Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Một thế hệ vàng đã qua đi
Gần 7 năm sau chiến công tại Vòng chung kết U23 châu Á 2018, những hạt nhân trong một thế hệ vàng đầy ấn tượng của bóng đá Việt Nam cũng lui dần vào quá khứ. Đội tuyển Việt Nam hiện tại chỉ còn thấp thoáng một vài cái tên, với phong độ và vị thế không còn ở trạng thái đỉnh cao như trước đó.
Từng có những anh tài
Trước Khánh Hòa ở vòng 2 giải hạng Nhất Quốc gia 2024, Công Phượng tỏa sáng với một cú đúp để mang về chiến thắng đầu tiên cho đội bóng mới Bình Phước. Một thống kê khiến người hâm mộ giật mình vì tốc độ chóng mặt của thời gian. Đấy là sau 2 năm, Công Phượng mới đá trọn vẹn 90 phút chính thức. Và đây cũng là lần đầu sau gần… 3 năm, tiền đạo nổi tiếng của Việt Nam có một cú đúp bàn thắng cho riêng mình.
Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam từng gây tiếng vang tại Vòng Chung kết U23 châu Á 2018.
Ngày Công Phượng lập công cũng là lúc những hoài niệm đẹp nhất về chàng trai nay đã 29 tuổi dội về. Bởi 6-7 năm trước, với chiếc niềng răng cùng mái tóc bờm, Công Phượng từng ăn mừng đầy hồ hởi tại Trung Quốc, trong một giải đấu thần kỳ mang tên U23 châu Á cùng U23 Việt Nam. Khởi đầu với ngôi á quân chấn động châu lục, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, đan xen giữa hai lứa cầu thủ 1995-1997 và 1997-1999 tạo nên cảm xúc bậc nhất trong lịch sử, liên tiếp giành những chiến công.
Giai đoạn từ 2018 đến 2022 chứng kiến năm tháng rực rỡ của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Những Tiến Dũng, Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Tiến Dũng, Đức Huy, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Đức… lần lượt giành hạng 4 ASIAD, vô địch AFF Cup trong năm 2018. Chưa dừng lại ở đó, họ tạo nên mạch trận ấn tượng ở vòng loại World Cup thứ 2 trong năm 2019. Trước những đối thủ Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay tầm cỡ hơn là UAE, Việt Nam liên tục có các trận đấu bất bại để rồi lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á. Cũng trong năm 2019, nòng cốt của lứa 1997-1999 cũng giành tấm huy chương vàng SEA Games sau 60 năm chờ đợi.
Thế hệ vàng của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam thành công suốt một giai đoạn dài.
Dưới bàn tay của HLV đại tài Park Hang-seo, thế hệ cầu thủ được khơi nguồn bởi VCK U23 châu Á 2018 đã có những năm tháng rực rỡ. Cuộc sống và sự nghiệp của họ thăng tiến vùn vụt. Thủ môn Bùi Tiến Dũng và em trai Bùi Tiến Dụng đổi đời sau hiện tượng ở Thường Châu, Trung Quốc. Phạm Xuân Mạnh thay ngôi nhà dột nát bằng cơ ngơi khang trang, hiện đại. Duy Mạnh, Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Đức Huy và đặc biệt là Quang Hải, Văn Hậu có hàng loạt những nguồn thu từ tiền thưởng và quảng cáo, để từ đó nâng khối tài sản của bản thân lên chục tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Thành công, tiền tài, danh vọng đã mở ra cho dàn cầu thủ thuộc thế hệ vàng bóng đá Việt Nam một chân trời xán lạn. Giá trị hơn, tấm gương tuyệt vời trên mọi phương diện đến từ lứa Quang Hải, Công Phượng tạo nên động lực, niềm cảm hứng cho bóng đá Việt Nam phát triển, thu hút thêm hiền tài cống hiến trong tương lai.
Nhưng rồi họ đi đâu?
Thiên địch lớn nhất với những tài năng bóng đá chính là thời gian. Qua năm tháng, những cầu thủ thuộc thế hệ U23 Việt Nam gây tiếng vang ở Thường Châu, Trung Quốc dần lui vào dĩ vãng. Mới đây nhất, Đặng Ngọc Tuấn - thủ thành số 2 của U23 Việt Nam nói lời giải nghệ khi chưa đầy 30 tuổi. Bùi Tiến Dũng, người gác đền tạo nên cảm xúc vỡ òa khi bắt luân lưu ấn tượng trước Qatar và Iraq nay chỉ là thủ thành số 2 tại CLB TP.Hồ Chí Minh. Thực tế, suốt nhiều năm qua, Dũng “gôn” vẫn luôn chỉ đóng vai kép phụ.
