Đặt đâu ngồi đấy?
Ông thầy người Nhật chưa có lần nào ngồi lại với VFF để “nói lại cho rõ” sau lần ông về nước nghỉ phép cùng lúc lộ ra thông tin ông trả lời đài truyền hình Nhật về bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng ông Miura dường như đã phạm vào “luật im lặng” với tư cách là chuyên gia của VFF lại đi vạch áo cho người xem lưng. Có thể ông thầy Nhật sẽ gặp khó khăn hơn ở lần trở lại này, khi có dấu hiệu của sóng gió sắp nổi lên, liên quan nhiều đến nhiệm vụ của ông.
Đầu tiên là cái tin HLV Miura sẽ không dẫn dắt đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự SEA Games vào tháng 6 do cùng thời điểm diễn ra vòng loại World Cup 2018 của đội tuyển quốc gia. Tiếp đó diễn ra một màn đón sau việc HLV Guillaume sẽ nắm tuyển U-23 bởi ông thầy của HA Gia Lai đã bắn tiếng không làm phó cho ông Miura.
Sóng gió sắp nổi lên liên quan nhiều đến nhiệm vụ của ông Miura
Điều này đã được rào trước bằng một cuộc làm việc giữa VFF với HLV Miura về phương hướng năm 2015 là trẻ hóa lực lượng các đội tuyển cho các mục tiêu lớn. Điển hình là ý kiến của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đại diện Thường trực VFF quyết định đưa cầu thủ trẻ còn trong độ tuổi chơi hai kỳ SEA Games liên tiếp. Nói trắng ra chính là lứa U-19 Việt Nam từng chơi chung với nhau hồi năm ngoái (nòng cốt là cầu thủ của HA Gia Lai) mới đáp ứng đủ điều kiện của VFF.
Chưa bàn đến mặt lợi - hại của việc đưa cầu thủ trẻ lên chơi đấu trường của người lớn tuổi hơn vì còn phải cân nhắc với nhiều bên liên quan. Thậm chí là những cầu thủ từng chơi ấn tượng trong màu áo Olympic Việt Nam sẽ không có suất lên tuyển U-23.
Vấn đề là cái cách chỉ định của VFF cùng lời tuyên bố của HLV Guillaume (không chịu làm phó ở đội U-23) có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ông Miura không tôn trọng những người đã giao việc cho mình rồi đưa người khác vào làm.
VFF có thể vạch ra những lộ trình và sắp đặt con người đúng nơi, đúng chỗ nhằm mang lại ích lợi cho các đội tuyển. Tuy nhiên, VFF cũng nên sòng phẳng với ông Miura đang chịu trách nhiệm chính chứ không phải tung ra đòn hỏa mù rồi muốn đặt đâu thì ông ngồi đấy.