Đội tuyển Việt Nam: Công Vinh số 2, không ai số 1
Càng bị chỉ trích, càng bị ghét, Công Vinh chơi càng hay. Cũng hay với tiền đạo đội trưởng ĐTVN, cầu thủ đặc biệt thời điểm hiện tại đúng kiểu “gừng càng già càng cay”…
Công Vinh, càng ghét càng… hay
Khi bật cao tranh chấp cùng hậu vệ và ghi bàn, Công Vinh vừa chạy vừa vỗ vào vai mình và cười rất tươi. Tiền đạo này khoe đầy tự hào, bàn thằng bằng vai của mình. Bàn thắng thứ 45 trong màu áo ĐTQG, một kỷ lục mà phải rất lâu nữa mới có cầu thủ có thể đuổi kịp chứ đừng nói là vượt qua nó, Vinh ghi bằng vai.
Công Vinh vẫn cho thấy bản năng "sát thủ"
Đó là cái hay của một Công Vinh “bạc già”, thính nhạy như một con thú săn mồi tinh khôn. Bàn thằng trước đó, khi Thành Lương căng vào trong rất hiểm, bóng tìm đến đúng vị trí của Văn Quyết nhưng chân sút này bị hậu vệ Hongkong (TQ) đẩy ngã sấp mặt và bóng bật đến đúng vị trí Công Vinh di chuyển, rồi lưới rung lên.
“Đã ai hay bằng nó ở cái đất này chưa? Số 2 không ai số 1”. Sau trận đấu với Hongkong, trợ lý HLV ở đội Hải Phòng, Lê Sỹ Mạnh đăng một status về Công Vinh, người đồng đội mà cũng là “đàn em” mà cựu tiền đạo này từng chung màu áo ở CLB, cũng như ĐTQG. Đó là sự thừa nhận, cũng là cách mà Mạnh, với tư cách một đồng đội cũ, phản bác lại những ý kiến chê bai, dè bỉu Công Vinh của “cư dân mạng”.
Sỹ Mạnh nổi tiếng là “dân chơi”, một cầu thủ chơi và sống rất đàn ông. Với Sỹ Mạnh, Vinh là một hình mẫu đáng để tôn trọng.
Có thể yêu ghét, thích hay không thích nhưng với BĐVN, Công Vinh xứng đáng là một hình mẫu để nhìn vào noi theo, học hỏi với nhiều thế hệ cầu thủ. Bởi những gì đã, đang và sẽ làm được, Vinh là số 1, không chỉ là ở thời điểm hiện tại.
Cái hay của Công Vinh, nó không chỉ là những con số biết nói của một kỷ lục gia ở BĐVN. Ở tuổi 31, Vinh vẫn bền bỉ, là đầu tàu, đeo băng đội trưởng và liên tục “nổ sung”. Và trên hàng công ĐTVN bây giờ, Vinh cùng Thành Lương, Văn Quyết tạo thành 3 mũi giáp công rất hay, chơi ăn ý và hiệu quả.
Ở Hà Nội ACB ngày trước, người ta vẫn xì xào về “cuộc chiến quyền lực” giữa 2 thủ lĩnh: Thành Lương và Công Vinh. Ở Hà Nội T&T mấy năm trước, không ít người khoét vào mối quan hệ giữa Công Vinh và Văn Quyết.
Thực hư chỉ người trong cuộc mới hiểu, nhưng thực tế trên sân và những gì ĐTVN thể hiện, Vinh và Quyết được HLV Hữu Thắng chọn để xây dựng là cặp tiền đạo. Và vài bàn thắng quan trọng Vinh ghi được thời gian gần đây, người “dọn cỗ” đều là Thành Lương. Điều đó nói lên tất cả, sự tôn trọng của đồng đội mà cũng là những cầu thủ “đàn em” dành cho tiền đạo đang đeo băng thủ quân ĐTQG.
Bị đặt ở giữa 2 thái cực yêu và ghét
Khi nắm ĐTVN, HLV Hữu Thắng chọn Công Vinh là đội trưởng và người được trao trọng trách cùng Vinh dẫn dắt các em trẻ là Thành Lương. Đó là sự tín nhiệm mà cũng là trách nhiệm trao cho chân sút này. Vinh đang làm tốt nhiệm vụ và sự tin tưởng trao cho mình, bằng thực tế sân cỏ.
Vai trò của Công Vinh, ở tuổi 31 mà nhiều người cho rằng đã hết thời, không chỉ thể hiện bằng những bàn thắng hay trên sân. Nó là chuyện ở trong phòng thay đồ, là hình tượng của một tấm gương mà HLV Hữu Thắng muốn tất cả nhìn vào, khi xây dựng ĐTQG.
