Đội tuyển nữ Việt Nam cần đổi mới... (*): Cơ chế cho cầu thủ Việt kiều
Thất bại đến 4 bàn không gỡ của tuyển nữ Việt Nam trước chủ nhà Philippines ở Giải Vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) 2022 giữa tháng 7 thể hiện rõ sự chênh lệch về thể lực, phần nào là đẳng cấp giữa 2 đội và cả sự hiệu quả trong việc tận dụng nguồn lực cầu thủ nhập tịch
Trước khi tham dự AFF Women’s Championship 2022, đội tuyển nữ Việt Nam từng thắng Philippines ở SEA Games 31 và cũng toàn thắng đối thủ này trong tổng số 7 lần chạm trán gần nhất. Tuy nhiên, bằng cách ồ ạt nhập tịch cầu thủ chất lượng cao, tuyển nữ Philippines đã đảo ngược tình thế trước đoàn quân của HLV Mai Đức Chung, trở thành một thế lực lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Bóng đá Philippines kém xa Việt Nam trong việc đào tạo trẻ. Không có điều kiện cũng như cơ sở vật chất tốt nhất, Philippines đã mạnh dạn chuyển hướng bằng chính sách chiêu mộ các nữ cầu thủ có gốc Philippines về nước thi đấu trong khoảng 4 năm trở lại đây. Mô hình "xây nhà từ nóc" này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xây dựng lực lượng nòng cốt cho các cấp đội tuyển quốc gia tham dự đấu trường quốc tế mà còn nhanh chóng mang về hiệu quả cho bóng đá nữ Philippines.
Trong danh sách 27 nữ tuyển thủ Philippines vừa đăng quang AFF Cup 2022, có đến 22 cầu thủ được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Canada và Úc - những cường quốc bóng đá nữ thế giới. Với tuổi đời khá trẻ, thể trạng sung mãn, những cầu thủ châu Âu, châu Mỹ gốc Philippines dưới sự dẫn dắt của HLV người Úc Alen Stajcic dễ dàng lấn lướt các đồng nghiệp khu vực Đông Nam Á.
Hướng tới vòng chung kết World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung từng thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng được sở hữu những học trò có nền tảng thể lực và năng lực chuyên môn tương tự những cầu thủ nhập tịch của Philippines, Thái Lan.
Tuyển nữ Việt Nam cần nhanh chóng bổ sung, tận dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều trước thềm vòng chung kết World Cup 2023. Ảnh: DIÊN VỸ
Nguồn lực cầu thủ gốc Việt của bóng đá nữ Việt Nam không ít và việc săn tìm những cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt đang thi đấu ở nước ngoài về khoác áo đội tuyển quốc gia là điều cần thiết. Tổng Thư ký LĐBĐ Việt Nam Lê Hoài Anh khẳng định: "Chúng tôi sẽ rà soát và bổ sung nếu cầu thủ gốc Việt đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như quy định.
Đối với những người đã có sẵn quốc tịch Việt Nam, tôi nghĩ họ sẽ kịp được bổ sung cho tuyển nữ quốc gia trước thềm vòng chung kết World Cup 2023. Tuy nhiên, quy định nhập tịch yêu cầu cầu thủ phải sống tại một quốc gia 5 năm, nên những người chưa có quốc tịch thì chưa thể khoác áo tuyển Việt Nam".
HLV Mai Đức Chung cho biết: "Muốn có được thành tích lâu dài thì cần phải đầu tư từ phong trào trường học, các địa phương cũng như hỗ trợ, đồng hành của cả xã hội. Bản thân tôi mong muốn có cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài về thi đấu nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là thủ tục nhập tịch".
Tuyển nữ Philippines đang tiến bộ từng ngày, Thái Lan mạnh dạn "thay máu" lực lượng sau SEA Games 31 và Myanmar xây dựng tương lai bằng lứa U19. Trong khi đó, cầu thủ trẻ tuyển nữ Việt Nam đa phần còn non kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, còn số "lão tướng" không bảo đảm thể lực thi đấu đỉnh cao. Nếu không sớm có những thay đổi, Việt Nam sẽ mất vị thế số 1 bóng đá nữ Đông Nam Á.
Cách đây không lâu, từng có một số cầu thủ gốc Việt về thử sức, tập luyện trong màu áo đội tuyển trẻ quốc gia như chị em mang 2 dòng máu Việt - Mỹ: Chelsea và Kyah Le. Trung vệ Alexandra Huỳnh Bảo Yến đang thi đấu chuyên nghiệp tại Úc cũng được HLV Mai Đức Chung đánh giá cao về năng lực nhưng việc nhập tịch cho nữ cầu thủ này phải qua quá nhiều thủ tục phức tạp. |
(Kết quả bóng đá nữ ĐT nữ Việt Nam - Myanmar, tranh hạng ba AFF Cup) ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Myanmar đã tạo ra một cuộc rượt đuổi có tới 7 bàn thắng.
Nguồn: [Link nguồn]