COVID-19 khiến bóng đá dính “virus cháy túi”
Những hậu quả của đại dịch COVID-19 với thế giới bóng đá thực sự nghiêm trọng. Các khán đài không có khán giả, các giải đấu bị hoãn đẩy rất nhiều đội bóng đến cảnh khó khăn về kinh tế khi những nguồn thu chính của họ không được đảm bảo. Đây là thực trạng chung của tất cả các CLB từ Việt Nam đến quốc tế.
Thất thu tiền vé
Một số đội bóng tại V.League 2020 đã nâng giá vé vào sân trước mùa giải mới, trong đó CLB TP Hồ Chí Minh là đội mạnh tay nhất. Với việc chiêu mộ những cầu thủ nổi tiếng và có rất nhiều fan như Công Phượng hay Bùi Tiến Dũng, đội chủ sân Thống Nhất đã “mạnh dạn” tăng giá vé ở tất cả các khu vực khán đài.
Các đội bóng V.League thất thu tiền vé.
Tại khán đài A1, nơi đắc địa nhất, vé tăng từ 100.000 VNĐ (mức ở mùa giải 2019) lên 150.000 VNĐ, các khán đài vé ở khán đài A2 và A3 cũng tăng từ 80.000 đồn lên 100.000 đồng, vé khán đài B tăng từ 40.000 đồng lên 70.000 đồng. Loại vé ở hai khán đài C và D có giá 50.000 đồng. Nếu như mua vé hạng A1 cả mùa, khán giả sẽ phải chi ra 1,35 triệu đồng so với 1 triệu đồng mùa trước.
Mùa 2019, CLB TP Hồ Chí Minh đã thu được khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán vé. Mùa này, tình hình cũng rất khả quan khi hơn 100 vé hạng A1 cả mùa đã được bán hết, thu về gần 150 triệu đồng. Nhưng khi dịch COVID-19 bùng nổ, các SVĐ buộc phải đóng cửa và đội bóng của Chủ tịch CLB Hữu Thắng gần như chắc chắn sẽ thất thu tiền bán vé khi các khán đài không có khán giả.
3 đội bóng có lượng CĐV vào sân đông nhất ở V.League 2020 là Nam Định, Hà Nội FC và Hoàng Anh Gia Lai. Sân Thiên Trường của Nam Định thường xuyên đón tới 15.000 CĐV/trận, thu khoảng 4 tỷ đồng trong năm 2019, cao nhất V.League.
Với một đội bóng không có tiềm lực tài chính tốt, đây được xem là khoản thu vô cùng quan trọng. Mùa này, Công ty Cổ phần Thể thao Dược Nam Hà Nam Định đã bán vé bao cả mùa, với mức cho khán đài A1, A2 là 800.000đ, khán đài B1, B2 là 500.000 VND. Đây là mức giá hợp lý, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện tại thì rất khó để Nam Định tái lập được “thành tích” ở mùa trước.
Hà Nội FC mùa này để vé đồng giá 50.000 VND. So với mức bình quân khán giả đến sân mùa trước là khoảng 8.300 người/trận, đội bóng của bầu Hiển cũng mất đến hơn 400 triệu cho một trận đấu không có CĐV tại Hàng Đẫy.
Những sân đấu không có khán giả trong mùa dịch đang là cơn đau đầu với các đội bóng, bởi trong khi những khoản chi để vận hành đội vẫn phải đều đặn thì một trong những nguồn thu ổn định đã bị “cắt đứt”. Việc cân đối tài chính là một bài toán không đơn giản, nhất là khi chưa biết bao giờ các sân mới đón CĐV trở lại.
Khủng hoảng vì các giải đấu bị hoãn
Không chỉ các đội bóng tại Việt Nam, những CLB lớn trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đại dịch COVID-19 bùng phát. BTC Premier League, giải đấu bị tạm hoãn đến đầu tháng 4, công bố số liệu cho thấy tổng thiệt hại có thể lên đến 750 triệu bảng trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là các trận đấu còn lại không thể diễn ra.
Phần lớn trong 750 triệu bảng này là tiền bản quyền truyền hình. Tất nhiên nếu chia đều cho các đội bóng thì những CLB có nguồn lực tài chính yếu sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn.
Tương tự, La Liga cũng thông báo một con số gây xôn xao: Nếu phần còn lại của mùa giải tiếp tục diễn ra sau thời gian tạm hoãn đúng với lịch trình nhưng không có khán giả, mỗi đội bóng ở La Liga sẽ mất 38,8 triệu euro tiền vé vào sân và 78,1 triệu euro vé theo mùa tổng là 116,9 triệu euro, cùng với thiệt hại về tiền bản quyền truyền hình sẽ là 435 triệu euro. Trong trường hợp xấu nhất, La Liga bị hoãn đến hết mùa, các CLB sẽ mất 549 triệu euro tiền bản quyền truyền hình, 88 triệu euro tiền bán vé theo mùa và 41,4 triệu euro vé vào cổng.
Các đội bóng ở Seria A và Bundesliga cũng không tránh khỏi tổn thất. Juventus là một trong những đội có doanh thu từ bán vé cao nhất châu Âu, khoảng 1,7 triệu euro/trận sân nhà. Tất nhiên đây chỉ là tiền vé vào sân Juventus Arena, còn toàn bộ các dịch vụ đi kèm chưa được tính đến.
Bundesliga luôn tự hào là giải đấu có lực lượng CĐV hùng hậu và đông đảo bậc nhất châu Âu, doanh thu bán vé của các CLB thường chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng doanh thu so với các giải khác, khoảng 15%.
Các giải đấu của UEFA là Champions League và Europa League diễn ra không có khán giả trước khi bị hoãn cũng khiến cho nhiều CLB mất đi nguồn thu đáng kể. PSG ước tính mất khoảng 3,5 triệu euro tiền vé ở trận lượt về với Dortmund. Các đội bóng khác cũng mất từ 2 đến 5 triệu euro ở một trận đấu trên sân nhà tại đấu trường châu Âu không có khán giả. Đội bóng Áo LASK Linz đã nhảy cẫng lên khi bốc được lá thăm gặp M.U ở Europa League, nhưng rốt cuộc họ cũng chẳng thu lại được gì khi trận đấu lượt đi không có khán giả.
Với các CLB lớn, khoản thất thu này có thể không làm ảnh hưởng nhiều đến họ, nhưng với những đội bóng nhỏ hơn, họ thật sự gặp vấn đề khi không tìm ra nguồn thu khả dĩ nào để bù đắp. Điều đó có thể dẫn đến hậu quả lâu dài, mà điều dễ nhận thấy nhất là các hoạt động trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Các giải đấu càng trì hoãn lâu, sự phục hồi của các đội bóng càng khó khăn hơn.
Nguồn: [Link nguồn]