Cúp C1 khai cuộc: Kỷ nguyên mới & cuộc chơi của những "Gã nhà giàu"
Với thể thức mới của Champions League, UEFA mong muốn tăng tính kịch tính, hấp dẫn của giải đấu. Nhưng sự thay đổi cũng làm dấy lên lo ngại rằng đây chỉ là cơ hội để các câu lạc bộ giàu có củng cố vị thế. Liệu giải đấu này đang mang đến điều gì mới mẻ, hay chỉ đơn thuần là cách để các đội mạnh tiếp tục thống trị?
Số trận tăng, chất lượng có suy giảm?
Mùa giải 2024/25, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã công bố thể thức mới cho vòng bảng Champions League, được gọi là “hệ thống Thụy Sĩ”, với mục tiêu tăng thêm số trận đấu và nâng cao sự cạnh tranh. Tuy nhiên, hệ thống này đang nhận nhiều chỉ trích, bởi tính phức tạp và khả năng làm giảm tính công bằng trong thể thao.
Thể thức mới của Champions League tồn tại nhiều bất cập
Mỗi đội thi đấu 8 trận ở vòng bảng, thay vì 6 trận như trước, với tổng số trận tăng lên 144 so với 96 ở định dạng cũ. Mặc dù tăng số trận đấu, người hâm mộ lo ngại về việc nhiều trận đấu cuối vòng bảng trở nên vô nghĩa, đặc biệt khi các đội đã chắc suất đi tiếp, hoặc bị loại.
Theo Football Meets Data, một đội bóng gần như chắc chắn lọt vào top 8 đội dẫn đầu mỗi nhóm (tương đương suất vào thẳng vòng knock-out) nếu giành 17 điểm. Điều này dẫn đến tình trạng, các đội bóng lớn có thể dễ dàng xoay tua đội hình, còn các đội yếu hơn phải dốc toàn lực để cạnh tranh tấm vé đi tiếp.
Thay đổi lớn khác của Champions League là sử dụng hệ thống phân loại hạt giống tại vòng knock-out. Nhờ vậy, các đội bóng lớn tránh gặp nhau sớm và đảm bảo cơ hội tiến sâu. Theo dự đoán từ siêu máy tính Opta, Man City và Real Madrid có 80% khả năng giành chức vô địch.
Theo chiều ngược lại, nhiều câu lạc bộ kém danh tiếng hơn khó tiến xa. Bất chấp lọt vào chung kết 2 mùa giải gần đây, Dortmund và Inter Milan chỉ được coi như "kẻ làm nền" của Man City, Real. Thực tế, khả năng các đội bóng nhỏ tiến sâu vào giải đấu ngày càng trở nên khó khăn khi UEFA muốn đảm bảo các đội bóng lớn tiến sâu.
Sự bất công về tài chính
Một trong những nguyên nhân chính khiến Champions League trở nên thiếu tính cạnh tranh là sự chênh lệch về tài chính giữa các câu lạc bộ. Đặc biệt, nhóm "ông lớn" tận dụng nguồn thu từ Champions League để xây dựng đội hình mạnh mẽ, tạo ra sự thống trị tuyệt đối ở giải quốc nội.
Người hâm mộ chịu thiệt về kinh tế khi giá vé vào sân xem các trận đấu ở Champions League tăng vọt
Trường hợp điển hình phải kể đến Young Boys. Nhờ nguồn thu khổng lồ từ Champions League, đội bóng này đã thống trị giải VĐQG Thụy Sĩ với 6 lần lên ngôi trong 7 mùa giải gần nhất.
Năm ngoái, Young Boys đút túi gần 36 triệu bảng từ Champions League, con số lớn hơn nhiều so với doanh thu của hầu hết các đội bóng khác ở giải VĐQG Thụy Sĩ. Điều này giúp họ dễ dàng đầu tư vào cơ sở vật chất, chiêu mộ cầu thủ chất lượng.
Tương tự, Dinamo Zagreb ở Croatia và Shakhtar Donetsk tại Ukraine liên tục giành chức vô địch quốc gia nhờ doanh thu từ Champions League. Các đội bóng này không chỉ thu lợi từ thành tích quốc nội, mà còn nhận được những khoản tiền thưởng lớn khi xuất hiện tại sân chơi cấp châu lục.
Sự thay đổi của Champions League không chỉ ảnh hưởng đến các câu lạc bộ mà còn gây ảnh hưởng lớn đến người hâm mộ. Aston Villa hiện đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ người hâm mộ khi giá vé cho trận đấu Champions League tăng vọt.
Mặc dù nhiều người hâm mộ kỳ vọng vào sự kịch tính của giải đấu, nhưng thực tế là mục tiêu chính của UEFA dường như là tăng doanh thu từ bản quyền truyền hình và vé xem trực tiếp, hơn là mang lại giá trị thể thao thực sự.
UEFA có thực sự tìm kiếm sự đổi mới?
Dù UEFA luôn khẳng định họ đang tìm cách mang lại nhiều kịch tính hơn cho giải đấu, nhưng thực tế cho thấy sự thay đổi này chỉ là để bảo vệ lợi ích của các câu lạc bộ nhà giàu. Với việc thể thức vòng bảng mới cho phép các đội bóng lớn tránh việc phải loại nhau quá sớm, giải đấu đang trở thành sân chơi của những câu lạc bộ giàu có và các nhà đầu tư lớn.
Thể thức mới giúp những "ông lớn" như Real Madrid, Liverpool hưởng lợi
Thể thức mới này không nhằm tìm ra đội bóng mạnh nhất, mà là để đảm bảo rằng những đội bóng lớn vẫn còn cơ hội thi đấu đến cuối giải. Ban tổ chức không quan tâm nhiều đến sự cạnh tranh công bằng, thay vào đó tạo ra một “trò chơi truyền hình” với mục đích thương mại là chủ yếu.
Dù các thay đổi mới mang đến nhiều nét tươi mới, nhưng điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức cho Champions League. Liệu giải đấu có thể duy trì sự quan tâm từ người hâm mộ, hay trở thành "sân chơi riêng" của các đội bóng nhà giàu là vấn đề sẽ được nhiều người quan tâm.
Quan trọng hơn, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nếu giải đấu này thành công? Liệu UEFA sẽ tiếp tục mở rộng số trận đấu, hay có thêm những thay đổi khác để đảm bảo rằng những câu lạc bộ lớn luôn chiếm ưu thế?
Nhìn chung, thể thức mới của Champions League có thể chỉ là bước đệm để tiếp tục tạo ra những thay đổi có lợi cho các câu lạc bộ giàu, thay vì tạo ra một giải đấu công bằng cho tất cả.
Nguồn: [Link nguồn]
Các đội bóng sẽ đối diện áp lực ra sao khi Champions League tăng số lượng trận đấu lẫn tiền thưởng?