ĐT Nhật Bản hay "mơ ngủ" sau phút 70, coi chừng bị Việt Nam trừng phạt
Dù vượt trội về đẳng cấp và lực lượng, ĐT Nhật Bản hoàn toàn có thể ôm hận trước ĐT Việt Nam vì hàng thủ hay "mơ ngủ".
3 bàn thua của ĐT Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup (nguồn: FPT)
Cuộc chạm trán Nhật Bản chính là thử thách khó khăn nhất của ĐT Việt Nam từ đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Bên cạnh thành tích đối đầu vượt trội (toàn thắng 3 trận trong quá khứ), đội tuyển "xứ sở mặt trời mọc" còn sở hữu lực lượng hùng hậu với nhiều ngôi sao chơi bóng ở châu Âu. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa cơ hội để thầy trò HLV Park Hang Seo gây bất ngờ bằng 0.
3 bàn thua của ĐT Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup đều đến sau phút 70
Cần phải khẳng định, Nhật Bản đang trong giai đoạn "yếu" nhất vài năm trở lại đây. Trải qua 4 lượt trận, họ chỉ xếp thứ 4 bảng B với 6 điểm (2 thắng, 2 thua).
Dù giúp bóng đá Nhật Bản gặt hái một vài thành tích như huy chương bạc ASIAD 2018, hay á quân Asian Cup 2019, HLV Hajime Moriyasu chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ dư luận nước nhà. Nguyên nhân vì chiến lược gia 53 tuổi rũ bỏ triết lí bóng đá tấn công đẹp mắt để xây dựng lối chơi phòng ngự phản công, biến Nhật Bản thành tập thể đầy thực dụng, đặt hiệu quả lên hàng đầu.
Lối chơi này dựa trên nền tảng một hàng thủ vững chắc, nhưng trớ trêu thay hàng thủ Nhật Bản đang thi đấu cực kì tệ hại với "thành tích" 3 bàn thua/4 trận. Ngoại trừ trận thắng Trung Quốc 1-0, "Samurai xanh" không giữ sạch lưới trước Oman (thua 0-1), Saudi Arabia (0-1), Australia (thắng 2-1).
Đáng nói hơn, cả 3 bàn thua của Nhật Bản diễn ra sau phút 70, điều đó cho thấy các hậu vệ thường mất tập trung vào giai đoạn cuối trận. Ở trận gặp Oman, họ tổ chức kèm người không tốt, để đối phương thoải mái phối hợp bên cánh phải trước khi ghi bàn thắng duy nhất vào phút 88.
Ở trận gặp Saudi Arabia, đường chuyền về tai hại của Gaku Shibasaki ở phút 71 tạo điều kiện cho cầu thủ đối phương ghi bàn ấn định kết quả. Tới trận gặp Australia, Nhật Bản bị gỡ hòa 1-1 ở phút 70 sau cú sút phạt trực tiếp đẹp mắt của Hrustic. Trước đó, Hidemasa Morita là tác giả pha phạm lỗi vô cùng nghiệp dư sát vạch 16m50.
3 bàn thua xuất phát từ những tình huống không đáng có nếu xét về đẳng cấp, danh tiếng của từng cá nhân nơi hàng thủ như Tomiyasu (Arsenal), Yoshida (Sampdoria), Hiroki Sakai (cựu cầu thủ Marseille), Nagatomo (cựu cầu thủ Inter Milan),...
Thầy Park và ĐT Việt Nam sẵn sàng "trừng phạt" những sai lầm hàng thủ của Nhật Bản
4 trận đấu vừa qua, HLV Moriyasu cũng loay hoay trong việc định hình bộ khung khi sử dụng tới 3 hàng thủ khác nhau. Cộng với quãng thời gian tập trung ngắn, các hậu vệ không thể duy trì sự ăn ý, ổn định là điều dễ hiểu.
Chạm trán ĐT Việt Nam, Nhật Bản buộc phải dồn lên tấn công hòng tìm kiếm bàn thắng và rất dễ bộc lộ sơ hở. Đó là thời cơ để HLV Park Hang Seo thi triển bài phòng ngự - phản công sở trường và trừng phạt đối thủ bằng những "cú đấm" bất ngờ, như cách ĐT Việt Nam từng chọc thủng lưới Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman.
Nguồn: [Link nguồn]
Công Phượng, Quang Hải và các tuyển thủ Việt Nam "gây sốt" với hoạt động bên lề trong quãng thời gian tập trung...