ĐT Bỉ: Bóng đá trên Thiên đường (P2)
Cuộc cách mạng của bóng đá Bỉ diễn ra chỉ trong 12 năm nhưng đã cho thành quả mỹ mãn.
Sở hữu một đội hình cân đối, hài hòa với ngôi sao trải đều mọi tuyến, ĐT Bỉ (biệt danh “Quỷ đỏ”) được xem là ẩn số thú vị nhất của World Cup 2014. Bỉ có thể là ngựa ô, nhưng cũng có thể là một ứng viên cạnh tranh vô địch. Thậm chí sẽ không quá khi nói rằng về sức mạnh, chiều sâu đội hình và tính cân đối, ĐT Bỉ thậm chí còn vượt trội so với những thế lực cũ như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… |
Tuyển thủ cũng tập như trẻ con
Michel Sablon đi khắp mọi nơi. Ông vừa trở về từ Bulgaria và Azerbaijan để gặp quan chức LĐBĐ các nước này. “Nhiều chuyến đi quá, tôi vừa phải lên truyền hình Romania trong 2 giờ”, Sablon nói với báo chí.
Sự trỗi dậy của ĐTQG Bỉ bắt đầu từ nỗi xấu hổ. Sablon là trợ lý đội tuyển ở World Cup 1986, lần cuối cùng mà thế hệ Vàng của Bỉ thi đấu với những Jean-Marie Pfaff hay Enzo Scifo. Bỉ lọt vào bán kết năm đó, và kỷ niệm ấy giúp Sablon được LĐBĐ ưu ái khi Bỉ đăng cai EURO 2000. Nhưng trong vai trò HLV trưởng, Sablon chứng kiến đội tuyển của ông bị loại khỏi vòng bảng, chơi một lối chơi tẻ nhạt, chậm chạp và không chút sáng tạo. Bỉ trở thành chủ nhà EURO đầu tiên bị loại từ vòng bảng.
Nhà cải cách bóng đá Bỉ Michel Sablon
2 năm sau, Sablo lên làm giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Bỉ. Công việc đầu tiên: Phá sạch hệ thống hiện tại. Đội tuyển quốc gia đã hết sạch ý tưởng, còn đội tuyển trẻ không cho ra tài năng đáng kể nào. Công tác huấn luyện cực kỳ lỗi thời, các trung vệ được đào tạo để chơi như những hậu vệ quét kiểu Franz Beckenbauer, đội hình sử dụng 3 hậu vệ như thập kỷ 1970.
“Nếu cái ta đang làm không có hiệu quả, hãy khởi đầu từ đống đổ nát”, Sablon nói. Các quan chức VFF nên lắng nghe.
Sablon làm việc “như một thằng điên” (ông tự nhận). 2 năm đầu, ông lái xe xuống các giải trẻ Bỉ, đi sang Pháp và Hà Lan để học. Ông đi nghiên cứu hơn 1.600 giờ băng hình của các trận đấu 11-chọi-11 giữa các cầu thủ trẻ Bỉ để phân tích xem họ chạm bóng bao nhiêu lần (trung bình 4 chạm/cầu thủ trong 20 phút). Ông tổ chức các cuộc họp với thành phần tham dự là các HLV từ rất nhiều cấp độ khác nhau của bóng đá Bỉ, không khác gì họp Quốc hội.
Kết quả của quá trình làm việc là một kế hoạch tầm quốc gia có tên G-A-G (Global - Analytique - Global). Ý tưởng là như thế này: bóng đá Bỉ sẽ là sự hòa trộn giữa bóng đá Pháp (dựa vào sức mạnh và hiệu quả chiến thuật) với bóng đá Hà Lan (kỹ thuật cao và tấn công đẹp mắt). “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một thứ bóng đá không tưởng, một thứ bóng đá nghe như chỉ có trên thiên đường. Kiểm soát bóng 100%”, Sablon nói trong một cuộc phỏng vấn 3 năm về trước.
G-A-G là một sự tiêu chuẩn hóa toàn quốc gia. Ngày nay, các cầu thủ bóng đá Bỉ, cả nam lẫn nữ, tập luyện như nhau. Tất cả các trường dạy đá bóng, các học viện, kể cả các đội cấp làng xã, chơi sơ đồ 4-3-3, chú trọng vào cầu thủ chạy cánh có khả năng đột phá. Bọn nhóc không được chơi toàn sân và bóng dài cho tới khi đủ 12 tuổi.
Có một bài tập cổ điển mà các đội trẻ Bỉ sử dụng như sau: toàn bộ đội bóng (trừ thủ môn) tập trung ở một góc sân xen giữa vạch giữa sân với khu chữ D trước vòng 16m50. Mỗi đội 12 người, các cầu thủ trẻ đá 2 chạm và tìm cách giữ bóng khỏi tầm chân đối phương. Người ta gọi đây là “Circulation de balle” (đá bóng vòng tròn).
Bài tập này thậm chí dùng cho cả đội tuyển, và những cầu thủ triệu đô của Bỉ đá vòng tròn như thể bọn trẻ con 9 tuổi.
