Đối thủ của HLV Hữu Thắng
Bản hợp đồng hai năm của Nguyễn Hữu Thắng với hai mục tiêu cao là vào chung kết AFF Cup (11-2016) và vô địch SEA Games 29 năm 2017.
Như vậy là chỉ trong chín tháng kể từ ngày nhậm chức, HLV Hữu Thắng phải tìm đến cái đích là vào chung kết AFF Cup trước khi tính đến cùng đội U-22 vô địch SEA Games.
Nhiệm vụ của HLV Hữu Thắng không hề dễ dàng
Nhìn lại kể từ lúc thế hệ vàng của Hữu Thắng đến bây giờ thì đối thủ lớn nhất của đội tuyển Việt Nam vẫn là Thái Lan. Kế đến là những đội “chọc gậy bánh xe” như Indonesia, Malaysia, Singapore. Tại AFF Cup 2016 có thể sẽ có thêm Myanmar nữa.
Nếu trước đây bóng đá Việt Nam không ngán ngại Malaysia thì kể từ SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 đối thủ này lại luôn là cái gai mà có lúc vì thua đau nên mọi người nói rằng kỵ rơ.
Trong những chiến thắng của bóng đá Malaysia đều thể hiện rất đậm dấu ấn chiến lược. Nếu chung kết SEA Games 2009 đội U-23 Việt Nam thua do thiếu may mắn thì những lần sau cái thua lớn nhất là vị trí HLV Ong Kim Swee ở khu kỹ thuật đội Malaysia. HLV này đã qua nhiều lần làm HLV tuyển U-23 mang về ngôi vô địch SEA Games 2011, sau đó nhiều lần tạm quyền HLV đội tuyển quốc gia.
Gần đây thì LĐBĐ nước này quyết định mời ông ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển tham dự AFF Cup. Ong Kim Swee từng nhiều lần chạm trán với các đội tuyển Việt Nam nhưng lần gần đây nhất thì tại SEA Games 28 đội U-23 của ông thua U-23 Việt Nam của HLV Miura đến 1-5. Nhưng khi nắm đội tuyển quốc gia thì có thể mọi thứ sẽ khác bởi Ong Kim Swee biết dùng sự khác biệt của cầu thủ mình với thể hình cao to, khỏe và cả biết đá rát để làm chùn chân các cầu thủ.
HLV Hữu Thắng sẽ áp dụng lối chơi ban bật ngắn cho ĐTVN
Lối đá từng giúp Malaysia không khó để vào chung kết SEA Games 2009, vô địch AFF Cup 2010, chung kết AFF Cup 2014… Lần này khi HLV Ong Kim Swee quay trở lại nắm đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup 2016 thì HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng cần phải cân nhắc yếu tố này khi mà HLV trên hiểu đặc tính cầu thủ Việt Nam nhiều hơn là Hữu Thắng hiểu về đội tuyển Malaysia.
Riêng với HLV Kiatisak của Thái Lan thì có lẽ khỏi cần phải bàn về sự hiểu biết của “Sắc” với cầu thủ Việt Nam. “Sắc” không chỉ hiểu tâm tính, cách chơi mà hiểu cả cách để tung ra những đòn tâm lý nữa. Rõ nhất là những điều “Sắc” đã làm với bóng đá Việt Nam ở trận lượt về vòng loại World Cup trên sân Mỹ Đình với ba bàn thắng từ những cách chơi, cách tiếp cận khác nhau.
Tính ra trên con đường chinh phục Đông Nam Á để có mặt trong trận chung kết thì ít ra hai đồng nghiệp của HLV Nguyễn Hữu Thắng là Kiatisak và Ong Kim Swee có những thuận lợi hơn, được cọ xát hơn và hiểu về đối thủ hơn.
Còn lại Myanmar cũng đã “trảm” HLV Avramovic để thay HLV nội. Nhưng quan trọng nhất là Myanmar đã có công cuộc trẻ hóa từ lứa U-19 định hình đến bây giờ làm nòng cốt đội tuyển Myanmar.
Đó là những khác biệt phải tính đến trên con đường mơ đến thứ hạng cao của các đội tuyển Việt Nam, nhất là mục tiêu gần vào tháng 11 năm nay.