ĐT Việt Nam thời HLV Troussier có gì khác Park Hang Seo khi đối đầu Nhật Bản?
Đối đầu với cùng đối thủ là ĐT Nhật Bản, HLV Troussier đã tạo nhiều sự khác biệt đáng kể so với thời HLV Park Hang Seo.
Khác biệt về triết lý bóng đá
ĐT Việt Nam dưới thời thầy Park tập trung đá phòng ngự phản công thực dụng nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất có thể. Thông số cầm bóng của ĐT Việt Nam với ĐT Nhật Bản trong trận hòa lịch sử tại Saitama đã thể hiện rõ nhất triết lý đó.
Cầu thủ Việt Nam tự tin cầm bóng trước Nhật Bản
Các cầu thủ Việt Nam ở trận đấu đó chỉ cầm bóng 28%, tung ra 277 đường chuyền và tỉ lệ chuyền chính xác chỉ là 64%. Sau khi có bàn thắng mở tỉ số bất ngờ của Thanh Bình, các đường chuyền của ĐT Việt Nam thường mang mục đích đưa bóng đi xa khung thành của thủ môn Nguyên Mạnh, không cần biết bóng đi có trúng mục tiêu cần đến hay không.
Thế nhưng dưới thời HLV Troussier, các cầu thủ đã dám cầm bóng, dám phối hợp và dám di chuyển liên tục trước mặt các ngôi sao trời Âu. Dù đối phương có là Wataru Endo hay Morita, những Thái Sơn, Hùng Dũng hay Đình Bắc đã tự tin ban bật, thậm chí là "xâu kim" cầu thủ đối phương, khiến họ liên tục phải đuổi theo bóng. Kể cả khi vươn lên dẫn trước, đội bóng áo đỏ vẫn không từ bỏ lối chơi, không "dựng xe buýt" trước khung thành.
"Đoàn quân" của HLV Troussier ở trận đấu mở màn Asian Cup 2023 tung ra tới 530 đường chuyền, 432 trong đó là đúng địa chỉ, tỉ lệ lên tới 82%. Số đường chuyền thậm chí gần gấp đôi trận hòa 1-1 gần nhất giữa 2 đội. Đối đầu với đội tuyển kiểm soát tốt nhất châu Á, ĐT Việt Nam cầm bóng tới 42%, Đây là con số không tưởng, cho thấy triết lý bóng đá hiện đại của chiến lược gia người Pháp đang được các cầu thủ áp dụng thành công.
Khác biệt về tâm thế, thái độ nhập cuộc
Dưới triều đại HLV Park Hang Seo, các cầu thủ thường nhập cuộc với tâm thế cửa dưới trước đối thủ mạnh. Xác định rõ "vai vế", ĐT Việt Nam chấp nhận nhường hoàn toàn thế trận cho đối phương và chờ đợi vào những pha phản công chớp nhoáng.
Các cầu thủ nhập cuộc đầy tự tin
Nhiều chuyên gia nhận định, lối chơi của chiến lược gia người Hàn Quốc tương đối "phản bóng đá", khi ông chủ trương phá lối chơi của đối phương hơn là xây dựng lối chơi nhuần nhuyễn cho ĐT Việt Nam. Thứ bóng đá thực dụng có thể giúp ĐT Việt Nam đạt được hiệu quả nhất định, nhưng về lâu dài các cầu thủ sẽ đánh mất những kỹ năng vốn có của mình. Trong các trận đấu gặp Nhật Bản, thầy Park thường chỉ đạo các học trò chơi bóng dài, nhập cuộc với thái độ an toàn và thận trọng.
Điều này đã không còn được tiếp diễn dưới thời HLV Troussier. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã khẳng định ĐT Việt Nam sẽ nhập cuộc mà không sợ sệt bất cứ đối thủ nào. Đối đầu Nhật Bản cũng vậy, các cầu thủ nhập cuộc rất tự tin.
Các học trò HLV Troussier vào sân không phải với tâm thế "được" thi đấu với các ngôi sao, chúng ta đặt rõ trọng tâm, là "chiến" hết mình với đối thủ, những đồng nghiệp ngang hàng. Không còn phá bóng đá nữa, ĐT Việt Nam đã thực sự chơi bóng đá với những ngôi sao bên kia chiến tuyến.
Khác biệt về số bàn thắng và cả... bàn thua
Việc nhập cuộc tự tin, sẵn sàng chơi tấn công đã giúp ĐT Việt Nam lần đầu tiên ghi được 2 bàn vào lưới cường quốc bóng đá châu Á. Ở trận đấu này, các học trò của HLV Troussier cũng tung ra tới 6 cú sút, với 3 pha dứt điểm trúng đích và chỉ số bàn thắng kỳ vọng lên tới 0.94. Trước trận đấu, có lẽ ít ai đặt kỳ vọng vào thành tích này. Nhất là khi ĐT Nhật Bản liên tục có những thắng lợi "hủy diệt" với cách biệt 5, 6 bàn trước giải đấu với lối đá bóp nghẹt đối thủ.
HLV Troussier vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù vậy, triết lý bóng đá khác nhau cũng kéo theo số bàn thua có sự khác biệt. Có thể thấy, lối đá phòng ngự của thầy Park giúp ĐT Việt Nam nhận ít bàn thua hơn. Trước trận đấu tối qua, 3 trận gặp Nhật Bản ở những giải chính thức, Việt Nam chỉ thủng lưới 3 lần.
Còn ở trận mở màn Asian Cup 2023, ĐT Việt Nam với việc liên tục di chuyển đã khiến thể lực cầu thủ bị bào mòn. Tận dụng điều đó, ĐT Nhật Bản liên tục dồn ép và ghi những bàn thắng quyết định ở cuối mỗi hiệp đấu và ghi tới 4 bàn thắng vào lưới thủ thành Nguyễn Filip.
Thế nhưng, việc ưu tiên phòng ngự và chớp thời cơ phản công đã khiến cho đội tuyển Việt Nam chỉ ghi được 1 bàn sau 3 trận đấu. Đáng chú ý, ở trận hòa 1-1 trước Nhật Bản năm 2022, chúng ta chỉ tung ra được 1 cú sút, và chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) chỉ là 0.07.
Những thống kê trên cho thấy, sự khác biệt về triết lý dẫn tới cả những khác biệt về kết quả. Dù ĐT Việt Nam đã có trận đấu ấn tượng trước Nhật Bản nhưng về mặt phòng ngự, thầy Troussier sẽ còn nhiều điều phải làm với ĐT Việt Nam.
Thất bại 2-4 trước đội tuyển số 1 châu Á không phải là kết quả tệ bởi cơ hội vượt qua vòng bảng của ĐT Việt Nam vẫn còn nguyên.
Nguồn: [Link nguồn]