Công Phượng “vui như Tết” vì quà bầu Đức (Bài 2)
Trong suy nghĩ của những gia đình nếu con trúng tuyển được vào “lò” SLNA mới là cầu thủ giỏi, còn nếu bị trượt thì coi như chấm dứt giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Nhưng gia đình ông Bảy bà Hoa lại có lý do khác để quyết tâm cho cậu con trai Nguyễn Công Phượng đi tập bóng đá.
Bài 2: Tuổi thơ đá bóng bằng...lá chuối
Công Phượng đã một lần dự tuyển vào tuyến trẻ của đội bóng xứ Nghệ, nhưng đã bị SLNA loại vì thiếu tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với sự đam mê của anh, và quyết tâm của gia đình thì bây giờ mới có một Công Phượng ở U19 Việt Nam như hôm nay.
* “Luyện công” từ ...sân xi-măng
Trong không khí của những ngày Tết, bà Hoa đã say sưa kể về cuộc đời thơ ấu của cậu con trai Nguyễn Công Phượng mà quên đi hết những thứ xung quanh. Và qua câu chuyện trao đổi gần 2 giờ đồng hồ với mẹ của Công Phượng, chúng tôi thấy để trở thành một tiền đạo của đội tuyển U19 với kỹ thuật điêu luyện Công Phượng đã trải qua chặng đường rất gian nan. Có những lúc tưởng chừng ước mơ trở thành tuyển thủ của Phượng đã bị chấm dứt nhưng vì nghị lực và đam mê mà anh đã vượt lên.
Ngôi nhà của gia đình Công Phượng
Có một thực tế ở xứ Nghệ, các cậu bé ở những vùng nông thôn, các vùng quê nghèo nếu sớm bộc lộ tài năng bóng đá đều có mong muốn được lọt vào mắt xanh tuyển trạch viên của CLB SLNA.Tại huyện Đô Lương, CLB SLNA đã kết hợp với phòng văn hóa huyện mở các lớp đào tạo bóng đá trẻ lừa tuổi nhi đồng để thông qua đó tuyển chọn những tài năng bóng đá cho CLB như tuyển thủ Quang Tình, Nguyên Mạnh, Thành Đạt...
“Công Phượng là con trai gần út trong nhà (sau Phượng là em gái) trong gia đình có 5 anh chị em. Trước Phượng là người anh tên Khoa hơn 2 tuổi. Năm Phượng học vỡ lòng, khi nào sân xi-măng (khoảng 30m2) trước nhà không phơi lúa là Phượng mang bóng ra đá với anh. Quả bóng được cuộn bằng lá chuối khô, hoặc rơm khô.
Chuyện hai anh em Phượng “nghiện” chơi bóng từ thủa bé đã nổi tiếng khắp vùng. Năm 9 tuổi (2004), Khoa mất do ngã xuống đầm nước khi đi chăn trâu ngoài đồng”, nói đến đây, hai dòng nước bà Hoa cứ thế chảy dài trên má và bà kể tiếp về câu chuyện hai anh em thi thố tài năng tâng bóng, sút cầu môn…
* Rớt lò Sông Lam, trúng tuyển “lò bầu Đức”
Phải đến 1 năm sau khi anh trai mất thì bà Hoa mới chở Phượng lên trung tâm huyện Đô Lương để theo học lớp bóng đá. Theo tập được hơn một năm Phượng bắt đầu được lọt vào mắt xanh các thầy đào tạo bóng đá trẻ SLNA và được xuống thành phố Vinh tập luyện và thi tuyển. Ở các vòng thi Phượng đều đứng đầu danh sách các phần thi chuyên môn, nhưng sau hai lần đứng lên bàn cân, Phượng đều bị loại vì chỉ nặng 20,5kg.
Nếu một cầu thủ nhí ở những vùng quê nghèo ở Nghệ An, khi họ bị chính lò SLNA đào thải thì có nghĩa là khó trở thành cầu thủ chuyên nghiệp được. Đã có thời điểm gia đình ông Bảy- bà Hoa cũng ăn sâu lối mòn suy nghĩ như thế.
Công Phượng và thầy Giôm
Nhưng một chiều ngồi xem chương trình thể thao trên tivi, Phượng reo lên rồi chạy ra đồng kéo mẹ về nhà xem và nói: “Học viện Hoàng Anh Gia Lai và người nước ngoài đang tuyển cầu thủ mẹ ơi. Con còn đủ tuổi, mẹ đưa con vô tuyển đi”. Bà Hoa ngần ngại: “Con còn nhỏ, khi nào vác được bao xi-măng 5 yến, đi phụ hồ cho bố xây được nhà thì mẹ đưa đi. Sông Lam Nghệ An mà còn loại thì vào trong ấy sao mà trúng được?!”.
Phượng vẫn không chịu và nói: “Không, con đi đá bóng, không đi phụ hồ. Mẹ xem, mấy đứa vô tuyển gầy hơn con”. Bà Hoa phân tích tiếp: “Con tưởng bở à, tiền đâu mà đi xa thế, còn ăn ở nữa”.
Hôm sau xem tiếp chương trình 360 độ thể thao, đến đoạn Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal.JMG tuyển cầu thủ, Phượng lại kéo mẹ vào xem, rồi giục: “Họ chưa cần người to cao đâu. Mẹ điện cho bố về đưa con vô Hoàng Anh Gia Lai đi”.
Trước sự đam mê của con, và nghĩ lại cũng vì mong con được thỏa sức đam mê nên ông bà quyết định đưa Phượng bán non (lấy tiền trước) bốn tạ lúa và con lợn 25kg rồi đưa Phượng vào Pleiku vào Gia Lai thi tuyển. Sau này, khi hay tin con mình trúng tuyển Bà Hoa vẫn chưa an tâm và lo lắng khi gửi con đi vào tận Gia Lai học bóng đá.
Bà nói: “Lúc đầu tui nghĩ cho nó đi thi cho vui, đỡ tủi thân, chứ đâu có nghĩ nó trúng tuyển. Đến năm đầu nó đi tập bóng phải đến 27 Tết xe của HAGL mới chở về Vinh mà thấy lo cho con. Rồi dần dần cũng quen cảnh con đi xa nhà. Mỗi năm không tui, thì ông Bảy vào thăm nó một lần và nó về nghỉ hè, nghỉ Tết thì cả nhà mới đoàn tụ cùng nhau. Năm nay Phượng có đến 20 ngày nghỉ là món quà tết ý nghĩa nhất sau gần 10 năm con xa nhà đi học bóng đá. Sau này Phượng có thành cầu thủ hay không thì tui cũng mừng là gia đình đã có quyết định đúng đắn ở thời kỳ kinh tế khó khăn nhất”.
Xem lại bàn thắng tuyệt đẹp của Công Phượng trong trận U19 VN - U19 Úc:
* Từ lò Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal.JMG, Công Phượng đã miệt mài theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mời các bạn đón đọc Công Phượng “vui như Tết” vì quà bầu Đức (Bài 3) vào lúc 10h ngày thứ Hai 3/2.