Dấu ấn thầy ngoại
Được dẫn dắt bởi 2 HLV ngoại “ăn cơm Việt” từ 6 năm qua, 2 đội tuyển nam U19 và đội tuyển nữ quốc gia đang đưa người hâm mộ đi đến những cảm xúc khó quên ở Giải Vô địch Đông Nam Á.
Đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xưa nay chuộng HLV ngoại và cũng thường thay HLV. Duy nhất chuyên gia người Pháp Guillaume Graechen lặng lẽ làm công tác đào tạo trẻ tại Học viện Arsenal-HAGL JMG là vẫn giữ được sự tin cậy nơi ông bầu khó tính Đoàn Nguyên Đức. Rời quê nhà tận nước Pháp xa xôi, Graechen đặt chân lên vùng cao nguyên Gia Lai ngay từ buổi đầu khánh thành học viện năm 2007 và gắn bó đến bây giờ. Chỉ riêng khoảng thời gian ấy cũng đủ để ghi nhận sự kiên trì, lòng đam mê và tinh thần trách nhiệm cao độ của ông thầy trẻ này.
Lấy vợ Việt, nói tiếng Việt sõi, hiểu biết tâm lý học trò như cha hiểu con, dạy cả chuyên môn lẫn các bài học rèn nhân cách, HLV Graechen không chỉ được bầu Đức tôn trọng về chuyên môn mà còn được cả LĐBĐ Việt Nam (VFF) tin cậy, giao dẫn dắt đội tuyển U19 quốc gia dự Giải Vô địch Đông Nam Á 2013. Làng bóng Việt lâu nay cứ mãi lấn cấn chuyện thầy nội, thầy ngoại nhưng với HLV Graechen thì lại êm ả, suôn sẻ như tất yếu phải thế. Với 12 học trò ruột làm bộ khung, HLV Graechen tự tin đưa U19 Việt Nam toàn thắng 6 trận từ vòng bảng cho đến bán kết, chỉ còn chờ cuộc thư hùng cuối cùng với chủ nhà Indonesia ở chung kết diễn ra tối 22-9.
Thanh Hương (phải) trong trận thua U23 Nhật Bản ở bán kết (Ảnh: AFF)
Cũng trong năm 2007, VFF tiếp xúc với HLV Trần Vân Phát, khi ấy đang đảm nhận nhiều trọng trách ở LĐBĐ Trung Quốc và Đại Liên. Mất 2 tháng ròng rã theo dõi, đánh giá toàn diện, ông mới nhận lời làm việc với đội tuyển nữ Việt Nam.
Cũng biết tiếng Việt, biết khơi dậy tình yêu màu cờ sắc áo quốc gia nhưng chính cá tính mạnh mẽ, chẳng e sợ đối thủ nào, đồng thời truyền được lửa niềm tin cho học trò, HLV Trần Vân Phát nhanh chóng tạo dựng một diện mạo mới cho bóng đá nữ Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông, đội tuyển nữ quốc gia đã 3 lần liên tiếp vào chung kết SEA Games với 2 lần vô địch (2009, 2011), 5 lần vào bán kết Giải Đông Nam Á với 1 danh hiệu vô địch (2012), một ngôi á quân (2008) và đang chờ tranh HCĐ ở giải 2013.
Với lần gia hạn hợp đồng mới nhất, HLV Trần Vân Phát đang hướng tới mục tiêu lần thứ 3 vô địch SEA Games và giành suất vé tham dự World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.
Điều gì có thể rút ra từ việc “gặt hái quả ngọt” của 2 vị HLV nhiệt tâm kể trên? Sự tin tưởng tuyệt đối, tôn trọng công việc chuyên môn và nhất là có định hướng phát triển đúng đắn từ các “ông chủ” VFF và Đoàn Nguyên Đức, tất cả tạm được coi là đủ cho một hành trình thành công.
Nhìn tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh phải “đơn thương độc mã” ở hầu hết các giải đấu lớn hay kỳ thủ Lê Quang Liêm với trình độ đã vượt qua mọi HLV trong nước phải thọ giáo thầy ngoại theo giờ bằng phương pháp hàm thụ từ xa khá tốn kém, người ta tự hỏi bao giờ thể thao Việt Nam có một quyết sách chung, công bằng và đúng đắn cho mọi bộ môn, để tất cả đều có quyền ngẩng cao đầu, hát vang Quốc ca trên mọi đấu trường?