Đau đáu tham vọng xuất ngoại của bóng đá Việt Nam
Sự rụt rè của cầu thủ, sự ảo tưởng của nhiều CLB Việt Nam đã và đang ngăn cản giấc mơ xuất ngoại của bóng đá nước nhà.
Tương phản hình ảnh Chanathip, Quang Hải và Hoàng Đức
Cách đây ít ngày, Chanathip Songkrasin – cầu thủ giành danh hiệu xuất sắc nhất AFF Cup 2020 đã cập bến Kawasaki Frontale. Hành trình từ Consadole Sapporo – một đội bóng hạng trung ở Nhật bản đến Kawasaki Frontale, nhà đương kim vô địch J.League kéo dài gần 5 năm. Suốt thời gian ấy, Chanathip không chỉ ra sân thường xuyên mà từng bước trở thành chủ lực của Consadole Sapporo.
Màn trình diễn ấn tượng tại J.League 1 đã thuyết phục Kawasaki chi ra hơn 3 triệu euro để đưa Chanathip về với đội bóng của mình. Thậm chí, ở đội bóng mới, Chanathip còn nhận mức lương gấp 2,5 lần so với Consadole Sapporo.
Chanathip ngày càng bỏ xa Quang Hải về lộ trình thành công trong sự nghiệp.
Với 44 tỷ đồng trong vòng 3 năm chơi cho Kawasaki vào thời gian tới, Chanathip trở thành cầu thủ được hưởng lương cao nhất tại Đông Nam Á trong lịch sử. Vừa có danh vọng, vừa có tiền tài, Chanathip ngày càng trở thành hình mẫu mà mọi cầu thủ trong khu vực ao ước, đặc biệt ở khía cạnh xuất ngoại.
Tương phản cho hình ảnh Chanathip thành công ở nước ngoài là hình bóng rụt rè của hai tài năng xuất chúng ở bóng đá Việt Nam. Đấy là Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Hoàng Đức. Thực tế, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Thái Lan, chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào những chuyến xuất ngoại của các nhân tài nổi bật của bóng đá nước nhà.
Với Hoàng Đức, màn trình diễn ấn tượng trong năm 2021 đã giúp anh nhận được rất nhiều lời đề nghị lớn, đặc biệt trong đó đến từ sự nghiêm túc của Pathum United. Nhà vô địch Thái Lan đã 5 lần 7 lượt đưa ra những đề nghị khác nhau nhằm thuyết phục Viettel cho Hoàng Đức sang chơi bóng. Nhưng chung cuộc, mọi thứ đều kết thúc bằng cái lắc đầu đầy lạnh lùng đến từ đội bóng nhà binh.
Ngoài Hoàng Đức, cái tên tiếp theo được đề cập tới là Quang Hải. Không phải đến thời điểm này, tiền vệ của Hà Nội FC mới được kỳ vọng sang nước ngoài chơi bóng. Bởi vốn dĩ tư duy chơi bóng hiện đại cùng kỹ thuật vượt tầm Việt Nam đến từ Quang Hải khiến giới chuyên môn cho đến người hâm mộ đều mong mỏi anh sẽ sang nước ngoài chơi bóng, giống như Chanathip Songkrasin, ngôi sao hàng đầu bóng đá Đông Nam Á đã và đang có được tại Nhật Bản.
Nhưng trong khi Chanathip vững bước tiến tới Kawasaki Frontale như đã nói kể trên thì Quang Hải dường như sẽ tiếp tục yên lòng ở Hà Nội FC cũng trong 3 năm tới, khi tổng tiền lương và lót tay của cầu thủ này mà Hà Nội FC sẵn sàng chi trả cũng lên đến gần 30 tỷ đồng. Đó có thể xem là một sự hụt hẫng với những người hâm mộ chờ đợi một cú hích lớn cho bóng đá Việt Nam, khi những đại diện ưu tú của nền bóng đá này vẫn rụt rè xuất ngoại.
Thương vụ Văn Thanh sang Hàn Quốc cũng vào bế tắc
Câu chuyện xuất ngoại của các ngôi sao bóng đá Việt Nam có thể sẽ như một trào lưu trên mạng xã hội, tức là sớm nở nhưng cũng chóng tàn. Sau Hoàng Đức, Quang Hải, đến lượt Văn Thanh nhận tin đồn rục rịch sang Hàn Quốc chơi bóng. Cụ thể như báo giới đưa tin, cách đây 10 ngày, CLB Daejeon, đội bóng hạng 2 của Hàn Quốc rất muốn chiêu mộ Văn Thanh. Nhưng suốt thời gian sau đó, không một thông tin nào đề cập đến việc Văn Thanh xuất ngoại.
