Đông Nam Á sạch bóng và điểm yếu của bóng đá Việt Nam
Thái Lan là đại diện Đông Nam Á cuối cùng dừng cuộc chơi Asian Cup sau trận thua Uzbekistan 1-2 và nhìn đại diện này chiến đấu sòng phẳng với các đối thủ lại nhớ về đội tuyển Việt Nam năm 2019.
Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam (VN) trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á vào đến tứ kết trước khi thua Nhật Bản 0-1. Còn mùa này thì xa nhất là Thái Lan và Indonesia ở vòng 16 đội.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đội tuyển Việt Nam cần có những tính toán hài hòa trong chiến lược và sử dụng con người. Ảnh: ANH THỎA
Thái Lan vẫn là số 1 Đông Nam Á
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, đội tuyển Thái Lan dù mới thua Uzbekistan 1-2 tại vòng 16 đội nhưng thầy trò HLV Masatada Ishii để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhất.
Những gì Thái Lan thể hiện cho thấy họ đang là số 1 Đông Nam Á. Cầu thủ Thái Lan có chất lượng đội hình tốt nhất trong bốn đội tuyển của khu vực, có những kỹ năng và kinh nghiệm vượt trội, có bản sắc lối chơi riêng của mình.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Đoàn Minh Xương về tổng thể thì bóng đá Đông Nam Á vẫn có một khoảng cách trình độ rất lớn so với các đội bóng hàng đầu châu lục chứ chưa nói đến thế giới. Tham vọng dự vòng chung kết World Cup 2026 của các đội bóng Đông Nam Á vì thế còn rất xa vời: “Việc FIFA nâng lên 48 đội góp mặt ở cúp thế giới chẳng khác gì “cỗ máy in tiền”, trong đó châu Á có đến 8,5 suất tham dự chỉ để… đội mạnh không bao giờ bị loại. Riêng đẳng cấp của bốn đội bóng Đông Nam Á chưa thể chen chân vào sâu ở Asian Cup cho thấy họ có thể vào giai đoạn 3 vòng loại World Cup là cao nhất”.
Đội tuyển Việt Nam hậu Asian Cup cần sự hài hòa trong việc sử dụng lực lượng.
Đội tuyển VN học hỏi nhiều ở Asian Cup
Ông Xương đồng thuận với HLV Troussier sau thất bại ở Asian Cup đã chỉ ra những hạn chế của bóng đá VN cần khắc phục, cơ bản là cải thiện hệ thống các giải vô địch quốc gia, có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, thu hút nhiều tài trợ để nâng tầm CLB, nâng tầm cơ sở vật chất.
Còn sau cuộc chơi Asian Cup, ông thầy người Pháp cần ngồi lại với VFF để tính toán về chiến thuật, chiến lược cho đội tuyển VN theo hướng đi hợp lý hơn. Chẳng hạn, vấn đề của HLV Troussier bây giờ là rút kinh nghiệm trong quá trình hơn 10 tháng cầm quân, chuẩn bị thế nào mà hiện ông vẫn chưa có đội hình chính: “Mới chỉ có thủ môn Nguyễn Fillip, trung vệ Việt Anh và tiền đạo Tuấn Hải là chắc suất, còn bộ khung làm nền tảng của đội tuyển thì vẫn chưa thấy với mỗi trận là một khác biệt”.
Cũng có một câu chuyện tế nhị khác, ông Xương cho rằng các cựu binh như Hùng Dũng, Quang Hải, Văn Thanh, Văn Toàn, Tấn Tài… là nòng cốt của đội tuyển quốc gia, lại ngồi dự bị triền miên cho lứa trẻ, dễ gây cho họ tâm lý chán nản. Đội tuyển quốc gia thi đấu là tìm thành tích, không phải nơi để thử nghiệm.
Phải thừa nhận đội tuyển có nhiều cầu thủ trẻ tiến bộ nhưng thực chiến vẫn còn non nớt. Ông Xương ví dụ khi chứng kiến hình ảnh đội trưởng Hùng Dũng nhấp nhổm chờ ra sân đá với Indonesia thì ông Troussier lại đưa Thành Long vào sân và không lâu sau đó thì cầu thủ này nhận hai thẻ vàng rời sân.
Nói chung, đội tuyển VN hậu Asian Cup cho thấy cần sự hài hòa trong việc sử dụng lực lượng và tùy từng thời điểm chiến thuật, như chắc thắng rồi mới thử nghiệm hoặc trẻ hóa. Hơn nữa, ông Troussier phải có tính toán chi tiết hơn về chiến lược, như cần dưỡng quân tinh nhuệ cho trận gặp Indonesia hơn là căng ngay từ trận đá với Nhật, điều mà mạnh như Hàn Quốc họ cũng tính để tránh gặp sớm.
Cách tính chưa chuẩn xác này đã dẫn đến việc đội tuyển VN gồng mình đá với Nhật nhưng mất sức và mất cả Đình Bắc khi đụng Indonesia lại thêm Tuấn Hải khập khiễng chấn thương. Và cũng nên nhớ với cách tính đơn giản là thắng Indonesia rồi sẽ hưng phấn hơn để đấu với Iraq khác xa với việc đá với Iraq trong thế đã bị loại.•
Đội tuyển Việt Nam rút ra được nhiều bài học khi tham dự các giải đấu quốc tế lớn. Trong đó, câu chuyện kinh nghiệm của các cầu thủ ở những trận đấu có áp dụng công nghệ VAR nhận được nhiều sự quan tâm.
Nguồn: [Link nguồn]