Đội tuyển U22: Còn thiếu gì cho SEA Games?
Trong thành phần ĐT Việt Nam vừa mới cầm hoà Jordan có khá nhiều cái tên trong đội tuyển U22 tham dự SEA Games 2017. Họ có gì, thiếu gì và cần gì cho SEA Games 29 sắp tới tại Malaysia?
Mới đây, VFF và HLV Hữu Thắng đã lên kế hoạch tập trung sớm cho ĐT U22 Việt Nam. Thời gian ĐT U22 Việt Nam tập trung chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2018 là vào ngày 3/7 tới, sau khi vòng 16 V-League 2017 kết thúc, trước khi hướng đến SEA Games.
Công Phượng dù chơi hay nhưng không phải mẫu trung phong mà Việt Nam đang thiếu. Ảnh: VSI.
Những tín hiệu đáng mừng
HLV Hữu Thắng nói ông đã có những thử nghiệm nhằm chuẩn bị cho SEA Games 29 sẽ diễn ra sau đây 2 tháng. Những cầu thủ đang trong độ tuổi dự SEA Games chơi tốt trước một đối thủ mạnh như Jordan là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam.
Ở vị trí trung vệ, Tiến Dũng đã chơi suốt trận và phần nào thể hiện bản lĩnh cũng như khả năng của mình. Văn Thanh chơi ở vị trí hậu vệ biên trái, vẫn là vị trí không thể thay thế và có thể nói Văn Thanh là hậu vệ biên trái hay nhất tại V-League hiện nay. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng ngự, anh còn tham gia tấn công rất hiệu quả.
Đặc biệt, bộ đôi Tuấn Anh, Xuân Trường đều đã chơi tốt trong cuộc đối đầu với ĐT Jordan. Ở giữa sân bộ đôi này đã làm rất tốt nhiệm vụ điều tiết và tổ chức lối chơi. Dù trước một đối thủ không hề dễ chơi nhưng trong hơn 75 phút thi đấu cùng nhau trước khi Xuân Trường bị thay ra, bộ đôi này vừa làm nhiệm vụ tấn công, vừa góp công rất lớn trong việc phòng thủ từ xa, giảm tải sức ép lên hàng phòng thủ.
Một quân bài khác cũng được HLV Hữu Thắng cho thử nghiệm chính là Duy Mạnh, dù chỉ xuất hiện trên sân chừng hơn 10 phút cuối trận, nhưng những gì tiền vệ này đã thể hiện cho thấy ý tưởng xây dựng một tam giác giữa sân gồm Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh hoàn toàn hiện thực.
Ngoài ra, vẫn còn những cầu thủ trẻ có chuyên môn tốt không được HLV Hữu Thắng tung vào trong trận đấu với Jordan. Điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ trẻ giàu tiềm năng.
Tìm đâu ra một trung phong?
Trong trận đấu với Afghanistan, Công Phượng chơi trên hàng công đội tuyển Việt Nam nhưng kém hiệu quả. Công Phượng với kỹ thuật rất hay nhưng không phải là mẫu cầu thủ có sức càn lướt để bứt phá. Công Phượng chỉ đột phá, cầm bóng rồi dứt điểm, bài tấn công này rất dễ bị hóa giải.
Suốt thời gian qua, HLV Hữu Thắng chưa thể tìm một cầu thủ đá trung phong đích thực kiểu Huỳnh Đức ngày nào, hoặc Văn Quyến và gần hơn là Việt Thắng hay Công Vinh, Anh Đức…, những người mà ít nhiều khi chơi trung phong cũng khiến các đối thủ phải dè chừng bởi khả năng gây nguy hiểm lên hàng thủ đối phương.
Trong bối cảnh chân sút nội mất vị trí ở CLB, đội tuyển làm sao có người đá cắm, với những tố chất có thể hình, giỏi tì đè, làm tường và quấy nhiễu hàng thủ đối phương? Gần đây có Hà Đức Chinh được xem là tiềm năng, nhưng anh cần phải trưởng thành nhiều. Tương tự là trường hợp Thanh Bình của HAGL.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, nhận xét: “Đội tuyển VN bây giờ không có một hình mẫu trung phong thực thụ như Lê Huỳnh Đức trước đây- cao khỏe, sức càn lướt, độ nhạy bén và “ngửi” tình huống rất tốt, không có mẫu tiền đạo không cao to nhưng khéo léo thiên bẩm như Phạm Văn Quyến, hoặc chưa tìm ngay được một tiền đạo giàu kinh nghiệm như Lê Công Vinh - vừa giải nghệ sau AFF Cup 2016”.
Việc không có những tiền đạo cắm thực thụ khiến U22 VN chủ yếu là cầm bóng, dứt điểm từ xa hay tận dụng những đường chuyền dọn cỗ của Xuân Trường, chứ ít có những pha tì đè, không chiến hay đột phá táo bạo thẳng vào hàng thủ đối phương.
Nếu bế tắc trong khâu ghi bàn mà khi gặp phải những đối thủ chủ động đá thấp, chúng ta rất dễ dính đòn hồi mã thương. Nếu không giải quyết được bài toán này, U22 VN chắc sẽ gặp nhiều khó khăn ở SEA Games 29.