Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có cần phải về đá giao hữu?
Vừa có dấu hiệu hòa nhập với các CLB Nhật và Hàn Quốc, ba cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng về khoác áo tuyển đá giao hữu. Quy trình huấn luyện của bóng đá Hàn Quốc và Nhật rất khác. Liệu khi trở lại, ba cầu thủ này có tốn thêm thời gian để bắt nhịp trở lại?
Cho đến thời điểm này, nhiều khả năng ba cầu thủ của bầu Đức đang đá thuê tại Nhật và Hàn Quốc được lãnh đạo các CLB chủ quản cho về tập trung tuyển Việt Nam đá giao hữu tiếp Syria ngày 31-5 tại Mỹ Đình và đá giải tứ hùng quốc tế của Myanmar AYA Bank Cup (ngày 3 đến 6-6).
Về mặt nguyên tắc, các CLB Nhật và Hàn Quốc không cho về cũng không sao vì các trận đấu không trực thuộc FIFA về phía tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận Việt Nam và cả HLV Nguyễn Hữu Thắng thì cứ phải muốn cả ba cùng về khoác áo tuyển đá giao hữu.
Công Phượng - Tuấn Anh - Xuân Trường
Ai cũng biết ba cầu thủ trẻ của HA Gia Lai đến Nhật và Hàn Quốc đang trong thời kỳ tích lũy và nhồi thể lực gấp nhiều lần mới có thể hòa nhập được bóng đá Nhật, Hàn Quốc. Các cầu thủ này cũng đã có dấu hiệu hòa nhập về sức mạnh và thể lực.
Cụ thể như Xuân Trường đã có tên trong danh sách đăng ký thi đấu. Trong cách tập cũng như các phương pháp tích lũy thể lực của bóng đá Việt Nam khác một trời một vực với bóng đá Nhật và Hàn Quốc nên nếu như ba cầu thủ này về nước, tạm thời vắng ít nhất nửa tháng tập tành cùng các CLB chủ quản thì khi trở lại CLB, họ mất ít nhất một tháng để lấy lại nền tảng thể lực như khi vừa rời khỏi CLB và như thế họ tiếp tục đuổi theo các đồng đội.
Bóng đá Việt Nam từ cấp đội tuyển đến CLB đều tập rất nhẹ trong khi bóng đá Nhật và Hàn Quốc thì tập cực nặng và mỗi buổi tập kéo rất dài. Chính vì thế nếu ba cầu thủ HA Gia Lai trở về nước tham dự tuyển đá trận giao hữu và giải giao hữu thì khi trở lại… họ cần thêm thời gian nhiều hơn nữa để nhồi khối lượng và bắt kịp lại phong độ đã có khi tập luyện cùng các đồng đội tại Nhật.
Sự khác biệt, hay nói khác đi là sự chênh lệch của nội bộ bóng đá châu Á là rất lớn. Khu vực Đông Nam Á nó khác xa với Nhật và Hàn Quốc. Điều này khác hẳn với bóng đá châu Âu, khi hầu hết các CLB có phương pháp huấn luyện và bản thân các cầu thủ chẳng có sự khác biệt lớn về thể lực và nền tảng thể lực.
Sao cứ phải nằng nặc phải có cho được Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh về đá trận giao hữu ngày 31-5 và giải giao hữu tại Myanmar (hai trận) trong khi bóng đá Việt Nam còn nhiều cầu thủ có thể lấp chỗ ba cầu thủ này cho những trận giao hữu?
Lãnh đạo các CLB Incheon Utd (nơi Xuân Trường đầu quân), Yokohama (Tuấn Anh) và Mito Hollyhock (Công Phượng) sẵn sàng cho về vì suy cho cùng hiện nay ba cầu thủ này cũng đang mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Nhưng cái chính là họ muốn các cầu thủ trẻ của Việt Nam tích lũy thể lực và có thể lực ngang bằng với các cầu thủ của họ.
Sao cứ phải lo ba cầu thủ trẻ của bầu Đức thui chột nơi đất khách. Thực tế thì những buổi tập của các CLB đó cũng còn hơn tính đối kháng của các trận tại Việt Nam rồi. Mà điều này chính Công Vinh hay tiền đạo Văn Quyết (của tuyển Việt Nam và Hà Nội T&T) cũng thừa nhận đó là sự thật.
Người Nhật hay cả người Hàn Quốc thì thích chiều lòng, ngại mất lòng, nhất là các cầu thủ bóng đá mà họ đã mua. Tuy nhiên, khi nhìn nhận tuyển Việt Nam phải có bằng được ba tuyển thủ này về khoác áo tuyển đá giao hữu mà làm gián đoạn cường độ tập luyện cao của các CLB là điều cần phải xem lại.
Phải chăng ba cái tên Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường nó “sốt” dưới góc độ khác ngoài chuyên môn dẫu biết rằng họ là những “át bài” cho kế hoạch vàng SEA Games 29?
Kiatisak ba năm mài đũng quần trên băng ghế dự bị của đội hạng nhất Anh Huddersfield (1999-2001), hầu hết thời gian đó anh không về đá tuyển Thái. Nhưng khi quay về (vì không thành ở Anh) anh trở thành trung phong số 1 Đông Nam Á ngay tức khắc và kéo dài độ bốn đến năm năm cơ mà.
Cái lo hiện nay của dư luận và cả HLV Hữu Thắng (nếu có) dường như chưa được chuẩn. Mà nếu buộc phải có ba cầu thủ trẻ này thì có khi lợi bất cập hại cho tương lai của các đội tuyển Việt Nam và cả bản thân ba cầu thủ này.