Dạy cầu thủ Việt chơi bóng: Chờ VAR thì má đã sưng
Công nghệ VAR để hỗ trợ trọng tài cực kỳ đắt đỏ, và chỉ nhờ vào nó cũng không làm tuyển thủ Việt Nam tiến bộ.
Những quyết định gây tranh cãi của trọng tài trong trận Oman - Việt Nam (bản quyền FPT)
Những quả penalty đến sau những pha phạm lỗi thô thiển ở trận thua Oman đã làm nảy sinh một số ý kiến cần phải sử dụng VAR ở V-League để dạy cho các cầu thủ những bài học, và qua đó không còn trả giá khi khoác áo đội tuyển đá giải quốc tế.
ĐT Việt Nam bị khá nhiều quả penalty do các quyết định của tổ VAR
Nhưng VAR không sinh ra để giáo dục các cầu thủ, và nếu chỉ để phục vụ mục đích đó thì quá đắt đỏ và cũng không chắc sẽ hiệu quả.
VAR từ lúc thử nghiệm cho tới khi vận hành chính thức, và trở thành một phần tất yếu của các giải quốc tế hay giải đấu tầm cỡ, là để hỗ trợ cho các trọng tài.
Chính bởi vậy mà cách nay mấy năm, V-League đã từng dự tính sử dụng công nghệ VAR để xử lý vấn nạn trọng tài làm sai lệch kết quả ở V-League.
V-League từng sang Thái để học hỏi, nhưng sau đó gác lại kế hoạch này. FIFA đã khẳng định với BĐVN là chỉ có các hãng được FIFA cho phép mới có thể cung cấp dịch vụ VAR.
Và VAR không chỉ là việc kê mấy cái màn hình để trọng tài xem lại tình huống mà còn kèm theo nhiều công nghệ hỗ trợ khác như thêm camera để có đủ góc nhìn, các công cụ để căn chỉnh đo đạc, và hơn hết là theo chuẩn của FIFA.
Dự toán VAR cho giải Brazil lên tới 6,2 triệu USD. Chi phí thực tế cho một giải như K-League (Hàn Quốc) tiết kiệm hơn là 1 triệu USD.
Công nghệ trong bóng đá là trò chơi đắt đỏ. Như để xác định quả bóng qua vạch vôi hay chưa (Goal-line) cũng ngốn của mỗi CLB Anh 100.000 bảng/mùa, hay ở Úc là 500.000 đô Úc/sân.
Tốn hàng chục tỉ đồng để các cầu thủ làm quen với VAR như thế liệu có xứng đáng khi V-League tài trợ cả mùa chỉ được 30-50 tỉ đồng, và như đã nói, nó sinh ra để đảm bảo tính chính xác cho công tác trọng tài, và hơn hết quyết định thế nào còn nằm ở chất lượng của các vị vua sân cỏ.
VAR hiện vẫn chưa được áp dụng tại các giải đấu bóng đá Việt Nam
Thật ngạc nhiên là trong số ý kiến đòi hỏi có VAR cho bóng đá Việt Nam lại có cả các cựu trọng tài, một lực lượng phải chịu trách nhiệm vì đã dung túng nhiều thói xấu của các cầu thủ từ đá thô bạo, triệt hạ cho tới những tiểu xảo vặt vãnh.
Nhưng bất ngờ chưa hết. Quế Ngọc Hải chưa từng nhận thẻ đỏ khi khoác áo ĐTQG, và trong số 7 quả penalty qua 8 trận gần đây của đội tuyển cũng chỉ có một quả là do Hải, nhưng lỗi là do đá xấu (thua Saudi Arabia 1-3).
Đội tuyển đá 8 trận gần đây nhận 7 quả penalty là hoàn toàn trái ngược so với việc đội U23 và ĐTQG đá 4 giải chính (U23 châu Á, Asian Cup, Asian Games và AFF Cup) với hơn 20 trận đấu nhưng chỉ nhận 3 quả penalty.
Tỉ lệ 7 quả penalty sau 8 trận, lại có 4 quả chỉ sau 4 trận ở Vòng loại thứ 3 World Cup, phải chăng đã cho chúng ta thấy tận cùng nguyên nhân còn là sự khác biệt trình độ, áp lực phòng ngự lớn hơn và sau đó là ý thức kỷ luật đấu pháp đã phần nào đó bị mai một khi chúng ta trở nên tuyệt vọng hơn trong việc để lại dấu ấn ở cuộc chơi này, bên cạnh lý do bản năng, thói xấu trỗi dậy?
Tôi chưa tìm thấy lý do nào thích hợp nữa cả!
ĐT Việt Nam đã phải chịu tổng cộng 4 quả phạt đền sau 4 lượt trận vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Nguồn: [Link nguồn]