ĐT nữ VN thất bại ở giải ĐNÁ 2015: Bước chững buổi giao thời
Đặt chỉ tiêu vô địch nhưng lại đứng hạng 4 nên xét về thành tích là sự thất bại khá nặng của ĐT nữ Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á 2015 vừa kết thúc ở sân Thống Nhất. Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình thi đấu, ĐT nữ VN vẫn để lại nhiều dấu hiệu tích cực.
ĐH Công Nghiệp TP HCM vô địch bóng đá sinh viên
U23 Việt Nam: Đá “máu lửa”, Hoàng Thịnh đón nỗi buồn riêng
Kết thúc sứ mệnh lịch sử của sơ đồ 5-3-2
Bóng đá nữ Việt Nam từ lúc được thi đấu chính thức ở giải đấu đầu tiên SEA Games 19 năm 1997 tại Jakarta cho đến năm 2014 đã trải qua 17 năm. Trong 17 năm đó, trải qua tổng cộng 6 đời HLV ngoại và nội như Giả Quảng Thác (2000-2002), Mai Đức Chung (2001, 2005, 2015), Steve Darby (2003), Ngô Lê Bằng (2006), Trần Ngọc Thái Tuấn (2006-2007), Trần Vân Phát (2007-2014) thì ĐT nữ vẫn sử dụng đúng một sơ đồ chiến thuật 5-3-2.
Trước đây, năm 2006, khi HLV Ngô Lê Bằng được VFF điều gấp sang cầm ĐT nữ VN lúc đó ông Bằng hoàn toàn không biết gì về bóng đá nữ và đã mạnh dạn cách tân sang sơ đồ hiện đại 4-4-2 để theo kịp xu thế chung của bóng đá nam VN.
Tuy nhiên, sự cách tân này không phù hợp và ĐT nữ VN đã thất bại tại Asiad 15 tại Doha (2006). Đến thời HLV Trần Ngọc Thái Tuấn sơ đồ 4-4-2 tiếp tục được thử nghiệm và lại tiếp tục thất bại ở giải châu Á tổ chức ở Australia năm 2007.
Cựu đội trưởng Lê Thị Thương ĐT nữ VN đã giã từ sự nghiệp quốc tế
Cuối năm 2007, HLV Trần Vân Phát người Trung Quốc được VFF ký hợp đồng để dẫn dắt ĐT nữ VN thi đấu ở SEA Games 24 tại Korat (Thái Lan). Ông Phát sau khi nghiên cứu đặc điểm của bóng đá nữ VN đã quyết định trở lại sơ đồ quen thuộc 5-3-2. Với sơ đồ này, ĐT nữ VN đã vô địch SEA Games 25 (2009) ở Lào và vô địch ĐNÁ 2012 và hạng Ba giải ĐNÁ mở rộng 2013 (U.20 Nhật Bản vô địch, U.20 Úc á quân).
Sự thành công của sơ đồ 5-3-2 càng khiến cho ĐT nữ VN không việc gì phải thay đổi công thức quen thuộc với bộ 3 trung vệ quen thuộc là Ngọc Anh – Đào Thị Miện – Nguyễn Thị Nga và 2 cầu thủ chạy cánh là Kim Hồng (phải), Văn Thị Thanh (trái). Sau này công thức 5 trung vệ có thay đổi chút ít với Ngọc Anh – Hải Hòa – Chương Thị Kiều và chạy biên trái là Nguyễn Thị Xuyến thay cho Văn Thị Thanh giải nghệ.
Tuy nhiên, sơ đồ 5-3-2 đã thực sự quá lạc hậu trong khi đối thủ chính của ĐT nữ VN là Thái Lan đã chuyển sang chơi sơ đồ 4-4-2 từ năm 2007. Cho đến khi thất bại ở trận play-off trước Thái Lan vào tháng 5.2014 với sự ra đi của HLV Trần Vân Phát thì sơ đồ 5-3-2 đã cáo chung, cùng với việc 2 cựu binh Ngọc Anh, Kim Hồng, đội trưởng Lê Thị Thương đã xuống dốc.
Ơ giải ĐNÁ 2015, ĐT nữ VN dưới quyền tân HLV Norimatsu Takashi đã chính thức từ bỏ sơ đồ 5-3-2 để bước vào làm quen với hệ thống 4-4-2. Một sự chuyển biến tưởng nhỏ nhưng lại là bước ngoặc mà bóng đá nữ VN suốt 17 năm qua không làm được hay không dám làm.
Xuất hiện lứa cầu thủ tài năng mới thay thế đàn chị
ĐT nữ VN để thua Thái Lan 1-2 trong trận bán kết sau 120 phút nhưng đó là một trận đấu mà chúng ta chơi rất hay, việc thắng thua xảy ra theo tình huống và sai sót của hàng thủ khi chơi kiểu giăng ngang với Hải Hòa – Chương Thị Kiều đá trung vệ. Cái thua đó là đáng tiếc chứ không phải thua kém hẳn mọi mặt giống như 1 năm trước ở trận play-off tranh vé dự World Cup.
Một điểm cần ghi nhận là ĐT nữ Thái Lan đang bước vào giai đoạn chính nhất về tài năng với lứa Nisa Romyen, Anootsara, Maijarem… đều đã thi đấu cho ĐTQG từ những năm 2007 khi mới 17-18 tuổi và hiện tại đang bước vào đỉnh cao.
Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu (8) là đại diện cho lớp tuyển thủ mới ở ĐT nữ VN
Trong khi đó hầu hết các cầu thủ ĐT nữ VN hiện nay như Huỳnh Như, Tuyết Dung, Âu Hồng Nhung, Chương Thị Kiều, Thúy An, Nguyễn Thị Liễu… đều thuộc thế hệ sinh từ 1991-1993 và mới thay thế các đàn chị khoảng 2 năm nay. Lứa cựu binh vô địch SEA Games 2009 chỉ còn lại Minh Nguyệt, Kiều Trinh, Hải Hòa và Nguyễn Thị Muôn. Đó là chưa kể thời gian làm quen với bóng đá nữ VN của HLV Norimatsu Takashi chỉ mới có 3 tháng.
So sánh ngược rất giống với thời điểm 2009 khi ĐT nữ VN còn nguyên lứa Kim Chi, Nguyễn Thị Nga, Đào Miện, Văn Thị Thanh, Kim Hồng, Minh Nguyệt, Lê Thị Thương, Mai Lan, Ngọc Châm… thì bóng đá nữ TháI Lan mới bắt đầu trẻ hóa lực lượng.
Do vậy nhìn trong tương quan có thể thấy, với lứa cầu thủ trẻ trung, thể lực sung mãn và bắt đầu thích nghi được với sơ đồ 4-4-2 cùng lối chơi hiện đại, mạnh mẽ hơn theo trường phái của Nhật Bản thì ĐT nữ VN của ông Takashi vẫn có nhiều sự lạc quan. Thất bại ở giải ĐNÁ 2015 chỉ là bước chững khi bóng đá nữ VN bước vào giai đoạn giao thời.