Nói như cách của một đồng nghiệp, hạn chế trong việc không được đào tạo đúng cách khiến Bùi Tiến Dũng khó tạo được sự ổn định đường dài. Và có lẽ cũng thấu hiểu hoàn cảnh của mình, chàng trai sinh năm 1997 quyết định chọn cuộc sống an yên, bình thản thay vì tranh đấu tìm kiếm một chỗ đứng trong bản đồ bóng đá Việt Nam đương đại, hay cụ thể hơn là cấp CLB tại V.League hay đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Văn Hoàng có lẽ là thủ môn may mắn hơn cả. Từ việc được HLV Park Hang-seo lựa chọn… bất đắc dĩ khi đi bẫy chim, do không thể liên lạc được với Đỗ Sỹ Huy, Văn Hoàng từng bước có những bước tiến chậm chắc trong sự nghiệp. Để rồi ở thời điểm hiện tại, thủ thành người Nghệ An có được vị trí số 1 trong khung gỗ của Hà Nội FC.
Ở vị trí hậu vệ, những Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Vũ Văn Thanh, Đỗ Duy Mạnh hay kể cả Lê Văn Đại đều có bước ngoặt trong cuộc sống sau U23 châu Á. Nhưng chấn thương đã khiến nhiều cái tên không còn đủ sức hiện diện tại đội tuyển Việt Nam lúc này. Đình Trọng vốn dĩ phải vật lộn tìm kiếm vị trí tại CLB Công an Hà Nội, dù rằng anh là “bom tấn” của đội bóng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua. Chấn thương đã khiến cho Đình Trọng không còn là một hậu vệ săn Tây trứ danh suốt 5 năm qua. Ác mộng ấy cũng đang diễn ra với Đoàn Văn Hậu.
Những cầu thủ thuộc thế hệ vàng dần lui vào dĩ vãng.
Vấn đề ở gót chân cùng tiền sử chấn thương dày đặc từ năm 2021 đến nay khiến Văn Hậu đứng ngoài cuộc suốt 1 năm qua. Đó cũng là lúc mà đội tuyển Việt Nam và CLB Công an Hà Nội xuống dốc về thành tích. Hai cầu thủ Bùi Tiến Dũng và Đỗ Duy Mạnh chịu ảnh hưởng từ chấn thương đến dấu hiệu tuổi tác. Ở tuổi 28-29, họ hiện tại chỉ còn là những lựa chọn dự phòng ở đội tuyển Việt Nam, khi thể lực không còn sung mãn như thời còn chinh chiến tại U23 châu Á. Nguyễn Thành Chung và Vũ Văn Thanh vẫn là hai cái tên hiện diện trong đội hình đội tuyển Việt Nam lúc này. Và họ là những cái tên hiếm hoi vẫn duy trì được việc xuất hiện tại “Những chiến binh sao Vàng”, hay rộng hơn là khả năng dự AFF Cup 2024 vào cuối năm nay.
Trên hàng tiền vệ, cặp đôi trứ danh Lương Xuân Trường và Phạm Đức Huy một thời nay không còn là lựa chọn tại đội tuyển Việt Nam. Cả hai đều xuống dốc từ phong độ đến nền tảng thể lực. Ngay từ khi HLV Park Hang Seo còn tại vị, ở cuối nhiệm kỳ của mình, ông đã không còn lựa chọn Xuân Trường và Đức Huy thường xuyên lên đội tuyển Việt Nam. Tính đến hiện tại ở cấp CLB, cả hai cầu thủ này cũng không còn được đá chính từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đến Nam Định nữa.
Hai tiền vệ trung tâm khác là Trương Văn Thái Quý, Bùi Tiến Dụng thì vẫn như thời còn đá cho U23 Việt Nam. Cặp đôi trưởng thành ở Trung tâm PVF duy trì vị trí… kép phụ ở các CLB chủ quản từ năm này đến năm khác. Ở vị thế khiêm tốn như vậy, cả Thái Quý lẫn Tiến Dụng từ lâu không còn xuất hiện trên đội tuyển Việt Nam. Nếu có, vai trò và sự đóng góp của họ cũng là khiêm tốn và mờ nhạt.
