ĐT Việt Nam: Có thầy rồi thì... sao nữa?
Thông tin đội tuyển Việt Nam sẽ do một HLV người Nhật dẫn dắt là điều mà dư luận đã biết trước từ rất lâu.
Trước khi gút lại tên của nhà cầm quân Toshiya Miura, đã có rất nhiều cái tên rất oách như Rajagobal hay Marcel Desailly được nêu ra, làm dân tình cũng có sôi động lên chút đỉnh. Ai dè những cái tên lừng lẫy này được xướng lên cho... đủ tụ, chứ thực ra VFF dường như đã nhắm đến Toshiya Miura.
Mà vì sao lại chọn vị HLV có cái tên gợi nhớ đến huyền thoại bóng đá Nhật Bản Kazu Miura? Câu trả lời đơn giản: vì họ khó có thể chọn được một người tốt hơn. Tiền VFF không có nhiều, mà ngay cả kho có nhiều tiền thì cũng chưa chắc có thể mời được một chuyên gia danh tiếng vì họ chắc gì đã chọn Việt Nam. Vì thế bản danh sách gồm gần 20 ứng cử viên kia lộ ra giống như một động thái thăm dò dư luận nhiều hơn là nghiêm túc "chọn mặt gửi vàng" (?!).
Nhìn qua bản thành tích của HLV Miura dân ghiền bóng đá Việt thấy có vẻ chưa đã. Trong sự nghiệp cầm quân của mình, ông cũng có dẫn dắt một vài CLB của J-League. Nhưng tỷ lệ chiến thắng của ông chỉ là 24,22% trong khi tỷ lệ thua là 52,34%. Diễn dịch cho dễ hiểu: cứ khoảng 4 trận đấu thì ông Miura mới hưởng niềm vui chiến thắng một lần. Ông mà giữ nguyên "phong độ" này khi cầm Việt Nam thì fan Việt buồn hết biết.
Chọn HLV không thôi chưa đủ với ĐTVN
Nhưng thôi, hãy tạm gác lại cái CV của ông thầy người Nhật, xem như chấp nhận ăn... rau vì không đủ tiền mua thịt bò Kobe. Giờ đã có thầy rồi, tiếp theo sao nữa? Các giải vô địch quốc gia hiện nay của chúng ta như phiên chợ chiều, đã chán lại còn dính thêm scandal dàn xếp tỷ số của các cầu thủ Ninh Bình. Ngôi sao số 1 Lê Công Vinh dạo gần đây ghi bàn rất èo uột. Các vị trí từ thủ môn cho đến tiền vệ đều có nhiều vấn đề.
Ông Miura muốn triệu tập danh sách thì phải xem bóng đá. Và khi xem băng ghi hình V-League và giải Hạng Nhất của mùa bóng này ông sẽ nhìn thấy gì? Sẽ thấy nhiều cảnh như võ đài tự do, thấy bóng hình võ Bình Định, taekwondo, karatedo loạn đả trên sân bóng. Ở đây các trọng tài Việt Nam đã rất nương nhẹ cho các cầu thủ bởi vì họ... có lẽ cũng quen với những pha bạo lực. Chứ nếu phạt sát theo luật thì có khi trên sân chỉ còn... 2 thủ môn.
Đã phạt nhẹ như thế, nhưng vẫn có những trận như Đồng Nai - Hải Phòng có ... 10 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ. Mà trận này trên lý thuyết không mang nhiều ý nghĩa về sự cạnh tranh. Thế mới lạ.
Đã là HLV trưởng Việt Nam, thế nào ông Miura cũng tranh thủ nói chuyện với đồng hương là ông Tanaka Koji, trưởng BTC V-League. Trước là họ dễ nói chuyện, hiểu nhau bằng tiếng Nhật, sau là để hỏi tình hình giải vô địch V-League. Và ông Koji sẽ “ngậm ngùi” kể ra một lô những vấn đề mà mình đã thấy trong thời gian ngắn ngủi làm việc. Ngay cả cái... toa lét thôi cũng đã có khối chuyện để bàn. Bóng đá Việt Nam nói chung là phải... thay đổi mọi thứ. Vấn đề là phải đi từ cốt lõi đi ra, chứ không phải lớt phớt ở phần ngọn như chọn HLV trưởng, đá AFF Cup...
Khi nói đến bóng đá Nhật Bản, ta không thể quên câu chuyện bất hủ về chiếc giày nhỏ mà họ đã tặng ta, hàm ý khiêm tốn. Bây giờ Nhật Bản đã đàng hoàng dự World Cup, là đội bóng số 1 châu Á suốt nhiều năm liền trong khi ta lẹt đẹt ở ao làng và đi mời ngược họ qua giúp mình. Bữa giờ nghe báo chí nói HLV tìm thầy, người viết không nghĩ đến "thầy giáo" mà nghĩ đến "thầy thuốc" mới đau. Nhưng “bệnh” bóng đá Việt Nam như là bệnh “nan y”, chữa coi bộ khó lắm à nha?!.