ĐT Đức: 5 đột phá phía sau "chiến lược World Cup"
ĐT Đức đã lên ngôi vô địch World Cup 2014 một cách đầy xứng đáng sau chiến thắng 1-0 trước Argentina ở trận chung kết. Báo chí quốc tế xem đây là một chiến công to lớn của bóng đá Đức nhờ những đổi mới mang tính đột phá của họ trong suốt 10 năm qua.
Tiến trình đổi mới kéo dài 10 năm
“Chiến thắng khó tin trước Brazil 7-1 ở bán kết World Cup 2014, sau đó vượt qua Argentina ở chung kết chính là những lời cảnh báo mang tính lịch sử của tiến trình đổi mới kéo dài 10 năm của bóng đá Đức”, tờ nhật báo Daily Mail của Anh đã viết.
Khi Die Mannschaft thất bại ngay từ vòng bảng của Euro 2004, một vài cá nhân xuất sắc cùng với tình yêu nước đã tới để trợ giúp cho ĐTQG. Người Đức đã quyết định cải tổ tất cả để xây dựng một thứ bóng đá mới: Tăng hợp tác giữa các câu lạc bộ và ĐTQG, phát triển các trung tâm đào tạo, mở rộng việc tìm kiếm các tài năng trẻ, ưu tiên cho các cầu thủ người Đức và áp dụng cùng một phong cách chơi với tất cả các đội tuyển trẻ quốc gia .
Đức lên ngôi VĐ World Cup 2014 một cách xứng đáng
Jurgen Klinsmann, khi đó là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia cùng với trợ lý của mình Joachim Low (người hiện giờ là HLV trưởng ĐT Đức) đã thống nhất với các câu lạc bộ ở Bundesliga nhằm xác định và định hình phong cách của đội tuyển quốc gia: "Tốc độ và kỹ thuật, đó là vũ khí đã giúp người Đức đè bẹp Brazil tại Belo Horizonte ở bán kết và sau đó kết liễu đối thủ khó chịu Argentina tại Maracana để giành ngôi sao thứ 4 trong lịch sử World Cup của mình", tờ Telegraph (Anh) nhận định.
Một tập thể chưa từng có
Nếu Argentina phải nhờ tới Messi, Brazil phụ thuộc vào Neymar, Colombia dựa vào James Rodriguez ... thì người Đức làm hoàn toàn ngược lại. Cá nhân phục vụ tập thể chứ không có chuyện tập thể phải phục vụ lợi ích của cá nhân. "Kể từ những năm 80, người Đức không bao giờ để xảy ra chuyện ĐTQG phụ thuộc vào một cầu thủ duy nhất”, tờ tuần báo của Anh NewStatesman nhận định.
“Đây là một World Cup của những cá nhân. Ngược lại, Đức chuẩn bị cực kỳ tốt cho cuộc chơi giống như một tập thể đoàn kết tại Cúp thế giới và đã chứng minh tính ưu việt của tinh thần tập thể khi đè bẹp những đội bóng phụ thuộc vào cá nhân ngôi sao đã bị quá tải bởi sự kỳ vọng quá lớn nơi NHM như Brazil, hay Argentina", NewStatesman viết.
ĐT Đức là một tập thể đoàn kết
Sự kết hợp giữa lối chơi Nam Mỹ và bóng đá tổng lực
Bóng đá Đức đã rất thành công với việc "thống nhất và kết hợp một cách hiệu quả các trường phái bóng đá tổng lực của Hà Lan và lối chơi hoa mỹ Latin", tờ El Pais của TBN cho hay. Theo tờ báo hàng ngày có trụ sở tại Madrid, nhờ sự kết hợp những đường chuyền ngắn và nhanh của các đội Nam Mỹ cùng với những đường lên bóng tấn công ồ ạt được phát triển bởi Hà Lan, "Löw đã kiên trì xây dựng một lối chơi bóng đá cách tân phong cách TBN với sự kết hợp của các cầu thủ Đức. Kết quả là chiến thắng hoàn toàn cho người Đức".
Chân sút thứ 11 chơi trên sân
Chúng ta thường nói về người thứ mười hai đó là các CĐV. Họ có nghĩa vụ tăng cường tinh thần cho 11 cầu thủ trên sân. "Nhưng thuật ngữ này có vẻ không thích hợp, khi chúng ta xem xét thực tế là các đội bóng thậm chí không sử dụng đủ 11 cầu thủ mà họ có trên sân", trang These Football Times nhận định. Và chân sút thứ 11, theo tạp chí của Anh, chính là thủ môn.
Đức đã biết khai thác tốt chân sút thứ 11 trên sân
"Nếu mô hình chơi bóng của Tây Ban Nha được cải tiến bởi người Đức, thì đó là nhờ vào thủ thành Manuel Neuer. Đức đã sử dụng thủ môn không chỉ với vai trò là người bảo vệ khung thành của mình, mà Neuer còn tham gia tích cực trong phòng thủ, phát động tấn công và duy trì khả năng cầm bóng.
Đức đã thực sự biết khai thác chân sút thứ 11 của mình. Và nếu đối thủ của bạn không làm như vậy, bạn nắm chắc phần thắng vì có hơn 1 cầu thủ biết chơi bóng bằng chân”, tờ báo này phân tích. "Chúng ta đã thấy hình ảnh chuẩn mực của một thủ môn của bóng đá tương lai trong trận đấu giữa Đức và Algeria tại vòng 1/16, khi đó Manuel Neuer chơi gần như có mặt thường trực bên ngoài vòng cấm của mình”, These Football Times bình luận.
Hướng tới một kỷ nguyên mới?
Sự sụp đổ của Tây Ban Nha ngay ở vòng đầu tiên, khiến người ta nghĩ rằng không một quốc gia nào có thể thống trị bóng đá thế giới trong một thời gian dài. Tờ Guardian (Anh) cho rằng đó là sai lầm vì người Đức là "vị vua mới có phong cách chơi".
"Điều này chắc chắn đảm bảo việc duy trì danh hiệu trong một thời gian dài, bởi vì thế hệ này đã phải đối mặt với thất bại tàn nhẫn trong những lần đối đầu với Tây Ban Nha tại Euro 2008 và World Cup 2010. Tuy nhiên sự trưởng thành của họ rất đặc biệt và họ có sự tự tin cao nhất", Guardian nhận định.