lực, trọng tài rất dễ mắc sai lầm và có khi chính đội bóng phản ứng lại hứng chịu hậu quả từ sai lầm đó, rồi lại tiếp tục phản ứng. Cứ như vậy, tất cả tạo thành vòng tròn không có lối thoát.
Thế nên, nếu muốn công tác trọng tài thực sự chuyển biến, các CLB đừng chỉ trông chờ vào VFF hay BTC giải, mỗi đội bóng hãy học cách ứng xử chuyên nghiệp trên sân, học cách chấp nhận thất bại thay vì lấy trọng tài ra làm “bia đỡ đạn”.