Công Phượng về quê: Hết lo gió thổi bay nhà (Kỳ 2)
Gần 10 ngày ở quê là những ngày tháng hạnh phúc với cầu thủ trẻ biền biệt xa nhà quanh năm như Công Phượng.
Từ đường chính nhìn vào, ngôi nhà gia đình Công Phượng trông nhỏ bé bị che khuất sau những tán lá cây cối xung quanh. Nhà Công Phượng không có gì nổi bật, hay điểm nhấn đáng kể so với những ngôi nhà ở làng Vồng Vống (xóm 6, Mỹ Sơn Đô Lương, Nghệ An).
Nhưng ngôi nhà hiện lên từ những viên gạch khởi công mấy tháng trước lại là niềm mơ ước cả đời người của người nông dân chất phác như ông Bảy, bà Hoa (bố mẹ Công Phượng) và cả chính anh.
Theo quan sát của chúng tôi, trong ngôi nhà mới, gia đình bà Hoa ông Bảy chưa kịp sắm thêm những đồ dùng đắt tiền, bên cạnh chiếc giường, chiếc tủ mới mua thì chiếc tivi mà đồng đội ở tuyển U19 quốc gia tặng cho Công Phượng được xem là tài sản quý giá nhất.
Ngôi nhà mới xây của Công Phượng (ảnh nhỏ là nhà cũ)
Mặc dù quyết định xây dựng mới căn nhà nhưng ông Bảy, bà Hoa vẫn giữ lại một phần của khu nhà cũ để gia cố thành chỗ bếp núc nấu ăn. Trong gian nhà bếp đó, bà Hoa vẫn để đồ dùng bếp núc cũ được sắp xếp gọn gàng mà chưa có sự hiện diện những đồ vật thông dụng khác như tủ lạnh, lò vi sóng….
“Nếu như thời điểm này năm ngoái, cả gia đình chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ vì ngôi nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng, mưa một trận là dột khắp nhà. Nhiều hôm gió to cứ sợ nó thổi bay cả chỗ chui vô chui ra của gia đình. Giờ xây được ngôi nhà mới này là sự cố gắng hết sức của gia đình chúng tôi. Đồ dùng thì có thế sắm sau, nhưng điều cốt yếu là con cái trưởng thành, ra nghề đàng hoàng ổn định đã”, bà Hoa giãi bày tâm sự.
Khoảng sân trống trước nhà được ông Bảy, bà Hoa thiết kế thêm mái tôn che mưa che nắng, đồng thời kê luôn bộ bàn ghế để gia đình tiếp khách. Kể từ hôm Công Phượng được bầu Đức, thầy Giôm “thưởng” bằng kỳ nghỉ về nhà thì gia đình luôn có nhiều khách đến chơi. Họ là những bà con thôn xóm, những người bạn của Phượng lâu ngày được gặp nhau, hàn huyên tâm sự.
“Dù sao gia đình chúng tôi vẫn là gia đình thuần nông, nên công việc đồng áng rất quan trọng. Giờ ông Bảy già rồi không đi làm thợ công trình nữa thì ông ở nhà cùng tôi lo công việc đồng áng, ngoài ra chúng tôi cũng phải chăn nuôi thêm để kiếm thu nhập”, vừa nói xong câu bà Hoa đã nhanh chân đi về phía chuồng trâu ôm một bó cỏ ngọt thả vào cho trâu ăn.
Khi chúng tôi muốn chụp ảnh, bà Hoa cản lại: “Thôi đừng chụp chú ạ. Vì đây là công việc của bất kỳ một người nông dân nào cũng làm, kể cả cu Phượng của tôi cũng thế. Về nhà, khi nào rảnh Phượng cũng phụ giúp tôi trong việc chăn nuôi đồng áng thế này cả. Giờ chú chụp ảnh người ta lại bảo tôi khoe thế này thế nọ, không hay”.
Trong câu chuyện về gia đình bà Hoa rất ngại khi nói đến khoản “đóng góp” của Công Phượng vào việc xây dựng ngôi nhà mới. “Bây gì cháu nó mới ra nghề, gia đình chúng tôi rất sợ mọi người nói này nói nọ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Tiền xây dựng nhà này là sự tích góp của hai vợ chồng, đồng thời là sự ủng hộ của các con, của cu Phượng và chị gái nữa”.
Được về nhà cùng bố mẹ, Công Phượng như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Anh cười nói vui vẻ ở nhà, tiếp chuyện làng xóm.
Trong ngày đầu tiên được ở ngôi nhà mới của gia đình, Phượng đã xúc động, bồi hồi: “Về với gia đình là Phượng cảm thấy hạnh phúc nhất trên đời rồi. Đi xa nhà cả năm, nhiều khi xem tivi thấy báo mưa gió, Phượng cũng cảm giác lo lắng, không biết bố mẹ ở nhà thế nào.
Giờ đây Phượng yên tâm hơn vì bố mẹ đã có ngôi nhà chắc chắn để ở, mỗi khi mưa gió cũng không sao. Những giờ phút ở nhà cùng trò chuyện bạn bè ở chính nhà mình càng cho Phượng cảm giác hạnh phúc hơn”.
Một số hình ảnh về mái nhà mới Công Phượng:
Bà Hoa, mẹ Công Phượng
Em gái Công Phượng
Công Phượng và mẹ vui mừng với ngôi nhà mới
Bố Công Phượng
Bố mẹ Công Phượng
Căn bếp nhà Công Phượng vẫn đơn sơ như năm trước
Ông Bảy, bà Hoa trồng nhiều chuối trong vườn
Chiếc tivi đồng đội U19 tặng được xem là món đồ đắt giá nhất trong ngôi nhà mới
Ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp hơn so với căn nhà cũ rất nhiều