Đỗ Hùng Dũng và dấu chấm hết của thế hệ vàng Việt Nam?
Câu chuyện tranh cãi về mối quan hệ giữa Nguyễn Hoàng Đức và HLV Troussier khiến người hâm mộ quên mất một tiền vệ ngôi sao khác cũng bị gạch tên. Đó là Đỗ Hùng Dũng. Biểu tượng dưới thời HLV Park Hang-seo không còn chỗ đứng, giống như dấu chấm hết cho thế hệ vàng tuyển Việt Nam.
Nốt trầm của Hùng Dũng
Giới mộ điệu thích gọi đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là “thế hệ vàng” vì nhiều lý do. Đầu tiên, đây là thế hệ có nhiều ngôi sao trẻ trưởng thành cùng nhau và bắt đầu nổi lên từ ngôi á quân vòng chung kết U23 châu Á 2018. Thứ hai, những tài năng trẻ xuất chúng đó được bổ sung, hoàn thiện bằng những cựu binh xuất sắc như Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng… Cuối cùng đương nhiên là thành tích. Cho dù thích hay không, tất cả đều phải thừa nhận các đội tuyển Việt Nam thu về thành công lớn nhất lịch sử trong 5 năm gắn bó với HLV Park Hang-seo.
Đỗ Hùng Dũng mất vị trí ở tuyển Việt Nam trong âm thầm.
Trong giai đoạn vàng son này, Đỗ Hùng Dũng được xem là biểu tượng của bóng đá Việt Nam. Tiền vệ của Hà Nội FC nổi muộn, nhưng bền bỉ và đáng tin cậy. Các yếu tố này giúp Đỗ Hùng Dũng thường xuyên được HLV Park Hang-seo lựa chọn làm cầu thủ quá tuổi tham dự các giải đấu như SEA Games, Asiad… Đỉnh cao cho dấu ấn mà Đỗ Hùng Dũng để lại là Quả bóng vàng 2019.
Sau khi HLV Park Hang-seo rời ghế, HLV Troussier lên thay, Đỗ Hùng Dũng được xem là cầu thủ “chắc suất” nhất bởi lẽ từ lâu mọi người đều tin rằng anh là mẫu tiền vệ bất cứ HLV nào cũng cần. So sánh có phần khập khiễng, nhưng Đỗ Hùng Dũng khiến người ta liên tưởng đến NGolo Kante nhờ sự bền bỉ của mình.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi nhanh chóng sau khi Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương kinh hoàng vào đầu năm 2021. Sau pha vào bóng nguy hiểm của Ngô Hoàng Thịnh, ngôi sao của Hà Nội FC và đội tuyển Việt Nam gãy chân. Anh cần 1 năm hồi phục và không thể tìm lại đỉnh cao phong độ kể từ đó đến nay.
HLV Troussier đặt khá nhiều kỳ vọng vào Đỗ Hùng Dũng. Sau khi tiền vệ này vắng mặt trong đợt tập trung đầu tiên vào tháng 6/2023, HLV người Pháp tiếp tục trao cơ hội cho anh. Ông thậm chí chọn Đỗ Hùng Dũng làm đội trưởng và sử dụng anh trong cả 4 trận giao hữu ở tháng 9 và tháng 10, bao gồm trận đá tập kín mang đậm tính thử nghiệm với đội tuyển Uzbekistan ở Trung Quốc.
Đỗ Hùng Dũng đá chính 4 trận liên tiếp cho đội tuyển Việt Nam trước Palestine, Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc. Nhưng rồi giống như Nguyễn Hoàng Đức, anh phải ngồi dự bị cả 2 trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 vào tháng 11 vừa qua mà không được vào sân một phút nào.
Dấu chấm hết của thế hệ vàng
Nốt trầm của Đỗ Hùng Dũng đã xuất hiện từ lâu và người hâm mộ bóng đá Việt Nam dần quen với điều đó. Thực tế, tiền vệ 30 tuổi này cũng không còn vị trí bất khả xâm phạm tại Hà Nội FC như những năm trước. Đó là điều khá đáng buồn với ngôi sao nổi muộn như Đỗ Hùng Dũng, nhưng là một phần của thế giới bóng đá. Mọi cầu thủ, mọi đội bóng, mọi thế hệ đều có chu kỳ của riêng họ. Không ai có thể tỏa sáng và giành chiến thắng mãi mãi.
