Đội U-23 Việt Nam: Bắt bệnh và chữa bệnh
Cứ sau mỗi trận đấu, ông Miura lại tìm ra một loại “bệnh” cho các học trò nhưng để chữa dứt điểm thì gần hai năm qua vẫn chưa có thứ thuốc trị đúng liều.
Sau trận hòa ở thế bị dẫn trước các đồng nghiệp 17-18 tuổi của đội hạng nhì Nhật Osaka, các tuyển thủ U-23 đã được thầy Miura khen đã biết chơi nhanh, áp dụng các phương án chiến thuật có hiệu quả. Tuy nhiên, điểm hạn chế của họ vẫn là những căn bệnh cũ như dứt điểm kém, giữ bóng nhiều thay vì đá đơn giản, ít chạm hơn…
Trước đó, sau hai trận thua đội nghiệp dư JFL Selection, ông thầy người Nhật cũng đánh giá các học trò thường chơi tốt khi dẫn bàn trước và ngược lại hay có dấu hiệu buông xuôi hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong việc lội ngược dòng.
Thậm chí ông Miura biết nhiều hơn những điểm yếu của bóng đá Việt Nam như cái cách ông nói sau mỗi trận đấu. Duy có điều nhiều khi ông không chia sẻ với đội ngũ trợ lý hoặc các phòng ban chuyên môn của VFF để tìm thuốc chữa những điểm yếu của học trò mà chỉ “bắt bệnh” cho truyền thông Nhật biết.
U-23 Việt Nam trong trận hòa 2-2 với các cầu thủ tuổi 17-18 của Osaka. Ảnh: XH
Thực tế đấy là những điểm yếu không mới và ngay từ khi bắt tay vào huấn luyện các đội tuyển, ông Miura đã thấy cả với các tuyển thủ đàn anh. Ông đã tìm nhiều cách giúp đỡ học trò khắc phục nhưng có vẻ chưa có liều thuốc đặc trị.
Cũng có nhiều dấu hiệu thay đổi của HLV Miura, qua việc ông gọi nhiều cầu thủ của HA Gia Lai lên tuyển với hy vọng của giới chuyên môn về cách chơi sẽ mềm mại và giàu tính kỹ thuật hơn. Tuy nhiên, số đông cầu thủ HA Gia Lai rất khó phát huy hết sở trường vì buộc chơi theo kiểu của Miura phải đá đơn giản và phát bóng dài nhằm tiếp cận cầu môn đối phương nhanh nhất. Đấy là một bài toán khó cho cầu thủ nếu không muốn nói là ông Miura vẫn chưa thể tìm ra loại thuốc dung hòa sở trường của cầu thủ với lối chơi do mình mong muốn.
Chấn thương của cầu thủ cũng là một thứ bệnh và luôn là nỗi ám ảnh của HLV Miura, hết giải này đến giải khác. Như ở trận đấu với Osaka, ông chỉ có 16 cầu thủ còn lành lặn để chơi bóng dù trong tay đang có đến 29 tuyển thủ hay nhất của lứa tuổi dưới 23.
Có thể những ca chấn thương nằm ngoài tầm kiểm soát của ông, như chế độ chăm sóc y tế của CLB chưa tốt hoặc bản thân cầu thủ chưa biết cách “lắng nghe” và điều chỉnh cơ thể mình. Nhưng để xảy ra tình trạng cầu thủ bị đau hàng loạt dẫn đến tình trạng thiếu người bù đắp thì cũng cần phải xem lại phương pháp huấn luyện của HLV trưởng.
Có đến bốn cầu thủ phải chia tay đội tuyển vì chấn thương và còn cả chục ca chờ hồi phục với các mức độ khác nhau. Đấy là nguyên nhân chính khiến ông Miura thiếu hụt nhân sự và việc định dạng lối chơi chủ đạo lẫn con người phục vụ cho lối chơi ấy vẫn chưa đâu vào đâu.
Sau khi buộc phải trả trung vệ Trọng Đại về nhà do chấn thương, ông Miura vẫn đang kiên nhẫn với những trường hợp của các trụ cột như Duy Mạnh, Tuấn Anh, Hồng Duy,… miễn cưỡng ở lại đội chờ hồi phục.
Rõ ràng từ khả năng bắt bệnh của HLV Miura cho đến chữa bệnh vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Thừa nhận U-23 Việt Nam yếu nhất vòng chung kết nhưng vẫn đặt chỉ tiêu vào tốp 8 châu Á HLV Miura tỏ vẻ hài lòng sau trận U-23 Việt Nam hòa các cầu thủ trẻ CLB Osaka 2-2 và cho biết 90 phút giúp ông hiểu rõ hơn về một trong những đối thủ lớn ở vòng chung kết U-23 châu Á là ứng cử viên U-23 Nhật Bản. Tuy nhiên, so sánh của ông thầy người Nhật là quá khập khiễng bởi đẳng cấp giữa đội tuyển U-23 quốc gia khác hẳn với cầu thủ trẻ của một CLB. Ông Miura vẫn thừa nhận U-23 Việt Nam là đội yếu nhất giải này nhưng ông vẫn tự tin đặt ra chỉ tiêu vào tốp 8/16 đội mạnh nhất làm động lực cho học trò phấn đấu. |