Dù đã từ chức, Sepp Blatter vẫn “cố đấm ăn xôi”
Cách đây 2 ngày, Sepp Blatter đã khiến cả thế giới bóng đá bất ngờ với tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch FIFA sau 17 năm liên tục đảm nhiệm cương vị này dù ông vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ chính “ông trùm” người Thụy Sĩ này cho biết ngày mà cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới có người đứng đầu mới không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Theo tờ Daily Mail, dù đã đích thân tuyên bố trong buổi họp báo hôm 2/6 về quyết định sẽ thôi giữ cương vị Chủ tịch FIFA nhưng mới đây Sepp Blatter đã bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ vẫn tiếp tục ở lại cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới cho đến tháng 2 năm 2016 – thời điểm thích hợp nhất để tiến hành một cuộc bầu cử cho chức vụ Chủ tịch mới.
Lý giải cho quyết định được xem là “cố đấm ăn xôi” này của mình, vị Chủ tịch 79 tuổi chia sẻ rằng bởi ông đã có tình cảm gắn bó đặc biệt với khoảng 400 nhân viên tại trụ sở của FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ) suốt thời gian dài và sẽ cần có thời gian để giải quyết giúp họ những vấn đề còn tồn tại trước khi mình ra đi:
“Chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng. Tôi vẫn rất cần sự giúp đỡ của các bạn để vượt qua khó khăn này. Hãy mạnh mẽ lên, chúng ta vẫn có rất nhiều việc để làm.”
Sepp Blatter dự định vẫn cố trụ lại nhiệm sở của FIFA đến tháng 2 năm 2016
Báo chí quốc tế còn đưa tin, hôm nay (4/6), Sepp Blatter vẫn đến nhiệm sở ở Zurich để tham dự một buổi họp theo lịch đã định trước như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Cũng liên quan đến quyết định từ chức của Blatter, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Greg Dyke đã dành lời khen ngợi cho các phương tiện truyền thông của xứ sở sương mù vì “chiến tích” hạ bệ “ông trùm” người Thụy Sĩ ở cương vị Chủ tịch FIFA. Ông nói: “Blatter đã bị báo giới Anh công kích vạch trần hết tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác và bây giờ, họ đã chứng minh rằng điều đó là đúng. Đó thực sự là một thắng lợi của báo chí Anh.”
Sau khi Sepp Blatter tuyên bố từ chức, hàng loạt những ứng cử viên sáng giá đã nổi lên trong cuộc đua để trở thành Chủ tịch mới của FIFA. Một trong những cái tên đáng chú ý nhất chính là Hoàng tử Jordan Ali bin Al-Hussein – người đã rút lui ngay trước vòng bầu cử thứ 2 trong cuộc đua “song mã” với chính Blatter vừa qua.
Ali bin Al-Hussein là phó chủ tịch FIFA, người đứng đầu LĐBĐ Jordan đồng thời cũng là sáng lập viên, chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ Tây Á. Người đàn ông 39 tuổi này cũng nắm giữ cương vị khá quan trọng ở hoàng gia Jordan khi ông là anh trai của Quốc vương Abdullah, sở hữu khối tài sản không thể ước đoán được. Các hãng cá cược lớn trên thế giới, tiêu biểu là Paddy Power, đặt “cửa” 7 ăn 4 cho khả năng vị hoàng thân này được bầu kế vị Sepp Blatter.
Hoàng tử Jordan Ali bin Al-Hussein sẽ lại tranh cử chức Chủ tịch FIFA
Cũng với tỉ lệ “chọn” tương tự, chủ tịch UEFA Michel Platini có lợi thế hơn hẳn hoàng thân Jordan dù ông chính là đồng minh của Ali bin Al-Hussein trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vừa qua. Chưa ai quên, Platini được coi là “cánh tay mặt” của chính Blatter và được chính ông chủ FIFA vận động, đưa lên chiếc ghế chủ tịch UEFA năm 2007 ngay trước mũi Lennart Johansson và Franz Beckenbauer.
Dường như trong thế giới quyền lực bóng đá, chưa bao giờ tồn tại khái niệm đồng minh trên mọi phương diện. Những người chung mục đích chỉ sát cánh cùng nhau trong một chiến dịch nhưng ngay sau đó sẵn sàng đương đầu cùng nhau ở một chương trình tranh cử khác hứa hẹn hấp dẫn và sôi động không kém.
Một ứng cử viên khác cũng sẽ tham gia chạy đua vào ghế Chủ tịch FIFA sắp tới là cựu danh thủ của CLB Newcastle và ĐT Pháp David Ginola, người từng thất bại trong cuộc vận động lấy phiếu ủng hộ từ các Liên đoàn bóng đá ĐTQG trên thế giới ở cuộc bầu cử trước. Lần này, người đàn ông 48 tuổi này dự định sẽ có một kế hoạch tranh cử cẩn thận và thuyết phục hơn để thu được nhiều phiếu bầu trong cuộc đua sắp tới.
David Ginola tự tin sẽ cải thiện được tình hình so với kỳ tranh cử trước
Bên cạnh đó, Chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) Issa Hayatou cũng dự định sẽ ứng cử vào chức vụ người đứng đầu FIFA. Tuy nhiên, cơ hội thành công của vị quan chức người Cameroon này không cao khi uy tín của ông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cáo buộc của BBC liên quan đến việc ông nhận hối lộ tiền bản quyền truyền hình từ công ty tiếp thị thể thao ISL năm 2010 và từng bị Ủy bản Olympic Quốc tế khiển trách.