“Đại công trường” của HLV Troussier
Lần thứ hai kể từ khi chính thức dẫn dắt ĐT Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã gộp chung 2 đội U23 và ĐTQG tập luyện với nhau. Sân tập của ĐT Việt Nam những ngày này không khác gì “đại công trường” của HLV người Pháp với ít nhất 50 cầu thủ góp mặt.
Hồi ức Nhật Bản
Trong lần tập trung đầu tiên của HLV Philippe Troussier vào tháng 3 năm nay, các tuyển thủ quốc gia chỉ góp mặt 4 ngày để làm quen. Ở thời điểm đó, HLV người Pháp ưu tiên hướng dẫn U22 Việt Nam hướng đến Doha Cup 2023 và SEA Games 32. Tuy nhiên, chỉ trong ít ngày, ông Troussier vẫn kịp khiến người hâm mộ nghĩ về những gì ông làm với Nhật Bản từ 1/4 thế kỷ trước.
Khi ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản vào năm 1998, HLV Troussier không chỉ dẫn dắt ĐTQG nước này. Ông kiêm nhiệm luôn cả vị trí HLV trưởng đội U20 và U23 Nhật Bản. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới. Thậm chí tại Đông Nam Á, các HLV cũng chỉ có xu hướng cầm tối đa 2 đội U23 và ĐTQG cùng lúc.
Vấn đề nằm ở chỗ Nhật Bản không ép HLV Troussier phải ôm đồm nhiều công việc như vậy, mà bản thân “Phù thủy trắng” muốn làm như vậy. Chiến lược gia 68 tuổi tin tưởng công việc “3 trong 1” này là tiền đề giúp ông thành công với bóng đá Nhật Bản và tạo ra nền tảng vững chắc cho đội bóng xứ mặt trời mọc sau khi ông ra đi.
Thực tế đã chứng minh điều này. Tại World Cup 2002, có đến 80% tuyển thủ Nhật Bản thuộc lứa U20 và U23 do đích thân HLV Troussier dẫn dắt trước đó. Ở vòng chung kết năm đó, ĐT Nhật Bản là một trong những đội trẻ nhất với tuổi đời trung bình chưa đến 25. Phần lớn ngôi sao của họ có tuổi từ 22 đến 25, bổ sung thêm một số ít cựu binh ở độ tuổi 30.
Đây chính là điều HLV Troussier đang làm với các ĐT Việt Nam. Cho dù không trực tiếp dẫn dắt U20 Việt Nam, nhưng chiến lược gia người Pháp làm việc chặt chẽ với VFF và HLV Hoàng Anh Tuấn để định hướng phát triển các cầu thủ ở lứa tuổi này. Đây là một trong những lý do quan trọng để VFF cử U20 Việt Nam tham dự ASIAD 19 và giải U23 Đông Nam Á 2024 sắp tới.
Trong khi đó, lứa cầu thủ U23 liên tục được ăn tập cùng các đàn anh ở tuyển quốc gia. Lần thứ hai trong vòng 3 tháng, HLV Troussier trực tiếp “đứng lớp” hướng dẫn hơn 50 cầu thủ trên sân tập.
Cần phải nhắc thêm rằng đội hình U23 Việt Nam hiện tại bao gồm cả các ngôi sao của lứa U20 từng gây ấn tượng tại giải châu Á đầu năm nay. Vì vậy, nếu nói HLV Troussier đang làm việc với 3 lứa cầu thủ Việt Nam giống như cách ông đã làm ở Nhật Bản cũng không quá lời.
Phương pháp này đương nhiên đòi hỏi cường độ làm việc cực lớn từ HLV Troussier và các trợ lý. Nhưng đây có lẽ cũng là cách tối ưu để HLV Troussier truyền tải triết lý của mình một cách nhanh chóng nhất. Ông không thể chờ đợi từng lứa cầu thủ làm quen với chiến thuật mới trong bối cảnh thời gian tập trung sẽ ngày càng gấp gáp hơn và lịch trình thi đấu dày đặc hơn. Những cơ hội để hai đội tuyển gộp vào nhau như dịp FIFA Days tháng 6/2023 sẽ không còn nhiều nữa khi mỗi đội tham gia các giải đấu khác nhau.
