Đội hình W.Cup: Chưa có chỗ Messi-Ronaldo
Mặc dù đang là những ngôi sao đương đại nhưng ở World Cup, Messi và Ronaldo vẫn chưa có chỗ đứng.
Mới đây trang Bleacherreport đã bầu chọn ra đội hình xuất sắc nhất World Cup mọi thời đại, trong số này quy tụ rất nhiều cái tên danh giá. Mặc dù đang là những ngôi sao đương đại nhưng ở World Cup, Messi và Ronaldo vẫn chưa có chỗ đứng.
Thủ môn Gilmar
Trong khung gỗ có rất nhiều cái tên xuất sắc có thể kể tới Gordan Banks, Dino Zoff hay cả những Buffon, Casillas nhưng Gilmar là một sự đặc biệt. Huyền thoại Brazil này mới qua đời hồi tháng 8 vừa rồi ở tuổi 83 để lại những chiến tích lừng lẫy cho các thế hệ sau này. Được mệnh danh là “Pele trong khung thành”, Gilmar là thủ môn duy nhất trong lịch sử giành 2 cúp Vàng thế giới liên tiếp với tư cách đá chính.
Hậu vệ cánh phải Carlos Alberto
Cái tên Carlos Alberto Torres đã đi vào lịch sử của bóng đá thế giới với bàn thắng phi thường vào lưới đội tuyển Italia tại trận chung kết World Cup năm 1970. Đó là một trong những bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại. Tên tuổi của ông đã sống cùng những ngày tháng hào hùng của đội tuyển Brazil năm 1970 thế kỷ trước. Đội hình Selecao thời bấy giờ là một đội hình toàn sao với những tên tuổi lẫy lừng như Pele, Clodoaldo, Gerson, Roberto Rivelino… nhưng Alberto vẫn được tín nhiệm giữ chiếc băng đội trưởng.
Carlos Alberto (ngoài cùng bên trái, đứng)
Hậu vệ cánh trái Paul Breitner
Breitner sinh năm 1951, bắt đầu sự nghiệp cầu thủ ở Bayern Munich những năm 1970 với vai trò hậu vệ cánh trái, sau này ông được đẩy lên đá tiền vệ. Huyền thoại Đức từng giành chức vô địch Euro 1972 cũng như World Cup 1974. Ông là một trong bốn người hiếm hoi đã từng ghi bàn ở hai trận chung kết World Cup, năm 1974 tại Đức và năm 1982 tại Tây Ban Nha, bên cạnh những cái tên khác là Pele, Vava và Zinedine Zidane.
Trung vệ Frank Beckenbauer
Biệt danh “Hoàng đế” đã đủ để nói về vị thế của Beckenbauer trong lịch sử bóng đá thế giới, người khai sinh ra khái niệm "libero". Trong sự nghiệp cầu thủ ông gặt hái không biết bao vinh quang, Beckenbauer cũng là đội trưởng Tây Đức vô địch EURO 1972 và World Cup 1974. Đặc biệt, trận chung kết năm 1974 là màn trình diễn có lẽ xuất sắc nhất sự nghiệp của ông Beckenbauer, Berti Vogts và các đồng đội đã khiến “cơn lốc màu da cam” của Johan Cruyff chỉ còn là cơn gió thoảng và chấp nhận thất thủ 1-2 trước Tây Đức.
Trung vệ Claudio Gentile
“Thậm chí nếu bạn đi vào nhà vệ sinh, Gentile cũng sẽ theo bạn tới đó”, đó chính là những gì đúc kết lại về huyền thoại máy chém của làng túc cầu thế giới. Gentile là mẫu hậu vệ khiến các tiền đạo phát điên với khả năng đeo bám dai dẳng, những cú tắc không bao giờ biết run chân và những ngón nghề tiểu xảo bậc thầy. Trung vệ này đã trở nên nổi tiếng bằng các pha triệt hạ Maradona tại World Cup 1982, xé rách áo của Zico tại giải đấu năm đó. Những người như Materazzi sau này cũng vẫn phải gọi Gentile bằng “sư phụ”.
Tiền vệ Johan Cruyff
Đầu tầu của “cơn lốc màu da cam”, người được coi là biểu tượng của thứ bóng đá tổng lực mê đắm khán giả, tuy nhiên “Thánh” Cruyff lại không có được những thành công trọn vẹn cùng ĐTQG Hà Lan. World Cup năm 1974, Johan Cruyff với dàn binh hùng áo cam được dẫn dắt bởi Rinus Michels mang tới rất nhiều kỳ vọng vào chiếc cúp vàng. Sau khi kết thúc vòng đấu bảng ở giải đấu diễn ra tại Tây Đức, Hà Lan đã nổi lên như là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch, đè bẹp một loạt đối thủ mạnh với lối đá thuyết phục. Bước vào trận chung kết World Cup năm 1974 với Tây Đức, Hà Lan có bàn thắng mở tỷ số ngay ở phút thứ 2 (Cruyff bị đốn ngã trong vòng cấm và Neeskens thực hiện thành công quả 11m) nhưng họ lại để Paul Breitner và Gerd Muller đã dễ dàng chọc thủng lưới sau đó và ngậm ngùi gục ngã trước ngưỡng cửa vinh quang.
