Đối thủ của MU: Swansea đóng vai kẻ dẫn đường
Chỉ là CLB nhỏ bé, song Swansea City có một yếu tố mà bất kỳ CĐV M.U nào cũng mong ước cho đội bóng của mình. Đó là gì?
Mùa bóng mới đầy thách thức cho cả chủ nhà MU và Swansea City A.F.C sẽ khởi đầu tại Old Trafford. Đây là trận cầu nhận được sự quan tâm đặc biệt, vì nó đánh dấu bước chân đầu tiên của HLV Louis Van Gaal trên con đường tái thiết MU. Và cả hai đội đều vào sân với sự tươi mới.
Sự háo hức mang vẻ tò mò sẽ là điểm nhấn chính cho CĐV M.U, nhưng với Swansea thì không. Đơn giản họ không có một HLV mới, cũng không còn là một tân binh “lạc hộ khẩu” từ Xứ Wales sang nước Anh như năm nào. Mà dù có thay đổi bấy nhiêu, với Swansea cũng là chuyện bình thường.
Gary Monk đã tiếp quản Swansea từ mùa trước, đồng nghĩa trên ghế huấn luyện của Thiên Nga chỉ là một người “tay ngang”, cầu thủ kiêm HLV, chứ không là Michael Laudrup mà cả làng bóng đá châu Âu từng săn đón. Thách thức cho mùa bóng mới của Swansea, hay trước mắt là thách thức về cơ hội có điểm tại Old Trafford lần này nằm ở đó.
Gary Monk sẽ tiếp quản một lực lượng trên lý thuyết yếu hơn mùa giải trước. Kỹ thuật gia Pablo Hernandez và trung vệ rắn rỏi Chico Flores rủ nhau sang Qatar… dưỡng già trước tuổi, trong khi ngôi sao lớn nhất Liberty kỷ nguyên Premier League, Michu lại chọn đầu quân cho Napoli theo dạng cho mượn.
Sự ra đi của Michu, một cách chộp giật như thế đã chứng tỏ, chân sút người Tây Ban Nha không tin, không nghĩ rằng anh sẽ được thêm điều gì ở Swansea. Đó là điểm yếu lớn nhất, tâm lý chung cho cả tập thể này. Hãy nhớ rằng, đội trưởng Ashley Williams đã mất uy tín nghiêm trọng khi nằng nặc đòi rời Xứ Wales để đến Arsenal, Liverpool, Tottenham… đâu cũng được, miễn thoát khỏi chỗ này.
Michu đã ra đi, nhưng Swansea vẫn còn Winfried Bony rất lợi hại
Nhưng sau tất cả, như đã nói, người Swansea không quan trọng. Trong hành trình thần kỳ thăng đến 4 bậc từ 2007 đến nay, thật bất ngờ và điên cuồng, khi Swansea phải mất HLV tài năng liên tục. Kiến trúc sư cho thành công của đội bóng áo trắng, Roberto Martinez là người đầu tiên chia tay sân Liberty, song lần lượt những người mới như Paulo Sousa, Brendan Rodgers hay Michael Laudrup sau này, vẫn tiếp quản và phát triển cực kỳ thành công.
Họ từng có Danny Graham là bản hợp đồng kỷ lục giá… 3,5 triệu bảng. Anh này chắp cánh cho đội lên Premier League. Nhưng sau đó, Michu đến và gây ấn tượng. Khi Michu bắt đầu trở nên quen thuộc với các hậu vệ tại Anh, Winfried Bony đến như làn gió mới. Và ở mùa thứ hai của Bony, Swansea đã tạm chia tay Michu để mang về một đối tác tấn công khác: Befetimbi Gomis, một chân sút từng khoác áo đội tuyển Pháp và từng đá Champions League cho Lyon.
Người Swansea là thế, không bao giờ tỏ ra nao núng trước bất kỳ sự thay đổi nào, dù đó là thay đổi ở vị trí đầu tàu đi nữa. Với họ, bản thân việc trở thành đội bóng Xứ Wales đầu tiên chơi ở Premier League cũng đã là một thành công vượt trội.
Sự ngoan cường và miễn nhiễm trước thay đổi môi trường nơi Swansea chính là điểm khiến MU – đối thủ của họ phải học hỏi. Ai cũng thấy, Quỷ đỏ đã lao đao thế nào trong mùa bóng đầu tiên không Sir Alex.
Mọi so sánh sẽ khập khiễng, nhưng trên khía cạnh tinh thần, Swansea vẫn lợi thế hơn khi họ không đặt quá nhiều mục tiêu cho trận đấu, đồng nghĩa áp lực sẽ ít hơn.
Năm ngoái, Swansea thảm bại trong ngày David Moyes ra mắt MU. Rất có thể đội bóng này cũng khó tránh khỏi số phận trước một MU mới mẻ, tràn đầy tự tin trong tay ông Van Gaal. Thế nhưng, đây cũng là bài test giá trị cho con đường mà cả hai đang chọn.
Như thủ thành Lukasz Fabianski đã nói, rằng anh hoàn toàn không còn nhớ về những kỷ niệm tại Arsenal nữa, thì đó cũng là một cá tính của Swansea: Không bám vào quá khứ để đau buồn và làm vật cản cho chính mình. MU lúc này, cũng cần phải quên hẳn Sir Alex trên bình diện chuyên môn, cũng như quên đi những ngày tháng “đen tối” của David Moyes…