ĐT Anh - Hodgson: Tin vào thế hệ trẻ
Xu thế “tre già măng mọc” là quy luật phát triển tất yếu. Tại tuyển Anh, khi Terry từ bỏ ĐTQG, Barry, Ferdinand bị “bỏ rơi”... Bây giờ, người ta chỉ chờ Roy Hodgson mạnh dạn loại nốt cả những “lão tướng” để tạo cơ hội cho những tài năng trẻ.
“Bi kịch” của người Anh
Nếu nhìn vào cuộc cải cách mạnh mẽ của bóng đá Đức trong vài năm gần đây, đặc biệt là trước màn thể hiện không thể tốt hơn của những cầu thủ trẻ đang khoác áo “Die Mannschaft” trong chiến thắng 5-3 trước Thụy Điển (trận cuối vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu), phần nào sẽ thấy tấm “bi kịch” của người Anh.
So sánh về tài năng, bóng đá Anh không hề thua kém những nền bóng đá mạnh khác tại châu Âu. Tuy nhiên, họ đang rơi vào tấm “bi kịch” mà chính mình tạo ra khi thiếu dũng cảm trong việc thực hiện cải cách. Và hướng đi mà Roy Hodgson đã và đang làm là nóng lòng tìm kiếm thành công nhưng chưa quan tâm đúng mức đến sự phát triển bền vững của đội bóng.
Nhìn cái cách ĐT Anh giành vé đến Brazil Hè 2014 phần nào cho thấy rõ điều này. Lờ đi bài học từ người Đức, “Tam sư” dưới thời Hodgson không dám đưa ra những thử nghiệm hoặc nếu có thì mọi quyết định đều mang tính… thời vụ. Vốn biết người Anh bảo thủ rất coi trọng “kinh nghiệm”, nhưng cái cách mà họ đang dùng người phần nào nói lên sự thiếu hợp lý.
Lampard và Gerrard không còn giữ được phong độ ổn định
Ở trận đấu gặp Montenegro, cặp trung vệ của đội tuyển Anh: Phil Jagielka và Gary Cahill thi đấu thiếu sự chắc chắn. Dù vậy, họ vẫn được chọn khi có nhiều kinh nghiệm trận mạc hơn Chris Smalling, Phil Jones. Hoặc trường hợp khác là ở vị trí tiền vệ, cặp đôi Steven Gerrard và Frank Lampard vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Họ vẫn thi đấu tốt và đóng góp bàn thắng, nhưng nhìn vào độ tuổi của cặp đôi này không ít người đã đặt ra câu hỏi: “Họ còn giá trị sử dụng trong bao lâu?”.
Dùng những Jagielka, Cahill, Gerrard, Lampard.., “Tam sư” dưới thời Hodgson đã thành công khi vượt qua Ukraine và Montenegro (những đối thủ tại bảng H) để giành tấm vé tham dự VCK World Cup. Nhưng sau thành công bước đầu đó, họ sẽ đối mặt với nhiều hệ quả từ việc xáo trộn nhân sự.
Sẽ không ai dám tin Jagielka (31 tuổi), Gerrard (33 tuổi), Lampard (35 tuổi)… có thể duy trì được phong độ cũng như nền tảng thể lực tốt để trụ vững trước một giải đấu khắc nhiệt như World Cup. Và đến lúc đó, những tài năng trẻ của bóng đá xứ Sương mù như Ross Barkley (19 tuổi), Jack Wilshere (21 tuổi), Chris Smalling (23 tuổi)… khó có thể đảm bảo tốt việc thay thế khi còn non về kinh nghiệm quốc tế.
Từ Januzaj đến Townsend
Trước những tồn tại của ĐT Anh, trách nhiệm không chỉ thuộc về HLV Roy Hodgson. Bản thân nhà cầm quân này thừa nhận những hạn chế của đội bóng và từng bước tiến hành thay đổi. Tuy nhiên, do sức ép từ nhiều phía (NHM, LĐBĐ Anh…) chiến lược gia 66 tuổi buộc phải chọn cách “ăn xổi”, ít nhất là giành tấm vé đến Brazil. Điều này khiến cho tất cả những trận đấu của đội tuyển Anh đều quan trọng. Quan trọng đến mức, họ chỉ rụt rè đưa ra những thử nghiệm.
Townsend là phát hiện mới của HLV Hodgson
Ngoài những “bi kịch”, bóng đá Anh vẫn có những mảng sáng. Trước màn thể hiện ấn tượng của Adnan Januzaj, ĐT Anh đã cạnh tranh quyết liệt với Bỉ để sỡ hữu anh và bản thân tài năng trẻ đang khoác áo MU cũng thể hiện mong muốn được gia nhập “Tam sư”. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi đội tuyển xứ Sương mù đã biết trọng dụng tài năng trẻ. Tuy nhiên, để có được Januzaj, điều LĐBĐ Anh (FA) phải nhanh chóng thay đổi những điều luật (quy định “5 năm”) để giúp họ tăng sự cạnh tranh các tài năng trẻ với những nền bóng đá phát triển khác: TBN, Đức, Italia…
Trường hợp khác là Andros Townsend, cầu thủ đang thi đấu rất hay thời gian gần đây. Trong trận gặp Montenegro, HLV Hodgson đã gây bất ngờ lớn khi đưa một cầu thủ trẻ 22 tuổi mới ra sân được 18 trận ở Premier League và chưa từng khoác áo “Tam sư” ra sân. Nhưng chính anh lại là cầu thủ giúp người Anh thắp lại hy vọng tới World Cup.
Video màn trình diễn của tuyển Anh trước Ba Lan