Cuộc chơi ngoại binh ở V-League bị những tay “cò” thao túng?
Thị trường ngoại binh ở V-League gần như nằm trong tay các nhà môi giới, hay gọi dân dã là “cò” cầu thủ. - Báo Giao Thông
Vì sao lại như vậy và thực trạng này ảnh hưởng ra sao tới bóng đá Việt Nam?
Ngoại binh ở V-League đều nằm trong tầm kiểm soát của nhà môi giới (Trong ảnh: Tiền đạo Rafaelson của CLB DNH Nam Định). Ảnh: VPF
Trăm sự nhờ… “cò”
Gần đây, câu chuyện tranh chấp giữa ngoại binh Pedro và CLB Sài Gòn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Sự việc được cho bắt nguồn từ việc cầu thủ Brasil muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nhà môi giới đưa anh sang Việt Nam để làm việc trực tiếp với CLB Sài Gòn. Đôi bên lời qua tiếng lại, dẫn tới mâu thuẫn. Thậm chí, CLB Sài Gòn còn nhờ cơ quan công an vào cuộc để điều tra, làm rõ.
Thực tế, việc xung đột quyền lợi giữa ngoại binh cùng người đại diện, nhà môi giới vốn không còn xa lạ ở V-League. Nói như bình luận viên Vũ Quang Huy, bên nào cũng muốn có lợi nhưng cách làm việc lại không chuyên nghiệp, chộp giật nên dễ dẫn tới mâu thuẫn. Điều này cũng một phần xuất phát từ việc tầm ảnh hưởng của các nhà môi giới cầu thủ ngoại tại Việt Nam là quá lớn.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện tại V-League có khoảng 20 nhà môi giới cả trong lẫn ngoài nước đang hoạt động. Toàn bộ số ngoại binh đều nằm trong tay 20 người này.
Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh chia sẻ: “Mỗi mùa chuyển nhượng, nhà môi giới lại dẫn tới 10, có khi tận 20 cầu thủ để đội bóng thử việc. Nhưng may mắn lắm thì chọn được 1-2 cầu thủ khá. Bằng không, nếu có nhu cầu thì các đội bóng phải lấy lại người của nhau dựa trên mối quan hệ”.
Đây cũng là cách làm chung của gần như tất cả các đội bóng khác đang thi đấu tại V-League. Theo nhà môi giới N.V.D, hướng đi như vậy không chuyên nghiệp và dẫn tới hiệu quả thấp. “Ở các nước có nền bóng đá phát triển, CLB khi cần người thì Giám đốc kỹ thuật sẽ chịu trách nhiệm chính.
Người này giao bộ phận chuyên môn theo dõi, tìm kiếm, đánh giá những cái tên phù hợp rồi loại dần theo các tiêu chí. Tới khi chỉ còn 1-2 cầu thủ thì họ sẽ làm việc với người đại diện, công ty đại diện cầu thủ để thương thảo hợp đồng.
Trong hồ sơ của họ cũng có sẵn những cầu thủ tiềm năng cho các vị trí. Làm như vậy, đội bóng sẽ không phải thử việc cầu thủ mà chất lượng lại đảm bảo. Còn tại Việt Nam, các đội bóng phó mặc hết cho cánh môi giới”, ông D. nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA, đa phần các đội bóng V-League đều không có đủ nguồn lực để thực hiện các bước chuyển nhượng ngoại binh thật chuyên nghiệp.
“Kinh phí duy trì hoạt động đã khó khăn rồi, nay nếu thêm bộ máy phụ trách công tác chuyển nhượng thì các đội không kham được. Mình nghèo nên chơi theo cách nhà nghèo thôi, thử việc không mất gì, nếu may mắn còn có được cầu thủ tốt”, ông Thanh nói.
