Đưa VAR vào V-League: Còn lắm gian nan
Theo kế hoạch, VAR sẽ xuất hiện trong các trận đấu ở V-League vào cuối năm nay, vào giai đoạn đầu mùa giải 2023-2024. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải cần vượt qua để biến điều này trở thành sự thật.
Công nghệ đốt tiền
Trợ lý trọng tài video (VAR) được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chính thức đưa vào sử dụng từ World Cup 2018 và tạo ra dấu ấn đậm nét. Các sai lầm của trọng tài trên sân cỏ giảm bớt hơn 95% nhờ VAR và từ đó, “công nghệ” này được áp dụng rộng rãi ở các giải đấu hàng đầu thế giới, bao gồm các cúp châu Âu như Championes League, Europa League và các giải Vô địch quốc gia (VĐQG) lớn tại châu Âu như Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga, Serie A, Ligue 1…
VAR không dành cho tất cả.
Tuy nhiên, không phải giải đấu nào cũng sử dụng VAR. Tính đến đầu mùa giải 2022-2023, chỉ có gần 60 giải VĐQG và vài chục cúp quốc nội có VAR. Con số này cho thấy độ phủ sóng của công nghệ này không lớn như người ta tưởng tượng, khi nó đã có 5 tuổi đời chính thức và quy trình vận hành được tối ưu theo thời gian.
Có rất nhiều giải đấu quen thuộc không áp dụng VAR, hoặc mới đưa công nghệ này vào sử dụng. Ví dụ như giải VĐQG Scotland chỉ triển khai VAR từ giữa mùa giải này, sau World Cup 2022. Hay thậm chí nhiều cúp quốc nội phải dùng VAR theo dạng “cắc bụp”, tức trận có, trận không và chỉ triển khai 100% từ vòng từ bán kết, bao gồm cả FA Cup của Anh.
Có rất nhiều lý do khiến VAR dù tốt nhưng chưa được phổ cập toàn cầu. Lý do đầu tiên chính là tiền đâu. Theo tính toán của Scotland, mỗi CLB ở hạng đấu cao nhất của họ (Premiership) phải hỗ trợ chi phí cho ban tổ chức giải 1,45 triệu USD mỗi mùa. Đổi ra tiền Việt, mỗi CLB phải nộp gần 35 tỷ VND - một con số không tưởng.
Tất nhiên, không phải giải đấu nào cũng tiêu tốn ngần ấy tiền cho VAR. Tùy theo khả năng tài chính, các giải sẽ chọn “gói VAR” phù hợp, bao gồm việc lắp bao nhiêu máy quay, sắp xếp hệ thống vận hành dữ liệu, số trọng tài xem video…
Các trọng tài Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian để thực hành VAR.
Ở châu Á, Hàn Quốc là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng VAR và họ thậm chí đưa VAR vào cả giải hạng nhì từ năm 2018. Hàn Quốc ước tính mất hơn 2 tỷ won (1,88 triệu USD) để có công nghệ này trong tổng cộng 412 trận đấu mỗi mùa.
Trong khi đó, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực “đi theo thế giới”. Thái Lan, Singapore và mới nhất là Malaysia cũng đau đầu với vấn đề tài chính. Ở Thái League, mỗi CLB sẽ mất khoảng 60 triệu VND/1 trận để có VAR. Trong khi đó, Malaysia dù nổi tiếng giàu có vẫn chưa thể triển khai VAR ít nhất đến cuối năm nay. Liên đoàn bóng đá nước này (FAM) ước tính chi phí lắp đặt hệ thống cho mỗi sân vận động lên đến 150.000 USD, chưa kể tiền vận hành từng trận đấu.
Hiện tại, mức độ trượt giá khiến VAR càng đắt đỏ hơn. Điều đó khiến những giải đấu được xem trọng như AFF Cup vẫn chỉ có VAR trên bàn họp và trên các mặt báo.
Gian nan đưa VAR vào V-League
Từ năm 2019, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã liên hệ FIFA để được tư vấn, hướng dẫn về các thủ tục và quy trình áp dụng VAR, liên hệ Thái League để tham khảo mô hình VAR tại Thái League. Đến năm 2020, đại dịch bùng phát kéo theo một loạt giải đấu bị tạm hoãn và hủy, mọi chuyện cũng bị đóng băng.
VAR chỉ hạn chế, không triệt tiêu sai lầm của trọng tài.
Phải đến tháng 10 năm ngoái, kế hoạch triển khai VAR tại V-League của VFF và VPF được FIFA phê chuẩn. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trong hành trình kéo dài ít nhất 13 tháng để công nghệ này đi vào thực tiễn sân cỏ Việt Nam.
VPF dự kiến phải bỏ ra 3 triệu USD (70 tỷ VND) để triển khai, vận hành VAR tại V-League. Theo yêu cầu của FIFA, VAR chỉ có thể xuất hiện tại V-League sớm nhất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi FIFA cho phép rút ngắn thời gian đó, VPF có lẽ cũng không thể làm nhanh hơn.
Chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú cho biết: “Về VAR, VPF đã muốn triển khai sớm. Nhưng tình hình tài chính trước đây chưa đủ. Khi làm việc với FIFA, họ đã sang và làm việc với VPF, tới bước phê chuẩn thì không được do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi khởi động lại dự án, mọi việc đã thuận lợi hơn”.
