Dạy ‘vua’ cách ứng xử
Trọng tài được gọi là vua sân cỏ tức người có quyền hành cao nhất nhưng quyền cao không có nghĩa là được phép chỉ mặt cầu thủ mắng và chửi tục như nhiều đội bóng từng phản ánh.
Vòng 18 trên sân Bình Dương trận đấu rất căng vào những phút cuối trận. Đỉnh điểm là khi trợ lý Lê Ngọc Ân căng cờ báo từ chối cho SHB Đà Nẵng được hưởng quả phạt góc ở phút 90+3. Trong lúc các cầu thủ dự bị ở khu kỹ thuật SHB Đà Nẵng phản ứng thì trọng tài thứ tư Nguyễn Hiền Triết đi đến khu kỹ thuật chỉ mặt từng cầu thủ dự bị của SHB Đà Nẵng cảnh cáo…
Khoan nói cách phản ứng của các cầu thủ dự bị SHB Đà Nẵng đúng hay sai nhưng hành động chỉ mặt từng cầu thủ là cách hành xử không đúng chuẩn mực của vua sân cỏ. Nó đi ngược với các ông vua sân cỏ trên thế giới là luôn tỏ thái độ ôn tồn, nhẹ nhàng để hạ hỏa những cái đầu nóng.
Thậm chí là trong những khóa dạy trọng tài, người ta vẫn thường nhắc nhở đến hành động của “vua” trong trường hợp đấy là nhắc nhở các cầu thủ hãy bình tĩnh như lắc bàn tay (ra dấu đừng làm như thế nữa) hoặc úp hai lòng bàn tay xuống và vỗ nhẹ (ra dấu hãy bình tĩnh và trật tự ngồi xuống).
Rất ít trọng tài thể hiện được sự mềm mỏng trong ứng xử nhưng vẫn giữ được cái uy của “vua” như Hoàng Ngọc Tuấn và Võ Minh Trí. Ảnh: XUÂN HUY
Hành động chỉ mặt từng cầu thủ đe dọa là một trong những cung cách không đẹp và gây phản cảm thường thấy ở vua sân cỏ. Chính chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng nhiều lần than phiền về thái độ của nhiều ông “vua” đối với cầu thủ: “Tại sao nhiều trọng tài của ta cứ ứng xử theo kiểu chợ búa như dùng lời lẽ mày, tao hoặc chửi tục rất thô thiển và nghĩ như thế thì cầu thủ mới sợ mình. Tiếc là chúng tôi đã góp ý nhiều lần nhưng những người có trách nhiệm cứ để cho nhiều trọng tài ứng xử như thế…”.
Trường hợp trên cứ cho là một số cầu thủ dự bị của SHB Đà Nẵng bất bình và phản ứng thái quá về một tình huống nhưng có cần phải làm căng thêm bằng hành vi chỉ mặt từng cầu thủ nói nặng lời hay không? Không khó với những động tác rất cơ bản trong phương pháp trọng tài để các cầu thủ biết mình sai và không tái phạm.
Cách ứng xử kiểu đấy hay chuyện lớn tiếng chửi thề và đe dọa các cầu thủ càng làm căng thêm và chẳng khác gì đổ dầu vào lửa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, cựu trọng tài Phạm Liệu từng chia sẻ như sau: “Nếu nói hành xử theo kiểu như giang hồ ở ngoài đời thì không ai rắn mặt như tôi nhưng trong nghề trọng tài mình cần phải tỉnh và “nguội” hơn tất cả mọi người trên sân. Không tỉnh thì không thể hạ hỏa được biết bao cái đầu nóng trong sân rồi nhanh chóng lan tỏa ra khu kỹ thuật và lây lên khán đài.
Cầu thủ nóng và sai, sang đến lãnh đạo đội bóng cũng thế thì mình xử bằng luật nhưng song song đó phải có cả nghệ thuật làm “nguội” họ và giúp họ tỉnh ra. Đấy là nghệ thuật, là phương pháp trọng tài mà người làm chủ được trận đấu không phải là người dám đôi co, chửi hay chỉ mặt cầu thủ mà dằn mặt nhưng phải là người biết hạ hỏa cầu thủ và cho họ thấy cái sai của mình…”.
Rõ ràng là “vua” của ta cần phải học nhiều về phương pháp ứng xử thay vì thể hiện mình là “vua” thì muốn làm gì thì làm.