Công Vinh bị đặt ở giữa 2 thái cực yêu và ghét
Thành đạt trong sự nghiệp lẫn cuộc sống, ý chí và chuyên nghiệp, Vinh xứng đáng là một hình mẫu để những cầu thủ thuộc thế hệ 9X đang đóng vai chính ở ĐTVN nhìn vào, noi theo.
Một ĐTVN trẻ, rất trẻ với lứa cầu thủ mới mà ở đó, không có những “đại bàng”, hay “dân chơi”. Những Nguyên Mạnh, Đình Hoàng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn hay Thanh Trung… đều lành cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Không cờ bạc hay chơi bời, không điều tiếng với cuộc sống bên ngoài sân cỏ, họ đại diện cho một thế hệ cầu thủ mới của BĐVN, có ý thức với nghề, biết giữ gìn để có những thành công. Họ khác nhiều thế hệ trước, với những cầu thủ có thể rất hay về chuyên môn nhưng “hay thua” và bị mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp, của đồng tiền chi phối nên hết “đóng phim mất tích”, hay mất sạch vì chơi bời, rồi mất cả nghiệp vì vỡ nợ, dính vào những tệ nạn xã hội…
Ở đó, Vinh được trao trọng trách lá cờ đầu để dìu dắt các em, khi ĐTQG được xây dựng lại dưới triều đại của một ông thầy bao năm lăn lộn, đủ hiểu biết về BĐVN. Đó mới là điều đáng ghi nhận và tự hào nhất với Công Vinh.
Không cầu thủ nào ở Việt Nam được như Công Vinh, cũng không cầu thủ nào gây ra nhiều tranh cãi, bị đặt ở giữa 2 thái cực yêu và ghét như Vinh. Đó là điều đặc biệt.
Sự đặc biệt của Công Vinh, những thời điểm bị nghi ngờ và đả kích nhất, anh luôn biết cách lên tiếng, khẳng định mình.
AFF Cup 2008 với hành trình 11 trận chỉ hòa với thua của ĐTVN, Công Vinh với chuỗi trận tịt ngòi là cầu thủ bị chỉ trích, chịu nhiều sức ép nhất. Thế nhưng hãy nhớ xem, tiền đạo này đã lên tiếng ở 2 trận chung kết như thế nào, đặc biệt là bàn thắng “quý hơn vàng” giúp ĐTVN đăng quang trong buổi tối lịch sử Mỹ Đình.
AFF Cup 2016 cuối năm nay, giải đấu mà Vinh sẽ lập kỷ lục khi tham dự lần thứ 5 (AFF Cup 2010 Vinh vắng mặt vì chấn thương phải phẫu thuật), đó sẽ là lần cuối cùng Công Vinh lĩnh xướng hàng công ĐTVN trước khi giã từ sự nghiệp. Thành hay bại của ĐTVN dự báo có thể phụ thuộc lớn vào chân sút này.
Thế nên khi Vinh bị ghét, bị chê và luôn hứng chịu những dè bỉu không đáng có, đó có khi lại là điều tốt.
Vì càng bị ghét, Công Vinh càng hay. Thế nên làm ơn, cứ ghét Công Vinh đi!
Video Công Vinh ghi bàn trong chiến thắng 2-0 của ĐT Việt Nam trước ĐT Syria (Bản quyền VTV):
Công Vinh và những con số đáng nhớ trong sự nghiệp 13: Tính từ trận ra mắt trong trận gặp Hàn Quốc tại vòng loại World Cup 2006 thi đấu năm 2003, Công Vinh đã có 13 năm liên tục khoác áo ĐTQG. 45: Với 2 bàn vào lưới Hongkong, số bàn thắng Vinh ghi được cho ĐTQG được nâng lên con số 45 và kỷ lục này dự kiến rất lâu nữa mới có người phá được. Người xếp ngay sau anh là Lê Huỳnh Đức (ghi 28 bàn). 8: Từ HLV Tavares, Alfred Riedl, Henrique Calisto đến Falko Goezt, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura đến Hữu Thắng, 8 đời HLV từ ngoại đến nội, Công Vinh đều là đóng vai chính ở ĐTQG. 2: Công Vinh là cầu thủ duy nhất trong lịch sử BĐVN 2 lần ra nước ngoài thử việc và thi đấu: Leixoes năm 2009 và Cosadole Sapporo (2013) |