Cruyff và Beckenbauer
Tiền vệ Zinedine Zidane
Zizou bắt đầu vào ngôi nhà của những huyền thoại sau khi anh đưa ĐT Pháp đăng quang tại World Cup 1998. Trở lại sau hai trận treo giò ở vòng bảng, Zidane đã lập tức tỏa sáng giúp đội bóng đất nước hình lục lăng giành chiến thắng mà đỉnh điểm là cú đúp vào lưới Brazil trong trận chung kết lịch sử tại Stade de France. Với màn trình diễn không thể ấn tượng hơn tại World Cup 1998, Zinedine Zidane đã nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 1998 cùng QBV châu Âu 1998. Và nhắc tới cái tên Zidane, không ai có thể quên cú “thiết đầu công” vào ngực Materazzi đã được dựng tượng ở nhiều nơi.
Tiền vệ Bobby Charlton
Măm 1966 là thời khắc mà cả xứ sở sương mù phải nhắc đến tên của Charlton với 2 cú sút sấm sét tung lưới Bồ Đào Nha giúp ĐT Anh lọt vào chung kết World cup 1966 tổ chức tại Anh và sau đó đăng quang chức vô địch đầu tiên sau khi đánh bại ĐT Đức 4-2, đồng thời trở thành nước chủ nhà duy nhất đăng quang chức vô địch kể từ sau khi ĐT Italia làm được điều tương tự vào năm 1934. Sau World cup năm 1970, Charlton tuyên bố giã từ ĐTQG, ông đã chơi cho Tam sư tổng cộng 106 lần và ghi được 49 bàn thắng.
Tiền đạo Diego Maradona
Ra mắt ĐTQG ở tuổi 16, năm 1977, nhưng phải đến năm 1982, Maradona mới thật sự được xem là trụ cột. Maradona đá chính và chơi trọn vẹn cả 5 trận đấu tại World Cup 1982, nơi Argentina dừng chân ở vòng hai và không hoàn thành sứ mạng bảo vệ Cup vàng. World Cup 1986 mới thực sự chứng kiến sự bùng nổ của “Cậu bé vàng”, trận đấu giữa Argentina và Anh ghi dấu khoảnh khắc tai tiếng nhất sự nghiệp của Maradona khi anh dùng tay ghi bàn, bàn thắng sau này được gọi là "Bàn tay của Chúa". Tuy nhiên Maradona cũng để lại một tuyệt tác cho lịch sử với pha solo ghi bàn từ giữa sân, rồi sau đó đưa Albiceleste đến với chức vô địch.
Tiền đạo Pele
World Cup 1958, dù phải tới trận thứ ba của Brazil và cũng là trận cuối cùng vòng bảng gặp Liên Xô, Pele mới chơi trận đầu tiên của mình ở một VCK World Cup nhưng chính ông đã giúp Brazil thắng 2-0, với một đường chuyền bóng cho Vava ghi bàn thứ hai. Khi đó, Pele là cầu thủ trẻ nhất giải và cũng là cầu thủ trẻ nhất từng chơi ở World Cup. Sau đó ông còn gặt hái nhiều cột mốc khác và đưa Selecao giành ngôi VĐTG. World Cup 1970 tại Mexico cũng là giải đấu lớn cuối cùng mà Pele khoác áo ĐTQG và cũng là giải mà ông thể hiện vai trò lớn nhất trong thành công của đội bóng. Pele liên tục tỏa sáng để giúp Brazil đánh bại Italia với tỷ số 4-1 trong trận chung kết.
Tiền đạo Ronaldo
Ở vị trí tiền đạo, với nhiều người Ro béo mới là số 9 hay nhất trong lịch sử. “Người ngoài hành tinh” đã có có được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế: vô địch World Cup 1994 và World Cup 2002 cùng đội tuyển Brasil. Với 15 bàn thắng qua 3 kì World Cup, Ronaldo đang giữ kỉ lục ghi bàn tại đấu trường bóng đá lớn nhất này.
Dự bị: Gordon Banks, Dino Zoff - Fabio Cannavaro, Bobby Moore, Djalma Santos, Giancinto Fachetti - Jorge Burruchaga, Zico, Garrincha, Andres Iniesta - Gerd Muller, Just Fontaine, Giuseppe Meazza và còn rất nhiều gương mặt xuất sắc khác.
Video 15 bàn thắng của Ro béo ở World Cup:
Mời các bạn bình luận và lựa chọn đội hình cho riêng mình!