Đi tìm ngựa ô World Cup 2014
Trong số 32 đội bóng dự World Cup 2014, những “đại gia” như Brasil, Argentina, Đức, Italia, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp sẽ là ứng viên cho ngôi vô địch. Tuy nhiên, Thụy Sĩ, Croatia, Chile, Bỉ, Colombia, Bờ Biển Ngà, Cameroon... đang được kỳ vọng sẽ làm nên những bất ngờ thú vị ở giải năm nay.
Sẽ có bất ngờ
Trong số các đội sẵn sàng đóng vai ngựa ô, Chile dù sở hữu nhiều hảo thủ như: Alexis Sanchez, Aturo Vidal, Matias Fernandez hay Gary Medel nhưng khả năng vượt qua vòng bảng là không lớn khi phải đối đầu với Tây Ban Nha và Hà Lan. Tương tự là Mỹ và Ghana ở bảng G khi phải đối đầu với hai đội bóng có lực lượng mạnh hơn hẳn là Đức và Bồ Đào Nha.
Ba đội Croatia, Cameroon và Mexico đều có khả năng giành một vé vào vòng 1/8 ở bảng A (một vé gần như chắc chắn thuộc về Brasil). Tuy nhiên, cơ hội lọt vào vòng tứ kết của ba đội này gần như bằng không khi đối thủ tiếp theo là Tây Ban Nha hoặc Hà Lan, hai ứng viên cho ngôi vô địch.
Ở bảng C, cơ hội chia đều cho Colombia, Hy Lạp, Bờ Biển Ngà và Nhật Bản nhưng nhiều khả năng Colombia và Bờ Biển Ngà với lực lượng trội hơn sẽ giành vé vào vòng knock-out. Thế nhưng, khi đụng độ một trong 3 cái tên Anh, Italia hoặc Uruguay của bảng D, cả Colombia và Bờ Biển Ngà đều có nguy cơ ra về.
Tiền vệ Eden Hazard của đội tuyển Bỉ
Trong khi đó, với thực lực của mình, nếu Thụy Sỹ có thể giành ngôi nhất bảng E để tránh Argentina ở vòng 1/8 thì cơ hội tiến sâu của đội bóng xứ đồng hồ khá cao khi đối thủ chỉ là một trong 3 cái tên Bosnia, Nigeria hoặc Iran. Dẫu vậy, hành trình của Thụy Sỹ cũng khó vượt qua được tứ kết bởi đối thủ nhiều khả năng là ĐT Đức.
Cái tên cuối cùng và cũng là cái tên nhận được nhiều kỳ vọng nhất là ĐT Bỉ. Ở World Cup lần này, Hazard và đồng đội rơi vào một bảng đấu khá nhẹ với Nga, Algeria và Hàn Quốc. Nếu không có quá nhiều bất ngờ, Bỉ sẽ giành ngôi đầu bảng H và nhiều khả năng sẽ đối đầu với Bồ Đào Nha ở vòng 1/8.
Xét về thực lực, Bỉ thậm chí còn có phần nhỉnh hơn đội bóng đến từ bán đảo Iberia khi sở hữu nhiều ngôi sao trải đều từ vị trí thủ môn đến tiền đạo như Thibaut Courtois, Romelu Lukaku, Kevin de Bruyne, Kompany, Feillaini, Hazard, Thomas Vermaelen, Axel Witsel. Nếu chơi đúng sức, Bỉ hoàn toàn có thể đánh bại Bồ Đào Nha để giành quyền vào tứ kết.
Thử thách thật sự chỉ đến với thầy trò HLV Marc Wilmots ở tứ kết khi đối thủ có thể là Argentina. So với Bỉ, Argentina được đánh giá cao hơn rất nhiều ở kinh nghiệm chinh chiến và cũng đang sở hữu đội hình thuộc dạng khủng với những cái tên như: Messi, Higuain, Aguero, Mascherano, Di Maria hay Gago. Chính bởi vậy, Bỉ khó lòng có thể vượt qua đội bóng Nam Mỹ để viết tiếp câu chuyện cổ tích
Chân lý thuộc về kẻ mạnh
Ngày nay, bóng đá chịu sự chi phối rất lớn của chiến thuật và sự toan tính. Đội giành chiến thắng phải là đội bóng được tổ chức tốt bên cạnh một lực lượng đủ mạnh để thực hiện các ý đồ chiến thuật nếu không đội bóng đó phải sở hữu nhiều "ngôi sao" có thể xoay chuyển cục diện trận đấu. Điển hình như tại Euro 2004, Hy Lạp lên ngôi với lối chơi phòng ngự phản công trứ danh. Tiếp đó, World Cup 2006 chứng kiến một Italia với lối chơi chặt chẽ đã lần lượt vượt qua các đội bóng lớn để giành ngôi cao nhất. Ở Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012, Tây Ban Nha hoàn toàn thống trị với đội hình nhiều hảo thủ và miếng đánh tiki-taca “huyền thoại”.
Dựa vào các yếu tố như lực lượng, lối chơi hay bản lĩnh, nhiều khả năng chức vô địch World Cup 2014 sẽ chỉ là sự tranh chấp của nhóm “tứ đại gia” Brasil, Tây Ban Nha, Đức và Argentina.
Trong số này, Brasil được đánh giá cao nhất khi vừa có lợi thế sân nhà lại vừa sở hữu một đội hình giàu chất lượng và đồng đều ở cả ba tuyến. Argentina cũng rất đáng gờm với hàng công thuộc loại khủng nhất giải gồm: Messi, Aguero, Higuain và Lavezzi. Hai đội bóng này còn được lịch sử ủng hộ bởi mỗi lần World Cup tổ chức ở Châu Mỹ thì sẽ có một đội bóng Nam Mỹ lên ngôi.
Tây Ban Nha và Đức sẽ đại diện cho châu Âu trở thành hai đối trọng của “cặp đôi Nam Mỹ”. Nếu như Tây Ban Nha được đánh giá cao nhờ lối chơi tiki-taca cộng với một đội hình nhiều hảo thủ thì điểm mạnh của người Đức lại là sự bùng nổ và đoàn kết trong lối chơi. Dưới trướng HLV Joachim Low không có ngôi sao nào khác ngoài tập thể và tất cả mọi cầu thủ khi ra sân đều hướng về chiến thắng cho đội nhà.