“Đốt tiền” giỏi như Barca
Trong hơn 4 năm Zubizarreta giữ chức Giám đốc thể thao, Barca đã bỏ ra 441 triệu euro để đưa 16 cầu thủ về Nou Camp.
Barca đã chính thức có sự thay đổi ở thượng tầng. Cụ thể, chủ tịch Josep Maria Bartomeu quyết định chấm dứt hợp đồng với Giám đốc thể thao (GĐTT) Andoni Zubizarreta, người đã đảm nhận cương vị này từ 7/2010 từ thời chủ tịch Rosell. Kèm theo đó, trợ ly Carles Puyol cũng đệ đơn xin từ chức như một cách phản đối.
Đây là quyết định cực chẳng đã, nhưng cũng là hợp lý sau những thất bại của “Blaugrana” ở cả trong và ngoài sân cỏ. Sau một mùa giải trắng tay, gã khổng lồ xứ Catalunya vẫn chưa là chính mình với thành tích không ổn định ở mùa giải năm nay, cùng hàng loạt các rắc rối bên ngoài sân cỏ. Điển hình là vụ việc Barca bị Tòa án thể thao quốc tế (CAS) cấm chuyển nhượng trong năm 2015 do phạm luật.
Zubizarreta (trên cùng bên tay trái) đã mắc hàng loạt sai lầm trên thị trường chuyển nhượng
Nhưng lý do lớn nhất khiến Zubizarreta bị sa thải, có lẽ là do ông đã “đốt tiền” của Barca trong hơn 4 năm cầm quyền nhưng số danh hiệu cứ ngày một ít đi.
Cụ thể, Zubizarreta liên tục mua đắt với tổng số tiền đổ ra trên thị trường chuyển nhượng lên tới 441 triệu euro cho 16 cầu thủ (con số chính xác là 441,8 triệu euro). Villa (40 triệu euro), Mascherano (22), Adriano (10), Afellay (3) mùa giải 2010/11 - Fabregas (34), Alexis Sánchez (27) mùa 2011/12 - Song (19), Jordi Alba (14) mùa 2012/13; Neymar (115,3) mùa 2013/14 - Luis Suárez (81), Rakitic (18), Bravo (12), Douglas (4,5), Mathieu (20), Ter Stegen (12) và Vermaelen (10) mùa hè vừa qua.
Trong số 16 ngôi sao cập bến Nou Camp thời Zubizarreta, chỉ có vài cái tên chơi được như David Villa, Mascherano hay phần nào là Neymar, còn phần lớn là chưa đáp ứng được sự kì vọng. Thậm chí, có người còn chưa chơi trận chính thức nào như Vermaelen do liên tục dính chấn thương, hay những bản hợp đồng quá đắt như Mathieu (20 triệu euro cho cầu thủ đã 31 tuổi và chẳng có gì nổi bật).
Thương vụ mua "bệnh binh" Vermaelen từ Arsenal là một trong những bản hợp đồng hớ nhất của Zubizarreta
Ngoài ra, việc Zubizarreta để hàng loạt các ngôi sao ra đi cũng ảnh hưởng không ít đến sức mạnh của Barca. Yaya Toure, Ibrahimovic rồi Fabregas, Alexis Sanchez không được trọng dụng ở Nou Camp nhưng tỏa sáng rực rỡ ở CLB mới (Man City, Chelsea, Arsenal) khiến các cule thực sự tức giận. Lẽ ra, “đất mẹ” Nou Camp phải là nơi để những cầu thủ đẳng cấp như vậy tỏa sáng, nhưng họ bị dồn vào đường cùng và không còn cách nào khác là phải tự giải thoát cho bản thân.
Barca có thể tự hào về lò đào tạo La Masia trứ danh với hàng loạt các hảo thủ, nhưng gã khổng lồ xứ Catalunya sẽ không thể mãi dựa vào những cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Kết quả trên sân cỏ đã thể hiện rõ điều đó khi thế hệ kế cận những Messi, Xavi, Iniesta, Puyol chưa kịp trưởng thành, những bản hợp đồng với các ngôi sao nước ngoài nếu không đủ chất và lượng sẽ khiến sức mạnh của đội bóng bị suy giảm.
Người Catalan từng nhiều lần châm chọc chính sách vung tiền xây “Dải ngân hà” của đại kình địch Real, nhưng bản thân họ đâu có kém cạnh. Thậm chí, giờ người Madrid có thể “cười khẩy” bởi Barca cũng vung tiền nhưng đang dần tụt hậu, không chỉ ở Liga mà còn ở cả trời Âu.
Barca ngày càng “loạn” Sự hỗn loạn tại Nou Camp từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chủ tịch Sandro Rosell đã phải từ chức sau những lùm xùm liên quan đến vụ chuyển nhượng của Neymar. Tiếp đó, HLV Martino buộc phải nộp đơn thôi việc và Enrique là người được chọn. Đến những ngày cuối năm 2014 và đầu năm 2015, sau án phạt cấm chuyển nhượng, Nou Camp ngày càng dậy sóng. GĐTT Zubizarreta bị cắt chức, trợ lý Puyol từ chức. Nếu không có những sự chấn chỉnh kịp thời, nguy cơ sụp đổ hàng loạt theo hiệu ứng domino hoàn toàn có thể xảy ra, ví dụ như việc đang xuất hiện rất nhiều tin đồn Messi muốn ra đi do mâu thuẫn với HLV Enrique. |