Đừng khóc cho tôi, Argentina!
Phút 121, Messi bước lên chấm đá phạt. Nếu ghi bàn anh sẽ đưa trận chung kết về vạch xuất phát và kéo người Đức đến loạt penalty định mệnh. Nhưng El Pulga, người được mệnh danh là ‘thánh sống’ với người Argentina đã đá thẳng lên trời!
Không chỉ có tình huống mang tính quyết định của Messi phút cuối trận. Higuain, Palacio và chính Messi đều có những cơ hội không thể ngon ăn hơn khi đối diện với khung thành đối phương một cách trống trải. Nhưng rồi họ vẫn gây thất vọng.
Đó có lẽ là cảm giác thường trực mà NHM Argentina phải trải qua bởi các vũ công tango thường xuyên đánh mất mình trong những thời khắc quan trọng.
World Cup 98, Argentina khi đó được đánh giá là ứng viên hàng đầu với thế hệ tài năng của Simeone, Ortega, Batistuta, Zanetti đã phải dừng bước trước những người Hà Lan bay do Dennis Berkamps làm cơ trưởng.
Argentina chỉ còn biết tự trách mình
World Cup 2006, Argentina khiến cả thế giới xôn xao bằng một lối chơi đắm say và một tập thể mạnh mẽ với nhạc trưởng Riquelme và một Messi mới nổi nhưng đã bị loại một cách lãng xẹt.
World Cup 2010, trong tay Maradona là những con người tài năng nhưng lại không phải một tập thể gắn kết. Và rồi mọi kì vọng được dồn vào đoàn quân của Sabella năm 2014. Họ đã tiến vào tận trận chung kết bằng nỗ lực rất đáng khen của Messi nhưng thêm một lần nữa gục ngã trước người Đức bằng bàn thua ở hiệp phụ.
Argentina luôn là vậy. Người Argentina thường thiếu cá tính và cả sự bùng nổ trong những thời điểm quan trọng để rồi luôn gục ngã khi tiến tới ngưỡng cửa của thiên đường. Kể từ sau Maradona thần thánh năm 1986, Argentina đã không còn nếm mùi vinh quang ở đấu trường World Cup. Có có nhiều tài năng nhưng vẫn chỉ được lịch sử nhắc đến như một tiếng thở dài đầy tiếc nuối.
Sabella đã đến và rất cố gắng để thay đổi những hình ảnh cũ kĩ gắn với Argentina. Đội bóng ấy không chỉ nhảy tango giỏi mà còn ‘dựng xe bus’ trước khung thành rất tài. Albiceleste không chỉ bao gồm những chuyên gia tấn công mà có cả những siêu sao nơi hàng thủ kiểu thủ thành Romero hay tiền vệ phòng ngự Mascherano. Argentina đã không còn chơi quá cá nhân và đam mê phô diễn như trước nhưng họ đã sai lầm khi lựa chọn cách đánh sở đoản của mình (phòng ngự) làm vũ khí ra trận tiền chứ không phải tiến công
Những giai điệu day dứt của bài ‘Don’t cry for me, Argentina’ bất hủ khiến cả thế giới nhỏ lệ xót thương phu nhân Peron Evita, người phụ nữ xinh đẹp và quyền lực bậc nhất nhưng lại bạc mệnh trong lịch sử Argentina.
Và đêm qua, nhiều giọt nước mắt của người Argentina đã nhỏ xuống. Họ có tất cả: một siêu sao trong đội hình, được chơi bóng ở Nam Mỹ, những cơ hội trước mắt. Thế rồi những vũ công tango ấy vẫn lặp lại hình ảnh buồn thảm như mọi khi: thất bại.
Họ đã có tất cả nhưng rồi tự đánh rơi tất cả. Trời xanh thăm thẳm còn biết trách ai đây!