ĐT Đức: Lạnh lùng mà tiến
Chiến thắng 4-0 của Đức trước Bồ Đào Nha tuy rất đậm đà, nhưng nó dường như chưa phản ánh sức mạnh thật sự của Mannschaft bởi đối thủ đã “tự sát” nhiều hơn là Đức phô diễn sức mạnh thật sự của họ.
Đức của Joachim Loew, hay Đức của Pep Guardiola? Đấy là câu hỏi lớn khi nhìn vào đội hình xuất phát của Đức với Philipp Lahm ở vị trí tiền vệ trung tâm và một hàng tấn công không có tiền đạo thực thụ. Cách chơi của Đức cũng được xem là học theo Bayern Munich của Pep trong mùa giải vừa qua. Nhưng tiqui-taca của Đức được bao nhiêu điểm thì chúng ta chưa thể đưa ra ngay câu trả lời.
Có một điều dễ thấy: trong khi ĐT Đức thăng hoa bởi giải vô địch Bundesliga sớm ngả ngũ và các cầu thủ của họ đã có một khoảng nghỉ đủ dài thì Bồ Đào Nha kiệt quệ về thể lực bởi những con người đã cùng Real Madrid cày ải suốt mùa bóng vừa qua. Fabio Coentrao mờ nhạt, thậm chí còn va vào Nani trong một pha tấn công. Cristiano Ronaldo chỉ là chiếc bóng mờ của chính mình so với một CR7 đã tung tẩy ở 2 trận play-off trong khi Pepe rơi vào "bẫy diễn xuất" của Thomas Mueller một cách quá dễ dàng.
Đội hình Bồ còn có một Nani không còn cảm giác bóng khi phải ngồi dự bị suốt cả mùa bóng vừa qua tại Man United, một Hugo Almeida mãi là tiền đạo tầm trung của châu Âu. Đội hình ấy y hệt như đội hình đã thua Đức tại Euro 2012, nhưng với thể lực và ý tưởng đều chỉ còn phân nửa. Bồ Đào Nha không thua mới lạ.
ĐT Đức dễ dàng hạ Bồ Đào Nha với lối chơi theo kiểu tiki-taka
Vì thực lực của Bồ quá tệ nên mọi kết luận về Đức sau trận đầu tiên đều quá muộn màng. Huống hồ Đức luôn có truyền thống khởi đầu những giải đấu lớn cực tốt.
Từ World Cup 1990 đến nay, Đức luôn thắng trong trận mở màn và có đến 5/7 lần họ ghi ít nhất là 4 bàn. Nghĩa là cái chất lạnh lùng, tàn nhẫn của “xe tăng” Đức vẫn được HLV Joachim Loew giữ vững.
Còn về lối chơi thì sao? Đó sẽ là một đề tài thú vị. World Cup 2006 đánh dấu một cuộc thay da đổi thịt của đội tuyển Đức cùng Jurgen Klinsmann. Từ ấy đến nay họ tấn công đẹp hơn, phóng khoáng hơn để thay đổi hình ảnh của "cỗ xe tăng" lạnh lùng, nặng nề trong quá khứ.
Nhưng nếu như tại World Cup 2010 và Euro 2012, Đức đá pressing cực hay theo kiểu Dortmund thì đến World Cup lần này, Đức lại chơi tiqui-taca theo kiểu Bayern. Phải chăng những giải đấu lớn liên tiếp không thành công đã khiến cho Loew hoang mang trong việc theo đuổi cách chơi quen thuộc?
Trước khi Đức có bàn mở tỷ số, Lahm đã có 2 lần mất bóng ở vị trí nguy hiểm. Đấy rõ ràng là một Lahm rất khác với sự đĩnh đạc ở Bayern. Phải chăng vì bên cạnh anh không còn Bastian Schweinsteiger và phía trên anh không còn là những cầu thủ gây áp lực cực tốt lên khung thành đối phương như cặp "Robbery".
Hãy chú ý đến con số thống kê. Tỷ lệ kiểm soát bóng của Đức chỉ là 54%, không cao nếu so với con số bình quân đến hơn 70% của Bayern mùa bóng vừa qua. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác và số cú sút của Đức đều ngang với Bồ. Nếu xét đến việc Đức chơi hơn người trong phần lớn thời gian thì đấy là những con số nghèo nàn, phản ánh một thứ tiqui-taca lớt phớt, chưa đến nơi đến chốn của Loew.
Ông còn giấu bài hay ĐT Đức chưa "thấm" được tiqui-taca? Cứ phải chờ xem trận thứ 2 vậy.
Góc 3D: “Cỗ xe tăng” Đức nghiền nát BĐN: