Đỉnh cao thư hùng Man City - Real Madrid: Tham vọng ông lớn & cuộc chiến quyền lực
Hai trong số những CLB lớn nhất châu Âu thời điểm hiện tại, thật đáng buồn phải loại nhau ngay từ vòng play-off Champions League. Nhưng đây cũng là dịp để Man City và Real Madrid khẳng định, đội bóng nào có tham vọng lớn hơn?
Video Man City thua Real ở tứ kết cúp C1 lượt về năm ngoái:
![](https://icdn.24h.com.vn/images/2014/player_us_desktop.png)
Bản hợp đồng hụt & mối liên hệ giữa hai ông lớn
Ở thập kỷ trước, Real Madrid và Manchester City từng có một đồng minh chung trong một vài năm: Quỹ đầu tư tài sản khổng lồ Mubadala của Abu Dhabi. Quỹ này đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu euro để tài trợ cho lần cải tạo đầu tiên của sân Bernabeu, trước khi cả hai bên xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng.
Trong những năm qua, Man City (áo xanh nhạt) và Real Madrid thường xuyên gặp nhau
Cách đây 11 năm, Công ty Đầu tư Dầu mỏ Quốc tế (IPIC), một phần của Mubadala, đã đồng ý tài trợ cho lần đầu tiên cải tạo sân Bernabeu theo kế hoạch của ban lãnh đạo Real Madrid. Mubadala khi đó do Sheikh Mansour đứng đầu, giám đốc điều hành là một gương mặt quen thuộc khác, Khaldoon Al Mubarak. Hiện nay, Sheikh Mansour là chủ sở hữu của Man City, trong khi Khaldoon Al Mubarak đóng vai trò chủ tịch CLB.
Quỹ Mubadala mâu thuẫn với Real Madrid trầm trọng đến mức, nó chỉ có thể giải quyết bằng một phiên tòa diễn ra ở Paris năm 2023. Kết quả, Mubadala giành chiến thắng. Quỹ này lập luận thành công rằng, do tiến độ thi công bị trì hoãn và kế hoạch bị thay đổi, Real Madrid đã không thể thực hiện các điều kiện trong hợp đồng ban đầu.
Vào lúc 3h ngày 12/2 (giờ Hà Nội), Man City tiếp đón Real Madrid trong khuôn khổ lượt đi vòng play-off Champions League. Một trong hai gã khổng lồ châu Âu chắc chắn sẽ bị loại sớm, điều mà UEFA không hề mong muốn với thể thức mới của giải đấu.
Quan hệ giữa hai câu lạc bộ có thể đã rất khác nếu Real Madrid cải tạo Bernabeu bằng tiền từ Abu Dhabi. Khi đó, Real Madrid sẽ bước ra thảm cỏ Etihad với logo IPIC trên áo và một hợp đồng thương mại khổng lồ với một trong những quốc gia siêu giàu vùng Trung Đông.
Sau khi sửa sân Bernabeu, Real Madrid phải gánh khoản nợ khổng lồ
Real Madrid bất mãn với trật tự mới
Điểm chung giữa Man City và Real Madrid thời điểm hiện tại là mối quan hệ căng thẳng giữa họ với giải đấu quốc nội. Và hai CLB này sẵn sàng đánh sập những cơ quan quản lý muốn kiểm soát họ. Real và Man City, hai đội bóng đứng đầu về doanh thu hàng năm theo Deloitte, muốn tái cấu trúc bóng đá.
Cuối cùng, Real đã tự tìm nguồn tài trợ cho việc cải tạo sân vận động bằng hơn 1 tỷ euro nợ vay. Vào năm 2025, tâm trạng chung của câu lạc bộ mang cái mác đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha là sự bất mãn tột độ với cách các nhà quản lý bóng đá Tây Ban Nha đang làm.
Real Madrid từng là câu lạc bộ giàu nhất thế giới vào đầu những năm 2000, khi họ chi phối thị trường chuyển nhượng. Nhưng giờ đây, trong thế đối đầu với La Liga và UEFA, Real như kẻ nổi loạn của bóng đá châu Âu, kiên quyết không từ bỏ dự án Super League đầy tai tiếng.
Vị thế kẻ thống trị của Real Madrid đang lung lay
Ở Tây Ban Nha, mâu thuẫn giữa chủ tịch Florentino Pérez và người đứng đầu La Liga, Javier Tebas, kéo dài đến mức khó có thể liệt kê hết. Một vụ kiện tiềm tàng do Tebas khởi xướng chống lại Real tuần này hoàn toàn phù hợp với bầu không khí căng thẳng.
Vụ kiện đó là phản ứng trước cáo buộc của Real về tham nhũng trong giới trọng tài La Liga, dù đây thực ra chỉ là một trận chiến nữa trong cuộc chiến dài hơi giữa hai thế lực lớn của bóng đá xứ sở đấu bò. Chủ tịch La Liga - ông Javier Tebas công khai đối đầu với Florentino Perez và chủ tịch Barcelona, Joan Laporta, trong các vấn đề như phân phối doanh thu truyền hình và thỏa thuận với quỹ đầu tư tư nhân.