Ở chiều ngược lại, Châu Ngọc Quang, Phạm Xuân Mạnh hay Nguyễn Phong Hồng Duy vô hình trung lại đang nắm được thời cơ trên ĐTQG. Những kép phụ một thời nhờ phong độ tốt tại cấp CLB trong thời gian vừa qua mà được HLV Kim Sang Sik trao cơ hội trong giai đoạn chuyển giao hiện tại. Đáng buồn nhất ở hàng tiền vệ có lẽ chính là Nguyễn Trọng Đại. Từ một tài năng trẻ đầy hứa hẹn và được HLV Park Hang-seo yêu quý, Trọng Đại đánh mất mình với những cuộc vui để rồi giờ đây tan biến trong bản đồ bóng đá cả nước.
Trên hàng tiền đạo, Hà Đức Chinh cũng lui vào hậu trường. Phong độ thiếu thuyết phục cùng với đó là nền tảng thể lực không đảm bảo khiến cho tiền đạo quê Phú Thọ không còn được tin dùng từ cấp CLB, chứ đừng nói là ĐTQG. Dấu ấn lớn nhất của Đức Chinh nằm ở SEA Games 2019 hay AFF Cup 2021. Và đấy cũng là điểm kết khép lại những năm tháng tươi đẹp của tiền đạo sinh năm 1998 tại “Những chiến binh sao Vàng”.
Nguyễn Công Phượng và Phan Văn Đức từng là những mũi nhọn lợi hại của HLV Park Hang-seo, đặc biệt ở giai đoạn 2018 và 2019. Song chấn thương hay lựa chọn xuất ngoại không hợp lý đã khiến cho cả hai không duy trì được vị thế đỉnh cao ở thời gian sau đó. Tính đến hiện tại, Công Phượng đã vắng bóng tại đội tuyển Việt Nam suốt hơn 1 năm qua. Trong khi sự trở lại của Văn Đức ở lần gần nhất cũng là không đáng kể.
Có chăng, ở danh sách tiền đạo của đội tuyển Việt Nam, Quang Hải và Văn Toàn là những cầu thủ vẫn nằm trong kế hoạch cốt lõi của HLV Kim Sang Sik. Với Quang Hải, có thể anh không đạt đến ngưỡng bùng nổ như thời còn được vinh danh Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á giai đoạn 2018-2019. Song chí ít, việc thi đấu liên tục tại V.League cho CLB Công an Hà Nội đã và đang giúp tiền đạo này từng bước tìm lại bản ngã của bản thân. Trong khi đó, Văn Toàn sau nhiều năm phấn đấu cũng tìm được đỉnh cao của sự nghiệp. Chức vô địch V.League cùng CLB Nam Định hay vị trí số 1 trên hàng tiền đạo của đội tuyển Việt Nam là minh chứng cho điều đó.
Sau cùng, những tiểu anh hùng của U23 Việt Nam một thời cũng không còn nhiều cái tên đủ để duy trì vị thế tới hiện tại. Nhưng bóng đá là thế. Sự kế thừa, thay đổi và thanh lọc diễn ra liên tục theo từng ngày, từng tháng. Tiếc cho những tài năng không thể giữ vững bản thân mình. Nhưng chúng ta cũng mừng, bởi một vài cầu thủ vẫn tạo được sự ổn định để đi với đội tuyển Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Ngoại lệ Tiến Linh Tiến Linh là cầu thủ thuộc thế hệ 1997-1999, cùng với lứa của những Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng. Tuy nhiên vì chấn thương, chân sút quê Hải Dương mất cơ hội ghi điểm với HLV Park Hang Seo trong cả năm 2018. Đó là lý do mà anh đứng ngoài cuộc trong những thành tích ấn tượng từ U23 châu Á, AFF Cup và ASIAD. Nhưng sang năm 2019, anh bắt đầu gây ấn tượng mạnh mẽ từ SEA Games đến Vòng loại World Cup. Chung cuộc, Tiến Linh nhảy vọt và trở thành top 3 chân sút tốt nhất dưới thời người tiền nhiệm Park Hang Seo. Cho đến nay, anh vẫn là tiền đạo chủ lực và có phong độ cao nhất mà ĐT Việt Nam đang sở hữu. |
TP - Sử dụng cầu thủ nhập tịch có thể là cách giải bài toán thành tích do áp lực trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, bóng đá Việt Nam cần nâng cao nội...
Nguồn: [Link nguồn]