Ông Troussier từng tự hào là người “mở ra con đường mới cho lịch sử bóng đá Nhật Bản”, và ông đang hướng đến mục tiêu tương tự ở Việt Nam.
Sẽ có nhiều ngôi sao lớn bị loại khỏi ĐT Việt Nam trong tương lai gần.
Nóng lòng chờ diện mạo mới
Những màn trình diễn đầu tiên của U22/U23 Việt Nam dưới thời HLV Troussier đã gây ra nhiều tranh cãi. Sau thất bại nặng nề ở Doha Cup 2023, U22 Việt Nam tiếp tục đánh mất tấm HCV tại SEA Games 32. Tuy nhiên, những gì đội bóng của HLV Troussier thể hiện tại Campuchia không chỉ mang màu sắc tiêu cực.
Ngay cả khi thua U22 Indonesia vào phút chót ở vòng bán kết, U22 Việt Nam vẫn làm chủ trận đấu như HLV Troussier mong muốn. Chính vì vậy, chiến lược gia người Pháp không cảm thấy buồn chán hay thất vọng mà ngược lại, ông tràn đầy niềm tin vào sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ.
Sau cùng, bóng đá Việt Nam cần những mục tiêu mới lớn hơn “ao làng”. Thất bại tại khu vực Đông Nam Á không đồng nghĩa các đội tuyển Việt Nam sẽ thất bại ở những đấu trường cao hơn. Sự tiến bộ trông thấy của U22 Việt Nam sau từng trận đấu tại SEA Games 32 là cơ sở để người hâm mộ tiếp tục chờ đợi.
Và bây giờ, tất cả đang nóng lòng xem ĐT Việt Nam sẽ thi đấu ra sao dưới thời HLV Troussier. Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam nổi tiếng với chiến thuật phòng ngự chặt, phản công nhanh cực kỳ khó chịu. Chiến thuật này mang lại nhiều thành công lớn cho bóng đá Việt Nam, nhưng không tạo ra sự phát triển liên tục và bền vững.
Trong 2 năm cuối cùng HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam đã thua liểng xiểng từ vòng loại World Cup 2022 cho đến AFF Cup. Những trận thua này chứng minh một điều, ĐT Việt Nam rất khó cải thiện sức mạnh và tiến xa hơn nữa nếu trung thành với phong cách bóng đá thực dụng. Để rút ngắn khoảng cách với các nền bóng đá lớn ở châu Á, ĐT Việt Nam cần chủ động và sáng tạo hơn trong cách chơi. Nói cách khác, chúng ta cần một triết lý rõ ràng để theo đuổi và từ đó, từng bước vượt qua giới hạn của bản thân.
Các trận đấu với ĐT Hồng Kông (Trung Quốc) và Syria sắp tới vì thế có ý nghĩa rất quan trọng. Sẽ không có gì bất ngờ nếu ĐT Việt Nam thi đấu rời rạc, bế tắc trong ngày ra mắt HLV Troussier và khởi sắc ở trận sau đó, trước đối thủ mạnh hơn.
HLV Troussier cần kiên định đến cùng Thử thách với HLV Troussier ở ĐT Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Ở đợt tập trung này, chiến lược gia người Pháp vẫn có thể triệu tập những ngôi sao gần như không thi đấu ở CLB, hoặc sa sút phong độ, nhưng điều đó khó xảy ra trong tương lai. Đây chính là vấn đề nhạy cảm mà HLV Troussier phải đối mặt. Bởi lẽ ông có thể buộc phải loại những tên tuổi lớn trong các đợt tập trung tiếp theo và hứng chịu chỉ trích từ giới mộ điệu. Ngoài chuyện “mất hút” ở CLB, một số ngôi sao cũng sẽ mất suất lên tuyển nếu không phù hợp với triết lý của HLV Troussier. Ở bất cứ đội bóng nào, những “mâu thuẫn” như vậy luôn xảy ra khi họ có HLV mới. ĐT Việt Nam chắc chắn không tránh được chuyện này, và điều quan trọng nhất là HLV Troussier phải có đủ sự kiên định để theo đuổi lý tưởng của mình. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều ngày 7/6, đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đã bước vào buổi tập thứ hai tại Hà Nội, để chuẩn bị cho hai trận đấu giao hữu với Hồng Kông (Trung Quốc) và Syria.