Hiện có 2 phương án VAR, thứ nhất là sử dụng duy nhất một trung tâm VAR cho toàn bộ hệ thống sân vận động có đội đá V-League. Tuy nhiên, phương án này chưa thể thực hiện ở Việt Nam bởi hệ thống đường truyền không đảm bảo. VPF đã lựa chọn phương án thứ 2 được đánh giá khả thi hơn, đó là trang bị 3 xe VAR phục vụ VAR ở các cụm sân tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong xe VAR sẽ đặt máy chủ cỡ lớn (có thêm máy chủ dự phòng), hỗ trợ xử lý 8 kênh đầu vào dành cho việc thu ghi luồng tín hiệu từ các camera trên sân vận động và camera bắt việt vị; phần mềm Xeebra để thể hiện tình huống việt vị ảo (phần mềm này phải có giấy phép từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam). Ngoài ra còn có các thiết bị hỗ trợ VAR như hệ thống liên lạc nội bộ giữa trọng tài trên sân và các trọng tài trong phòng VAR.
Số lượng trọng tài Việt Nam được thực hành VAR vẫn là dấu hỏi.
Chi phí mỗi xe VAR vào khoảng 9 đến 11 tỷ VND, chưa bao gồm chi phí vận hành, nhân sự liên quan và các khoản phát sinh. Trên thế giới chỉ có 2 nhà cung cấp thiết bị công nghệ VAR do FIFA chỉ định, khiến VPF không có nhiều lựa chọn về mặt giá cả.
Vấn đề tài chính đã khó khăn, chuyện con người còn nan giải hơn. Cuối năm ngoái, FIFA đã cử các chuyên gia sang Việt Nam, thực hiện khóa đào tạo dành cho các giảng viên trọng tài.
VPF thông báo họ đã hoàn thành đào tạo lý thuyết cho 50 trọng tài. Trong nửa năm qua, hai lớp đào tạo, tập huấn nâng cao đã được thực hiện với số lượng trọng tài thấp hơn. Ông Trần Anh Tú - Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF khẳng định: “Việc tập huấn VAR đặc biệt quan trọng với các trọng tài, trợ lý trọng tài. Trong 14 ngày liên tục, các trọng tài sẽ được tham gia làm quen với công nghệ VAR trên hệ thống mô phỏng, cũng như được đào tạo các bước ứng dụng công nghệ VAR - mức độ 1 với tình huống đơn giản. Sau đó, chúng ta sẽ còn những giai đoạn tiếp theo sau đó nữa. Nếu như chúng ta tập huấn tốt, vượt qua bài kiểm tra của FIFA thì VAR mới có thể được áp dụng trên sân thi đấu. Sự hiện diện của VAR ở các trận đấu chuyên nghiệp là điều mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, VPF và đặc biệt là Ban Trọng tài mong muốn”.
Các trọng tài sau khi học lý thuyết sẽ được tập huấn trong phòng LAB. Tiếp đó, họ được đào tạo các bước ứng dụng công nghệ VAR - mức độ 2, các tình huống phức tạp dài 3-5 phút cùng việc áp dụng 1 trận đấu 90 phút trực tiếp hoặc ghi trước. Đến tháng 5 hoặc 6/2023, các trọng tài sẽ được đào tại tại các trận đấu không chính thức. Chỉ khi nào các trọng tài vượt qua được bài kiểm tra đến từ FIFA thì bóng đá Việt Nam mới có thể đủ điều kiện vận hành VAR, với dự kiến là ở mùa giải 2023-2024.
Đây được xem là vấn đề mấu chốt. Với tần suất sai lầm ngày càng dày đặc ở V-League 2023, không ít người nghi ngờ khả năng đạt chuẩn sử dụng VAR của các trọng tài Việt Nam. Thực tế, tháng 6 đã đến nhưng thông tin các trọng tài “thực tập” VAR vẫn chưa được xác định.
Với tình hình này, VAR rất dễ xuất hiện chậm trễ hơn mong muốn của VPF và người hâm mộ cần cảm thông cho điều đó. Sau cùng, công nghệ có hiện đại đến đâu, con người vẫn là người điều khiển và quyết định. V-League sẽ phải chờ đến khi các trọng tài Việt Nam có thể vận hành VAR chính xác và mượt mà.
Không phải trận nào cũng có VAR? Với trang thiết bị hạn chế, V-League 2023/2024 có thể đối mặt với những vòng đấu trận có VAR, trận không có VAR. Điều này khiến nguy cơ xảy ra tranh cãi là cực lớn. Nó giống như việc VFF và VPF sử dụng trọng tài ngoại cho một số trận đấu ở V-League mùa này theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Cứ CLB nào vừa hưởng lợi từ sai lầm của trọng tài nội trước đó, họ sẽ chơi trận tiếp theo với một trọng tài ngoại. Hệ thống thiết bị VAR và các máy móc kèm theo sẽ được tiến hành lắp đặt ở 12 sân (bao gồm cả sân Ninh Bình, sân 19-8 là sân nhà của 2 đội vừa lên hạng là đội Công an Nhân dân và đội Khánh Hòa). FIFA sẽ đích thân thử máy móc, đường truyền ở các sân này. FIFA yêu cầu các sân có đội thi đấu ở V-League phải đáp ứng được về cơ sở vật chất phục vụ VAR, có các vị trí đặt máy quay phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng VAR (để vận hành được VAR, mỗi trận đấu phải có tối thiểu 8 máy quay thay vì chỉ 6 máy quay). Tuy nhiên, vẫn chưa có gì rõ ràng và chính thức. Dù sao, đưa VAR vào V-League cũng là nỗ lực đáng khen ngợi của VFF và VPF. Cho dù vẫn còn nhiều ẩn số phía trước, nhưng việc có VAR hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn của các trận đấu, đồng thời giúp các cầu thủ Việt Nam quen với công nghệ này hơn khi ra sân chơi quốc tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các sai sót của trọng tài xuất hiện với tần suất dày đặc ở V-League 2023 khiến giới mộ điệu trong nước ngán ngẩm. Cùng với đó, nhiều người cho rằng trợ lý trọng tài...