Đi tìm giá trị thật!
Đã có lần tôi hỏi những nhà điều hành bóng đá đâu là giá trị thật của bóng đá Việt Nam ngoài những hình ảnh hô hào, tô bóng cho giải đấu được tự phong là số 1 Đông Nam Á thì không ai trả lời mà còn tỏ vẻ khó chịu.
Cũng có lần tôi hỏi những nhà tài trợ vì sao các anh “chung thủy” với bóng đá Việt Nam kể cả khi bị “người tình” của mình phụ bạc thì nghe được lời tâm sự họ đến với bóng đá vì mối quan hệ nhiều hơn là quảng bá.
Hồi bầu Kiên còn điều hành VPF, ông bầu này từng vẽ ra một tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam như truyền hình giành nhau mua bản quyền, các nhà bảo trợ bóng đá bỏ tiền cho V-League, cho hạng Nhất và Cúp Quốc gia rồi họ được hưởng lợi từ giá trị của thương hiệu các giải đấu trên. Bầu Kiên khi ấy còn khẳng định sẽ có tiền cho các CLB và bóng đá sẽ nuôi được mình, thậm chí là còn kiếm lời nhiều như những công ty thành đạt…
Cũng cần mở ngoặc thời điểm bầu Kiên tính toán như thế khi “quyền lực” đang trong tay ông và rất nhiều doanh nghiệp “vây” lấy ông khiến việc quyết của ông cho VPF và cho bóng đá Việt Nam được “tiền hô, hậu ủng”.
V-League 2013 kết thúc sau nhiều biến cố
Bây giờ thì nhiều người không dám định giá giá trị thật của bóng đá Việt Nam dù hằng năm cả ngàn tỉ đồng vẫn được ném qua cửa sổ nhưng mặt bằng đội tuyển và đội U-23 vẫn rất thấp. Nhiều cầu thủ được gọi lên tuyển lại là người mài đũng quần trên ghế dự bị trong khi phần bóng đá trẻ thì bị xem nhẹ. Thậm chí là nhiều CLB bỏ qua khâu đào tạo trẻ mà chỉ chăm chăm đi bắt quân.
Giá trị của bóng đá Việt Nam bị nhiều người từ chối định giá khi nó được thể hiện qua hình ảnh một vua phá lưới từ chối khát khao lên ngôi vua lẫn cơ hội vô địch của đội nhà để chạy qua ngồi dự bị cho một CLB Nhật thế mà suốt ngày các trang thông tin cứ ra rả chuyện sắp được ra sân đến chuyện được tặng quà kèm theo việc quảng bá cái tên gắn với thương hiệu bia.
Cần phải xác định không phải cứ ra nước ngoài và lãnh nhiều tiền là cơ hội của cầu thủ. Điều đó cũng giống với việc tìm giá trị thật của bóng đá Việt Nam cứ được thổi phồng bởi những giá trị ảo.
Nhân nói về giá trị của bóng đá Việt Nam, cũng cần nhắc lại phương châm làm bóng đá của người Thái đó là CLB vì người hâm mộ và người hâm mộ hết lòng cho CLB.
Ở ta cứ nhìn cảnh Hà Nội T&T đăng quang trong ngày nhận cúp mà sân bóng dù mở cửa tự do vẫn thiếu khán giả trong khi ở TP.HCM bóng không lăn nhưng người hâm mộ vẫn vô cảm.
Hãy để người hâm mộ thẩm định giá trị thật của bóng đá Việt Nam…