So với đội hình quen thuộc của HLV Park Hang-seo, còn rất ít người trụ lại dưới thời HLV Troussier. Trong những trận đấu vừa qua, chỉ còn Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Tiến Linh được sử dụng, nhưng bất cứ ai cũng có thể xoay vòng. Vị trí của Đặng Văn Lâm đang bị Filip Nguyễn đe dọa. Quế Ngọc Hải không còn vị thế cũ khi Bùi Hoàng Việt Anh, Thanh Bình hay Tuấn Tài nổi lên.
Tương tự như vậy, Vũ Văn Thanh, Tuấn Anh hay Tiến Linh đều chật vật giữ vị trí. Sẽ không có gì bất ngờ nếu họ thường xuyên phải ngồi ngoài trong năm 2024. Trong số này, Vũ Văn Thanh từng bị HLV Troussier gạch tên khỏi danh sách tập trung giống như Hồ Tấn Tài. Tuấn Anh có nhiều cơ hội hơn nhưng lại trở thành tâm điểm tranh cãi của người hâm mộ. Tiến Linh thậm chí còn tệ hơn khi trình diễn quá tồi mỗi khi được HLV Troussier đưa vào sân.
Những con người đó từng tạo nên đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào đến tứ kết Asian Cup 2019 và lọt vào vòng loại World Cup 2022 giai đoạn cuối cùng. Họ góp phần nâng tầm vị thế của tuyển Việt Nam trên bình diện châu lục và tạo ra những giấc mơ đẹp cho người yêu mến bóng đá nước nhà. Nhưng tất cả đã đến lúc từng bước, từng bước lùi lại phía sau như Đỗ Hùng Dũng, để nhường sân khấu cho thế hệ mới bước lên.
Đó là quy luật tất yếu của bóng đá, và cũng là lý do hợp lý để HLV Troussier yêu cầu nhiều thời gian hơn. Ông không chỉ nỗ lực thay đổi triết lý của một đội bóng, mà còn thực hiện luôn việc chuyển giao hai thế hệ vốn chưa bao giờ dễ dàng.
Hiểu lầm về danh sách sơ bộ 50 cầu thủ tham dự Asian Cup 2023 Gần đây, truyền thông đồn đoán và đưa ra nhiều bình luận trái chiều về danh sách sơ bộ 50 cầu thủ của tuyển Việt Nam tham dự Asian Cup 2023. Trong đó, có ý kiến cho rằng HLV Troussier quá phũ phàng khi gạch tên Nguyễn Công Phượng và một số ngôi sao quen thuộc khác cho dù triệu tập đến 50 cầu thủ chuẩn bị cho giải đấu tại Qatar. Đây là hiểu lầm rất tai hại. Danh sách sơ bộ 50 cầu thủ mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nộp cho Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không phải danh sách mà HLV Troussier sẽ triệu tập vào cuối năm nay. Bản chất của việc này là thủ tục bắt buộc tại Asian Cup 2023, khi các đội tuyển phải gửi danh sách sơ bộ cho AFC muộn nhất trước 1 tháng khi vòng chung kết khởi tranh. Ngày 12/12 vừa qua chính là hạn chót làm điều này. AFC cho phép các đội đăng ký tối đa 50 cầu thủ nhằm kiểm tra họ có đủ điều kiện thi đấu hay không. Đơn cử như trường hợp của Filip Nguyễn, thủ môn vừa nhập tịch Việt Nam nhưng từng được gọi lên đội tuyển Cộng hòa Séc trước đây. Về cơ bản, HLV Troussier và VFF sẽ không công bố danh sách sơ bộ nộp cho AFC. Thay vào đó, HLV người Pháp nhiều khả năng chỉ triệu tập 32 đến 35 cầu thủ tập trung chuẩn bị như thường lệ. Trong trường hợp có cầu thủ nào chấn thương và không thể tham dự giải, các cầu thủ ở danh sách sơ bộ mới được tính đến. |
Nguồn: [Link nguồn]
CLB bóng đá Thể Công Viettel vừa chính thức thông báo thay đổi vị trí “ghế nóng” ban huấn luyện, sau trận thua 0-2 trước CLB Hà Nội thuộc vòng 6 của V-League 2023/24 tối ngày...