ĐT nữ Việt Nam vô địch AFF Cup: Gian nan khổ luyện thành tài
Ngay trên đất Thái Lan, các cô gái Việt Nam đã đánh bại kình địch số 1 trong trận chung kết để lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Đó là thành quả xứng đáng cho những cô gái đá bóng, qua đó phần nào bù đắp những thiếu thốn, khó khăn họ luôn phải đối mặt.
Giàu truyền thống nhưng... nghèo
Chức vô địch AFF Cup năm nay là lần thứ 3 đội tuyển nữ Việt Nam lên ngôi hậu ở cấp độ khu vực. Cộng thêm 5 tấm HCV SEA Games, rõ ràng những gì họ làm được đến lúc này vượt xa thành tích của những đồng nghiệp nam. Thông điệp "không sợ Thái Lan" được HLV Park Hang-seo khuyên các cầu thủ ĐT nam thực hiện, trên thực tế ĐT nữ đã làm được từ lâu.
Các cô gái Việt Nam (trái) chơi quả cảm trước Thái Lan
Trong 3 lần gần nhất gặp Thái Lan, ĐT nữ Việt Nam thắng 2, hòa 1. Còn xét trên bình diện quốc tế, bóng đá nữ Việt Nam từ lâu đã tiệm cận đẳng cấp thế giới.
Trên bảng xếp hạng FIFA, ĐT nữ Việt Nam đứng thứ 35 thế giới, chỉ đứng sau 5 ĐT nữ ở châu Á như Australia, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu may mắn hơn một chút ở vòng loại World Cup 2019 khu vực châu Á, các cô gái Việt Nam lẽ ra đã có thể giành suất đến Pháp từ tay Thái Lan. Với việc World Cup nữ chuẩn bị mở rộng từ 24 lên thành 32 đội, cơ hội để các cầu thủ nữ Việt Nam tham dự sân chơi World Cup đang đến rất gần.
Với chiến công giành chức vô địch AFF Cup 2019, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thưởng tổng cộng gần 2 tỷ đồng. Số tiền đó chẳng thể so sánh với khoản thưởng dành cho những đồng nghiệp nam thời gian qua, nhưng lại là món quà vô giá cho những cô gái đá bóng. Nếu chia đều khoản tiền này, mỗi thành viên đội tuyển nữ sẽ có thêm khoản thu nhập tương đương 1 năm tiền lương của họ. Thật khó tưởng tượng những cô gái mang vinh quang về cho bóng đá Việt Nam lại đang được trả mức lương kém xa người lao động bình thường.
Nếu xét về mặt thu nhập, Hà Nội 1, TP Hồ Chí Minh 1 và TKS Việt Nam thuộc nhóm đầu. Tuy nhiên, lương trung bình của mỗi cầu thủ ở đây cũng chỉ vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/tháng. Phong Phú Hà Nam, Thái Nguyên thuộc nhóm 2 với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng/cầu thủ. Khó khăn nhất là CLB nữ Sơn La. Lương cơ bản của những cô gái vùng cao là 600 ngàn đồng/tháng. Cộng thêm cả tiền bồi dưỡng tập luyện và bớt tiền ăn, họ cũng chỉ có thể dành dụm khoảng 3 triệu đồng gửi về cho gia đình.
Một khi thu nhập vẫn không đảm bảo thì những cầu thủ nữ không thể có đòi hỏi cao hơn về chế độ dinh dưỡng hay chăm sóc y tế. Những chuyến tập huấn để thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ vì vậy cũng gần như không có vì thiếu kinh phí hỗ trợ đi lại. Còn trong một vài chuyến đi hiếm hoi đó, sau mỗi buổi tập, những nữ cầu thủ lại cùng nhau đi ăn cơm bình dân. Bởi nguồn tiền eo hẹp chắc chắn không thể kham nổi thu nhập dành cho những chuyên gia dinh dưỡng.
Phát triển trong khó khăn
Khó khăn về mặt thu nhập là nguyên nhân khiến không ít cầu thủ nữ phải bỏ nghề để đi làm công nhân nhà máy, xí nghiệp. 25 cầu thủ đội nữ Sơn La sau 7 năm đến giờ chỉ còn vỏn vẹn 10 người.
Nguyễn Thị Liễu từng bán rau vỉa hè để kiếm sống
Còn những cầu thủ khác, bao gồm không ít tuyển thủ quốc gia phải tìm công việc khác để có thêm thu nhập: Nguyễn Thị Liễu từng bán rau ở quê, Kim Hồng thì bán bánh mì trên phố. Ngay cả Quả bóng Vàng 2018 Tuyết Dung cũng thường xuyên đăng thông tin giới thiệu xuất khẩu lao động trên mạng xã hội. Đó là cách duy nhất để họ tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng.
Hiện tại, VFF đang hỗ trợ khá nhiều để phát triển bóng đá nữ, bao gồm việc bao tiêu sinh hoạt phí cho đội U14 và U16 nữ quốc gia. Nhưng để nâng cao mức sống của các cầu thủ nữ, phương án lâu dài là phải tìm được nhà tài trợ. Những Mạnh Thường Quân hiện tại gắn bó với bóng đá nữ chỉ mang tính khích lệ, động viên là chính. Họ không nhìn thấy cơ hội quảng bá tên tuổi từ cầu thủ nữ, xuất phát từ những khán đài luôn vắng khán giả ở mỗi trận đấu thuộc giải vô địch bóng đá nữ quốc gia.
Sự chênh lệch trong mối quan tâm của người hâm mộ giữa bóng đá nam và bóng đá nữ không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tại giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, trung bình mỗi trận chỉ có... 93 khán giả đến theo dõi. Trận chung kết giữa chủ nhà Thái Lan và Việt Nam có không khí sôi nổi nhất khi có tới... 550 khán giả đến sân, chiếm 30% lượng khán giả của toàn giải! Vì thế, ước mơ lớn nhất của những cầu thủ nữ ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền chỉ là được thi đấu trên những sân bóng đầy ắp khán giả.
Bản thân HLV Mai Đức Chung, người có gần 2 thập niên gắn bó với bóng đá nữ cũng buồn trước cảnh người hâm mộ ít quan tâm đến cầu thủ nữ. Vì thế, ấn tượng về biển người trên sân Lạch Tray cổ vũ ĐT nữ Việt Nam ở SEA Games 2003 đến giờ ông vẫn nhớ như in. Thậm chí trước trận chung kết giữa Việt Nam và Myanmar còn xuất hiện cả... phe vé. Đó cũng gần như là khoảnh khắc duy nhất ông thấy ĐT nữ được yêu mến, ủng hộ nhiều đến thế.
Tiềm năng phát triển của bóng đá Việt Nam rõ ràng vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để có thể vươn xa đến những giải đấu như World Cup, rõ ràng những cô gái đá bóng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Hỗ trợ đầu tiên đến từ chính những người hâm mộ đến sân cổ vũ.
ĐT nữ Việt Nam mang vinh quang về cho quê nhà để phế ngôi Thái Lan ở Chonburi.