Vụ việc này gợi nên một câu chuyện chuyển nhượng nước ngoài cũng liên quan đến Văn Thanh cách đây 5 năm trước. Khi đó vào năm 2017, Văn Thanh được nhà môi giới Jernel Kamensek liên hệ và sẵn sàng đưa anh sang Serbia chơi bóng. Ông Kamensek kể lại bản thân mình đã nỗ lực thuyết phục HAGL để đồng ý cho Văn Thanh sang chơi bóng ở giải VĐQG Serbia. Nhà môi giới này kể lại rằng: “Văn Thanh khi đó đã sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn trong sự nghiệp. Anh ấy có thể thi đấu ở một môi trường chuyên nghiệp cao tại châu Âu.
Hơn nữa, bóng đá Việt Nam cũng cần một cú hích mang tính bước ngoặt để vươn ra thế giới thay vì chỉ quẩn quanh trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên HAGL lại không đồng ý. Họ bị bất ngờ trước đề nghị này. Một phần đến từ việc Văn Thanh đang cùng U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 2017, giải đấu mà Việt Nam kỳ vọng giành Huy chương Vàng đại hội nhưng sau cùng thất bại. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về công tác quản lý, điều hành bóng đá chuyên nghiệp cũng là nguyên nhân khiến sự bất thành”.
Ông Kamensek khi đó cũng chỉ ra rằng một nguyên nhân nữa khiến cho thương vụ này bất thành nằm ở chính Văn Thanh. Hậu vệ người Hải Dương đã không có sự quyết đoán giữa việc đi hay ở. Và sau cùng, dù ông Kamensek đã mua vé sang Serbia, sẵn sàng đảm bảo lời hứa về việc Văn Thanh sẽ được đá chính thay vì chỉ ngồi trên băng ghế dự bị hay dừng lại ở một bản hợp đồng thương mại tại giải VĐQG này thì hậu vệ đa năng người Hải Dương vẫn từ chối.
Suy cho cùng, sự rụt rè của cầu thủ, sự ảo tưởng của nhiều CLB Việt Nam đã và đang ngăn cản giấc mơ xuất ngoại của bóng đá nước nhà. Không phủ nhận, tiềm năng của nhiều cầu thủ Việt Nam là rất lớn. Nhưng nếu như nó thiếu đi bước nhảy vọt mang tính cách mạng, bị thu hẹp cơ hội thử sức mình ở những nền bóng đá có trình độ cao hơn thì tự bản thân tiềm năng ấy sẽ chỉ giới hạn trong khuôn khổ V.League hay hạng Nhất, thay vì bay cao và vươn xa.
Nhiều cầu thủ Việt Nam từ chối ra nước ngoài Trước Hoàng Đức, Văn Thanh hay Quang Hải, nhiều trường hợp cũng đã từ chối cơ hội xuất ngoại. Có thể kể đến trường hợp của Nguyễn Trọng Hoàng. Năm 2010, nhà môi giới Jernel Kamensek sang SLNA và đã đề nghị anh sang châu Âu chơi bóng. Nhưng Trọng Hoàng từ chối vì lý do muốn ở gần gia đình. Đầu năm 2020, một trường hợp khác là trung vệ Lục Xuân Hưng cũng không sang Thái Lan chơi bóng. Mặc dù cầu thủ này khá ưng thuận đề nghị gồm lương 8.000 USD/tháng kèm lót tay 25.000 USD từ phía Trat FC nhưng Thanh Hoá - đội bóng chủ quản của Xuân Hưng khi ấy đã không đồng ý “nhả” người. Một trung vệ khác là Quế Ngọc Hải cũng được Johor Darul Tazim, đội bóng giàu có và mạnh nhất Malaysia quan tâm. Thế nhưng Ngọc Hải đã khước từ đề nghị của Johor và quyết định trở về SLNA để được ở gần với gia đình của mình. Một đội bóng khác của Malaysia là Terengganu cũng từng tiếp cận tiền vệ Tô Văn Vũ. CLB này sẵn sàng trả 10.000 USD/tháng cho Văn Vũ. Nhưng thương vụ này sau cùng không thành công. Một phần vì Văn Vũ từ chối. Một phần nữa là B.Bình Dương đòi hỏi quá cao về phí chuyển nhượng khiến Terengganu không đáp ứng được. |
Nguồn: [Link nguồn]
Văn Toàn và Tiến Linh không kịp góp mặt trong danh sách 24 cầu thủ sang Australia thi đấu vòng loại World Cup.