Đừng ép “ông VFF” từ chức, nếu…
Các quan chức VFF đang bị sức ép từ chức như ông HLV Phan Thanh Hùng đã làm. Điều này cũng từng xảy ra thời ông Falko Goetz sau thất bại tại SEA Games 26 và người bị sức ép nặng nhất là ông cựu Tổng Thư ký Trần Quốc Tuấn.
Hồi ấy, ông Tuấn không muốn từ chức và cả VFF cũng thế và bằng chứng là họp thường vụ, tất cả đều biểu quyết ông Tuấn trụ lại. Cuối cùng thì ông Tuấn được “cấp trên” mời lên với lời dặn phải từ chức vì dư luận nói quá “cấp trên” cũng rát mặt. Thế là ông Tuấn miễn cưỡng từ chức vì ông Tuấn còn là người của Tổng cục TDTT và là cán bộ trẻ có năng lực.
Bây giờ thì bộ máy VFF quanh đi quẩn lại cũng chẳng thấy ai có chân trong bộ máy tổng cục, trừ ông phó chủ tịch mới được bổ sung, nhưng có quá ít “tuổi” gắn với đội tuyển nên vô can. Phần còn lại dù bị dư luận nói rất mạnh, nhưng có lẽ cũng chẳng ai quan tâm vì đã quen và vì nhiệm kỳ này kéo sang năm 2013 là hết.
Hôm qua, cũng nhiều người đề cập đến ông Chủ tịch VFF dù ông này đã từng tính sẽ rút lui từ lâu sau khi ông Trần Quốc Tuấn bị “kéo ghế”.
Ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì cũng chẳng ham hố gì sau vụ bầu Kiên và càng không muốn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Duy nhất còn ông tân Tổng thư ký kiêm trưởng đoàn Ngô Lê Bằng, nhưng rõ ràng ông này lành quá và cũng chẳng nợ nần ai. Đến ngay cả cái ghế của ông làm trưởng đoàn ở khu kỹ thuật mà bị người khác giành mà ông cũng chẳng màng tới nữa.
Ép các quan từ chức thì có nghĩa lý gì, bởi cái chính bây giờ chẳng phải là ai ngồi ghế mà là cấu trúc bộ máy thượng tầng của bóng đá VN đang ở đâu và làm gì.
Đã biết bao lần bóng đá VN cứ nói xóa đi làm lại, nhưng đã có ai xóa để làm sau những lần thay ghế?
Có một điều nghiệm ra rằng người tài bây giờ muốn đóng góp cho bóng đá cũng khó, bởi ra vào thường vụ bây giờ là phải êkíp và phải bè phái mới tồn tại.
Đổi một cấu trúc của bộ máy quản lý bóng đá giờ khó hơn là buộc ai phải từ chức.
Thế thì đừng hoài công ép ông này, ông nọ phải từ chức nếu cái gốc không giải được.