Benteke to cao nhưng chơi kỹ thuật
Chính từ bài tập đó đã tạo ra những Eden Hazard, Kevin De Bruyne, Marouane Fellaini… Thậm chí Christian Benteke, một trung phong cao to lại rất thiện nghệ trong khâu bật tường.
Nghèo nên phải lanh
Christian Benteke, Thibaut Courtois và Kevin De Bruyne là 3 trong số 220 cầu thủ mà đội trẻ Genk tuyển mộ cho chương trình đào tạo cách đây 8 năm. Chỉ riêng một chương trình tuyển mộ của Hoàng Anh Gia Lai ở Việt Nam cũng đã lôi kéo đến 1.500 em nhỏ, do đó con số 220 là cực ít. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, nên chúng tôi quyết định đào tạo tất cả các em”, ông Breugelmans.
Nhờ phát triển đào tạo trẻ mà bóng đá Bỉ trình làng những tài năng như De Bruyne
Đào tạo trẻ là công cụ kiếm tiền hữu hiệu nhất của bóng đá Bỉ. Giải VĐQG Bỉ có thu nhập nghèo bậc nhất châu Âu, và những đội được xem nhiều nhất chỉ thu về bản quyền truyền hình ở mức 6,8 triệu USD/mùa giải.
Với đầu vào hạn chế vô cùng, ngân sách eo hẹp buộc người Bỉ phải vận động cơ bắp lẫn chất xám để kiếm tiền. Nuôi trồng tài năng trẻ rồi bán cho các đội bóng giàu có, không cách nào lời lãi hơn thế. Nhờ ra nước ngoài thi đấu, các tài năng trẻ người Bỉ được phát huy trình độ và mài dũa kỹ thuật cho thêm phần tinh vi.
Không phân biệt màu da
Trong nhiều thế kỷ, mảnh đất phía Bắc nước Pháp là tập hợp của rất nhiều lãnh địa phong kiến, bao gồm đủ dân tộc như người Frisesland, người Hà Lan, người Pháp, người Đức, người Luxembourg... Sự đa sắc tộc ấy khiến mảnh đất Bỉ trở nên hết sức khó thống nhất, nhất là sau trận Waterloo nổi tiếng năm 1815 (thất bại của Napoleon).
ĐT Bỉ đầy tài năng
“Chúng tôi không thực sự là một quốc gia”, nhà báo Raf Willems viết trong một cuốn sách. “Người Fleming nói tiếng Hà Lan ghét người Pháp, người Pháp ghét người Đức. Tất cả đều ghét dân đến từ thủ đô Brussels. Chỉ có hai thứ khiến đất nước gần nhau, đó là Vua và bóng đá. Nhưng với bóng đá, điều ấy không phải lúc nào cũng đúng. Gần 100 năm trước, ĐTQG Bỉ hát quốc ca tiếng Anh khi chào cờ, bởi không ai muốn những người Fleming và người nói tiếng Pháp phật ý.”
Thời thế đã thay đổi. Nếu chúng ta nhìn vào thành phần ĐT Bỉ dự World Cup sắp tới, chắc chắn vài người sẽ nhận ra có khá nhiều cầu thủ da màu, và họ thi đấu cho một Ban huấn luyện toàn người da trắng. ĐTQG Bỉ ngày nay là một tập thể đa sắc tộc.
Sự đa sắc tộc khiến bóng đá Bỉ có chất đường phố và tự do hơn, đầy rẫy những cú đảo chân step-over (kiểu Cristiano Ronaldo), những cú quặt bóng kiểu Johan Cruyff hay drag-back (cú “Marseille Turn” 360 độ của Zidane là một biến thể của drag-back). Nhưng không chỉ có vậy, những thành viên đa sắc tộc của đội tuyển Bỉ giao tiếp với nhau như thể họ cùng chung dòng máu Bỉ, thứ dòng máu thực ra không bao giờ tồn tại. Kompany và HLV Wilmots mỗi khi nói chuyện lại thay đổi giữa tiếng Pháp và tiếng Hà Lan mà không chút bối rối.
Kompany là con một người nhập cư
Marouane Fellaini, Moussa Dembele, Anthony Vanden Borre và Vincent Kompany đều là con của những người nhập cư gốc Phi. Nhưng đáng kể hơn cả là dòng máu Congo trong ĐT Bỉ, với Romelu Lukaku, Christian Benteke, Vanden Borre, Vincent Kompany...
Bây giờ, sự biến đổi xã hội ở Bỉ đã khiến sự phân hóa Pháp - Fleming bị xóa nhòa. Hơn một nửa công dân ở Brussels là người nhập cư, và những người nổi tiếng của Bỉ hầu hết đều có dòng máu nước ngoài. Bóng đá Bỉ cũng vậy, khác biệt sắc tộc đã biến mất và thay vào đó đại diện cho sự thống nhất.
Với kỳ vọng cao chưa từng thấy trong lòng nước Bỉ, sẽ là một nỗi thất vọng lớn nếu như ĐT Bỉ không thể đi đến tứ kết ở Brazil 2014.