Trong khi đó, Man City vẫn đang cô độc trong cuộc chiến chống lại các quy định của Premier League. Lần này, cuộc tranh chấp pháp lý tập trung vào những sửa đổi được thông qua vào tháng 11/2024.
Động thái này diễn ra trong khi cả hai bên vẫn đang chờ phản hồi từ phiên điều trần liên quan đến 115 cáo buộc Man City vi phạm luật Công bằng tài chính. Các chuyên gia bóng đá Anh khẳng định, Man City sẽ không bao giờ dừng lại. Họ sẽ tiếp tục kiện tụng ban tổ chức Ngoại hạng Anh hết lần này đến lần khác.
Mô hình sở hữu của hai CLB đang bị đe dọa
Real Madrid có thể coi Man City là một phần của vấn đề. UEFA đã thất bại trong nỗ lực đưa ra lệnh trừng phạt tài chính với Man City vào năm 2020 là một đòn đau với đế chế bóng đá lâu đời nhất châu Âu. Các quan chức Real có lẽ cũng ngạc nhiên khi thấy Man City đạt mức doanh thu thương mại thường niên lên tới 407 triệu euro.
Ông Florentino Perez (77 tuổi) đã làm chủ tịch Real Madrid trong 22/25 năm qua. Ông trùm xây dựng của thành Madrid từng biến đội bóng này thành thế lực mạnh nhất trên thị trường chuyển nhượng châu Âu, nhưng thời kỳ đó đã qua.
Trong khi đó, sự thống trị của Real Madrid và Barcelona tại La Liga khiến giải đấu này kém hấp dẫn trong mắt các đài truyền hình so với Premier League. Điều đó đồng nghĩa với việc các câu lạc bộ ở Tây Ban Nha kiếm được ít hơn so với các CLB ở cùng hạng đấu tại Anh.
Man City từng hoàn tất cú ăn ba ở mùa giải 2022/23, điều mà Real Madrid cũng chưa từng làm được
Real đã xoay sở để duy trì các khoản vay ngày càng tăng, bao gồm cả việc bán trước doanh thu trong tương lai. Và để đảm bảo sức mạnh chuyên môn, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha tận dụng danh tiếng của mình để ký hợp đồng với các cầu thủ tự do hàng đầu thế giới cũng như những tài năng trẻ sáng giá. Nhưng rõ ràng đây không phải là chiến lược có thể kéo dài mãi mãi.
Với cả hai câu lạc bộ, mô hình sở hữu của họ đang bị đe dọa, đặc biệt là về tính hiệu quả. Đối với Man City, đó là hoàng gia Abu Dhabi. Các ông chủ dầu mỏ giàu có của Man City đã thay đổi bóng đá Anh theo cách chưa từng có ông chủ nào khác của các CLB Anh làm được, cả trên sân cỏ lẫn trong các cuộc chiến pháp lý nhằm thay đổi luật lệ Premier League.
Đối với Real Madrid, đó là cấu trúc thành viên 123 năm tuổi, vốn không cho phép bất kỳ khoản đầu tư tư nhân nào. Mô hình này có lợi thế riêng. Florentino Perez là một người rất giàu có nhưng tất cả những gì ông phải trả để trở thành người đứng đầu CLB danh giá nhất thế giới chỉ là khoản phí thành viên hàng năm như mọi thành viên khác.
Tuy nhiên, tương lai của Real Madrid đang chuyển biến theo hướng một dạng tư nhân hóa một phần. Vấn đề là mô hình đó sẽ vận hành như thế nào theo luật Tây Ban Nha, liên quan đến thuế và nhiều vấn đề phức tạp khác.
Không có hồi kết cho cuộc chiến quyền lực
Cả hai câu lạc bộ khổng lồ này vẫn tiếp tục hoạt động gần như bên ngoài sự kiểm soát của các giải đấu đã đưa họ lên đỉnh cao toàn cầu. Cả hai đều đối đầu với giải đấu quốc nội của mình. Cả hai đều từng chiến đấu với UEFA.
Nhưng 2 trận đi và về play-off Champions League có thể chưa phải là lần cuối họ đối đầu nhau trong mùa giải 2024/25. Giải FIFA Club World Cup sẽ diễn ra vào tháng 6. Nếu cả hai đội đứng đầu bảng, họ sẽ vào hai nhánh khác nhau ở vòng knock-out và có thể gặp nhau ở trận chung kết ngày 13/7. FIFA dường như là tổ chức duy nhất cả Real Madrid lẫn Man City không công khai mâu thuẫn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Những ngôi sao của Man City và Real Madrid tạo nên siêu đội hình kết hợp với giá trị khủng khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Nguồn: [Link nguồn]
-11/02/2025 07:12 AM (GMT+7)