Công Phượng “về tắm ao ta”, bóng đá Việt Nam đi lùi ngang hàng Brunei - Campuchia
Với việc tiền đạo Nguyễn Công Phượng hồi hương dự kiến chơi bóng cho một CLB ở giải hạng Nhất, bóng đá Việt Nam không còn bất cứ cầu thủ nào có thể trụ lại ở các giải vô địch quốc gia có trình độ cao hơn.
Giấc mơ chơi bóng nước ngoài của Công Phượng & 3 trận được ra sân ở Nhật
Kể từ ngày 15/9, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã không còn là cầu thủ thuộc biên chế CLB Yokohama của Nhật Bản. Công Phượng dự kiến về nước và nhiều khả năng đầu quân cho một CLB ở giải hạng Nhất quốc gia mùa giải 2024/2025.
Công Phượng từng được kỳ vọng sẽ trụ lại được Yokohama FC. Ảnh J-League
Tiền đạo trưởng thành từ HAGL đã kết thúc hành trình gần 2 năm ở Nhật Bản với vỏn vẹn 3 trận đấu ở Cúp Hoàng đế Nhật Bản. Còn nhớ hồi năm 2023, Công Phượng quyết tâm đến với Yokohama FC với kỳ vọng trụ lại được ở một trong những giải VĐQG hàng đầu châu Á.
Công Phượng luôn ấp ủ giấc mơ trở thành một trong những cầu thủ Việt Nam tiên phong việc có thể thi đấu thành công ở nước ngoài, cụ thể là ở những quốc gia có nền bóng đá phát triển hơn so với Việt Nam. Nhưng cũng như 3 chuyến xuất ngoại trước đó lần lượt tới Nhật Bản (CLB Mito Hollyhock), Hàn Quốc (CLB Incheon United) và Bỉ (CLB Sint Truiden), Công Phượng lần này vẫn...thất bại.
Ước mơ trở thành đầu tàu trong việc xuất khẩu cầu thủ của Công Phượng coi như không thành, sau khi tiền đạo sinh năm 1995 quyết định hồi hương. Trước trường hợp của Công Phượng, người bạn thân Văn Toàn cũng từ bỏ giấc mơ xuất ngoại (khoác áo Seoul E-Land FC, ờ giải hạng 2 Hàn Quốc) để trở về thi đấu cho Thép Xanh Nam Định và lên ngôi vô địch V-League cùng đội bóng thành Nam.
Thống kê đáng lo của bóng đá Việt Nam
Tính xa hơn nữa, lần lượt những Lương Xuân Trường, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu,… đã phải về nước sau khi không thể tìm được cơ hội ra sân ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp hay Hà Lan.
Mùa hè chuyển nhượng vừa qua, các cầu thủ như Nguyễn Hoàng Đức và Phạm Tuấn Hải cũng đưa ra quyết định an toàn ở lại trong nước thi đấu với chế độ đãi ngộ cao, thay vì mạo hiểm tìm đường ra nước ngoài thi đấu.
Lần hiếm hoi tiền đạo Công Phượng được ra sân thi đấu trong màu áo Yokohama FC tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản. Ảnh J-League
Như vậy, với việc Công Phượng chia tay CLB Yokohama để “ta về ta tắm ao ta”, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trong khoảng 6 năm qua không còn bất cứ cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài.
Nhìn rộng ra, với nguồn lực 100% cầu thủ đá giải trong nước, ĐT Việt Nam có thể gặp bất lợi, nếu so sánh với các đội tuyển khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê từ Soccerway, tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Campuchia và Brunei là những nền bóng đá không có cầu thủ chơi bóng ở các giải bóng đá thuộc tốp 80 thế giới.
Các nước như Malaysia, Lào, Singapore, Myanmar, Timor Leste đều có 2 cầu thủ nội, hoặc có gốc gác các nước này, chơi ở các giải hạng thấp của Nhật Bản, Đức, Bồ Đào Nha hay Đan Mạch.
Trong khi Philippines, Thái Lan và Indonesia là các nền bóng đá dẫn đầu khu vực về việc "xuất khẩu" cầu thủ. Họ sở hữu dàn cầu thủ nội binh (hoặc có gốc gác) chơi bóng ở các giải đấu của Nhật Bản, Hàn Quốc hay ở châu Âu. Dẫn đầu là Philippines với 22 cầu thủ, xếp thứ hai là Indonesia với 21 cầu thủ và Thái Lan có tổng cộng 12 cầu thủ.
Việc có nguồn cầu thủ thi đấu ở các nền bóng đá phát triển hơn giúp các đội tuyển trong khu vực có thêm sự lựa chọn chất lượng về nhân sự, tăng thêm năng lực cạnh tranh ở các giải đấu.
Còn với bóng đá Việt Nam, các ĐTQG Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều thử thách ngay ở những giải “ao làng” như AFF Cup, hay SEA Games, chứ chưa nói đến việc vươn tầm châu lục, với nguồn cầu thủ chỉ quanh quẩn thi đấu ở các giải trong nước.
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng dự kiến về nước thi đấu cho một CLB thuộc giải hạng Nhất quốc gia, với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm.
Nguồn: [Link nguồn]