Quan điểm của ông Thanh cũng được ông Phạm Thanh Hùng tán đồng. Ông Hùng khẳng định, rất khó nếu muốn các đội bóng V-League làm theo chuẩn chuyên nghiệp trong công tác chuyển nhượng cầu thủ. “Nếu thành lập một bộ phận riêng để lo việc chuyển nhượng theo tôi sẽ lãng phí. Thêm nữa, để thực sự hoạt động hiệu quả thì cũng cần đầu tư nhiều tiền của”, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh cho hay.
Tác động tiêu cực tới bóng đá Việt Nam
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF nhìn nhận, công tác chuyển nhượng nếu không được đầu tư bài bản, chất lượng ngoại binh cập bến V-League sẽ đi xuống, như vậy sẽ tác động tới chất lượng của giải đấu.
“Việc tuyển người như hiện tại có nhiều rủi ro bởi đôi bên gần như không biết gì về nhau trước khi tiếp xúc. Thế nên, thử việc rất nhiều không chọn được ai hoặc chọn được rồi cũng không phù hợp, phải ra đi sau một thời gian ngắn rất phổ biến tại V-League”, ông Tú nói.
Vậy việc thay đổi hướng đi, thành lập bộ phận chuyên trách lo việc chuyển nhượng ở các đội bóng V-League có thực sự khó tới mức không làm được? Bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định hoàn toàn không tới mức bất khả thi như nhiều CLB “kêu”.
“Tùy thuộc nguồn lực mà mỗi đội bóng có thể phát triển nhân sự mảng tuyển trạch theo quy mô khác nhau. Nhân sự biên chế có thể không cần nhiều, thay vào đó CLB nên tạo dựng các cơ sở ở nước ngoài theo kiểu cộng tác viên nhằm chủ động nguồn cung cầu thủ. Ban đầu quy mô nhỏ, sau phát triển rồi thì mở rộng, quan trọng là họ có muốn làm hay không?”, ông Huy nói.
Cũng theo bình luận viên Quang Huy, sở dĩ các đội bóng không muốn chuyên nghiệp hóa, rạch ròi trong chuyển nhượng bởi với cách làm cũ, họ có nhiều lợi ích.
“Cầu thủ muốn ký hợp đồng phải “cắt phế” cho Chủ tịch hay HLV trưởng. Tôi từng biết có những trường hợp cầu thủ tốt, chuyên môn cao nhưng đội bóng vẫn không ký bởi cầu thủ không chịu chia % lót tay.
Mọi người không hiểu tại sao các đội bóng thường thay ngoại binh mỗi mùa. Chất lượng chỉ là một phần, quan trọng hơn, khi tìm cầu thủ mới, ký mới thì những người có trách nhiệm lại hưởng lợi.
Giới “cò” vì vậy càng có đất hoạt động và giàu có bởi mỗi cầu thủ ký hợp đồng họ cũng có phần trăm trong số tiền lót tay vốn đa phần toàn tiền tỷ. Thậm chí, có những ngoại binh đang chơi hay ở một đội nhưng tay môi giới sẵn sàng tìm mọi cách để hủy hợp đồng rồi đưa sang đội khác nhằm kiếm lời”, ông Huy cho hay.
Theo nhà môi giới N.V.D, ngoài những người phụ trách chuyển nhượng chuyên biệt, CLB tại V-League còn thiếu chiến lược nhân sự dài hạn, chủ yếu làm việc theo kiểu thiếu đâu bù đó. “Với mỗi đội bóng chuyên nghiệp, nhân sự của họ phải được hoạch định trong vòng ít nhất 5 năm. Vai trò hoạch định này thuộc về Giám đốc kỹ thuật nhưng các đội bóng V-League lại không có chức danh này, HLV là người quyết định toàn bộ. Cũng chính bởi vậy, có thời HLV hay Chủ tịch đội bóng phải sang nước ngoài tìm quân. Muốn thực sự chuyên nghiệp hóa chuyển nhượng, Giám đốc kỹ thuật là chức danh cần phải được chú trọng”, ông D. nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà làm giải quyết định tái khởi động vòng tứ kết Cúp Quốc gia từ ngày 11-9 và thành công của giải đấu này sẽ...