ĐT Anh: Đội bóng được thổi phồng nhất thế giới
Ngay cả ở thời đỉnh cao của thế hệ Gerrard, Lampard, Beckham, Scholes, Rooney, Ferdinand và Terry..., đội tuyển Anh vẫn không làm nên trò trống gì thì không có gì ngạc nhiên khi dàn cầu thủ trẻ tài năng nhưng non kinh nghiệm của họ chơi chệch choạc ở EURO 2016.
Nói được, không làm được
Mỗi HLV đội tuyển Anh đều là những nhà chiêm tinh và chỉ có duy nhất một người tiên đoán đúng là Alf Ramsey, người đã dự báo chức vô địch World Cup 1966 (trên sân nhà và được trợ giúp bởi quyết định tranh cãi của vị trọng tài biên người Liên Xô).
Nhưng cũng chính Alf Ramsey lại trật lất khi quả quyết rằng đội bóng mình sẽ bảo vệ danh hiệu ở World Cup 1970 (bị Đức loại ở tứ kết). Rất tức giận, Ramsey thề rằng: “Hãy hướng đến kỳ World Cup tiếp theo trên đất Đức, chúng ta sẽ vô địch”. Kết quả: Tam sư không đến Đức vì không qua được vòng loại.
ĐT Anh luôn bị loại sớm ở các giải lớn dù có nhiều cầu thủ xuất sắc trong đội hình
“Từ sâu thẳm trái tim, tôi tin rằng đội tuyển Anh sẽ vô địch”, Glenn Hoddle lên giọng trước khi lên đường sang Pháp dự World Cup 1998. Hoddle cùng các cầu thủ xách vali về nước sau khi thua Argentina ở vòng 1/8.
Một lần khác, HLV Ron Greenwood phát biểu trước báo chí nước nhà: “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể chiến thắng ở World Cup 1982”. Sven Goran Eriksson, một trong hai HLV ngoại từng dẫn dắt tuyển Anh nói trước thềm World Cup 2006: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ vô địch”. Cả hai lần ấy, Tam sư đều rớt đài sớm.
Đó là một “căn bệnh” thâm căn cố đế của người Anh. Như ngôi sao quá cố Johnny Haynes từng phát biểu sau khi đội tuyển của mình bị loại ngay vòng 1 World Cup 1958: “Ở Anh ai ai cũng nghĩ rằng đội tuyển của mình được Chúa trao cho sứ mệnh vô địch World Cup”.
Người Anh luôn cho rằng mình là quê hương của bóng đá và tự cho mình cái quyền ngạo mạn. Mỗi trận đấu quốc tế trên sân Wembley, khán giả chủ nhà luôn đồng thanh: “Bóng đá trở về nhà”.
Đáp lại, mỗi khi tuyển Anh ra ngoài thi đấu, CĐV đối địch thường hô vang: “Bọn Anh hãy trở về nhà”. Tam sư sau đó về nước thật.
Thụy Điển, Ukraine, Slovenia, Paraquay, Trinidad & Tobago và Xứ Wales. Đó là tất cả các đội bóng mà tuyển Anh đã thắng được ở 2 đấu trường lớn là EURO và World Cup trong 10 năm trở lại. Tất thảy đều là những đội dưới cơ mà đa số Tam sư phải trầy trật mới qua được.
Còn lại, người Anh từng xoay sở mệt nhoài nhưng vẫn không thắng được những đội cửa dưới như Nga, Costa Rica, Algeria, hay ngang cơ như Bồ Đào Nha. Với các đội trên cơ, ĐT Anh lại thua tâm phục khẩu phục. Ở 5 trên 7 kỳ World Cup gần nhất, Tam sư bị loại bởi Đức hoặc Argentina.
Muôn vàn cách thua
Một điều kỳ lạ là ĐT Anh luôn gặp vận rủi (hoặc đổ lỗi cho may mắn) ở những sân chơi lớn. Ở World Cup 1970, huyền thoại Gordon Banks bất ngờ đau dạ dày và thủ môn dự bị Peter Bonetti để lọt lưới 3 bàn trong trận tứ kết gặp Đức.
Năm 1973, thủ môn Jan Tomaszewski của đội tuyển Ba Lan đã chơi hay bất thường ở Wembley, liên tục bay lượn cản phá các cú dứt điểm của tuyển Anh. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1 và người Anh phải xem World Cup 1974 qua tivi. “Vào một ngày bình thường, chúng tôi phải thắng Ba Lan 6-0”, tiền vệ Martin Peters chua chát kể lại.
Hài hước nhất phải là lần tuyển Anh bị đánh bại bởi một... người rửa bát đĩa. Đó là World Cup 1950 trên đất Brazil, Anh bất ngờ thua Mỹ 0-1 bởi pha ghi bàn duy nhất của Joe Gaetjens, một sinh viên người Haiti du học ở Mỹ, thường làm thêm ở nhà hàng hoặc chơi bóng trong giờ rảnh rỗi.
Đội trưởng Billy Wright của Tam sư kể về tai nạn ngày hôm ấy: “Gaetjens chạy về phía bóng nhưng giây cuối cùng lại cúi đầu xuống. Bóng rơi trúng đỉnh đầu cậu ấy và bay vào lưới”. Vì trận thua ấy mà Anh bị loại ngay vòng bảng.
Ở World Cup 2002, không biết David Seaman quá kém hay Ronaldinho quáy may mà cú treo bóng trời ơi đất hỡi của tiền đạo người Brazil bay thẳng vào lưới. Năm 2006, Rooney phải nhận thẻ đỏ vì đạp Carvalho, tình huống mà người Anh điên tiết vì cú nháy mắt tinh quái của Cristiano Ronaldo.
Đến Mexico 1986, Diego Maradona “một tay” loại Tam sư (theo nghĩa đen). Cho đến nay, đó vẫn là một vết thương chưa lành của người Anh.
Một điều kỳ bí bao quanh tuyển Anh là họ luôn thua ở những loạt sút luân lưu may rủi. Tam sư đã thất bại ở 6 trên 7 trận đấu gần nhất phải phân định thắng - thua bằng đấu súng và các cầu thủ tỏ rõ sự yếu đuối khi thường không dám nhìn vào thủ môn khi thực hiện cú penalty.