Địa chấn EURO 2016: Chung kết xứ Wales – Iceland
Năm 2016 đã có khá nhiều sự kiện "không tưởng" diễn ra cả trong bóng đá lẫn các lĩnh vực khác, vậy có lẽ một trận chung kết xứ Wales - Iceland ở Euro cũng có thể xảy ra?
Cristiano Ronaldo có lẽ đã đúng 100%. Iceland đúng là có tư tưởng của một đội bóng cò con, ăn mừng một trận hòa trước Bồ Đào Nha ở vòng bảng. Ronaldo đã biết định mệnh sẽ đưa Iceland vào chung kết trước khi bất kỳ ai trên thế giới này có thể đoán được.
Iceland đang gây chấn động Euro 2016
Đội bóng Băng Đảo là một ví dụ điển hình của sự tiến bộ theo từng trận đấu hay xuất hiện ở một số đội tuyển thành công ở Euro hay World Cup. Họ khởi đầu không có tham vọng, chỉ mong đi tiếp là đủ, nhưng đến trận thứ 3 của vòng bảng, họ trở nên quá sắc bén trong phản công và là một đội bóng tận dụng cơ hội hàng đầu của giải đấu.
Thậm chí cả khi không phản công, họ cũng có những vũ khí lợi hại để ghi bàn vào lưới đối phương. Những cú ném biên “quái vật” của Aron Gunnarsson là một ví dụ, và có lẽ các tuyển thủ Anh cũng không ngờ rằng họ vừa bị hại bởi một cú ném biên đến từ một cầu thủ đã 8 năm chơi bóng ở nước họ.
Có lẽ chúng ta phải có một sự nhìn nhận hợp lý hơn về những đội bóng như kiểu Iceland. Họ không được báo giới đánh giá cao chỉ vì là những đội tập trung vào phòng thủ trước tiên, rằng họ không xứng đáng được xuất hiện trong những clip highlight đầy những bàn thắng. Nhưng đã rất nhiều lần chúng ta được thấy những đội bóng như vậy đánh bại những đối thủ hùng mạnh hơn gấp nhiều lần.
Những người Italia hẳn đã được chứng kiến những điều đó nhiều lần, và Italia là một ví dụ đặc biệt khi họ được xem là đội tuyển mạnh nhất trong số những đội theo trường phái phòng ngự. Italia có thể đánh bại những đội tuyển mạnh nhất với chiến thuật đó, vậy tại sao Iceland không thể làm được chỉ vì chúng ta nghĩ họ là đội tuyển “yếu”?
Xứ Wales lọt vào bán kết Euro nhờ lối chơi phòng ngự
Trên thực tế, đã có một đội bóng lọt vào bán kết Euro năm nay với trường phái phòng ngự. Đừng nhìn vào những cái tên quen thuộc như Gareth Bale hay Aaron Ramsey mà nghĩ rằng xứ Wales chơi tấn công như Real Madrid hay Arsenal, họ chính là một đội bóng phòng ngự phản công. Trong 24 đội dự Euro năm nay, xứ Wales đứng thứ 15 về tỷ lệ kiểm soát bóng, trung bình 47.3% mỗi trận. Tỷ lệ đó đúng bằng tỷ lệ của Italia.
Nếu xứ Wales cứ tiếp tục chơi với sự đoàn kết tập thể và vững chãi tuyến sau, họ hoàn toàn có thể quật ngã Bồ Đào Nha để làm nên lịch sử với trận chung kết Euro đầu tiên. Họ đã chứng minh đủ mọi thứ ở giải đấu này, trong đó có chiến thắng mới nhất trước Bỉ trong thế bị dẫn bàn trước.
Vậy thì Iceland cũng có thể làm nên lịch sử trước ĐT Pháp giống như họ vừa gây sốc với ĐT Anh. Pháp có đủ mọi lợi thế, từ tài năng cá nhân cầu thủ cho đến số ngày nghỉ, nhưng từ đầu giải họ vẫn có lúc cho thấy sự bối rối trong tổ chức và chỉ được cứu bởi những khoảnh khắc cá nhân từ Dimitri Payet và Antoine Griezmann.
Xứ Wales và Iceland lúc này là hai tập thể bao gồm những chiến binh chơi bóng bằng trái tim và có một kế hoạch rõ ràng trên sân. Họ đang tự tin hơn bao giờ hết vào khả năng của mình và sẽ chẳng có gì để lo lắng nếu thất bại. Không phải chịu một sức ép nào, đó là thứ đang thúc đẩy xứ Wales & Iceland tiến mạnh mẽ tới một chức vô địch.
Trong một năm mà Jamie Vardy lập kỷ lục, Leicester vô địch Premier League, Chile hại đời Messi, Anh Quốc bỏ phiếu rút khỏi EU và Donald Trump bỗng trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ, một trận chung kết xứ Wales – Iceland ở Euro 2016 sẽ không phải điều không tưởng.
Nhìn lại trận đấu xứ Wales - Bỉ (bản quyền VTV)