Ngày khăn gói rời quê nhà đến với lò HAGL, Công Phượng mang trong mình giấc mơ về một tương lai tươi sáng. Để rồi sau một hành trình dài với những nỗ lực đáng kinh ngạc, cậu bé chân trần đá bóng của làng Vồng Vổng ngày nào, hôm nay đã trở thành hình mẫu chắp cánh cho những ước mơ.
Đứa con của làng Vồng Vổng
Nguyễn Công Phượng đến với lò đào tạo trẻ của Hoàng Anh Gia Lai năm 2007, khi chỉ mới là cậu bé 12 tuổi. 13 năm trôi qua không quá dài với một đứa trẻ trong độ tuổi trưởng thành, nhưng hành trình mà Công Phượng đã đi và những thành quả gặt hái được thật đáng ngưỡng mộ.
Không ai có thể quên xuất phát điểm của Công Phượng - cậu bé con nhà nghèo như rất nhiều đứa trẻ nghèo đồng trang lứa ở làng Vồng Vổng, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong một gia đình có tới 6 miệng ăn, cha mẹ của Công Phượng - ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa luôn hết lòng chăm chút cho những đứa con. Sau năm 2000, kinh tế gia đình không khấm khá hơn là bao, Công Phượng và các anh chị vẫn phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn...
Để đỡ đần cho cha mẹ, phụ giúp nuôi những người em trai khôn lớn, 2 chị của Công Phượng đã phải vào Nam mưu sinh. Còn Phượng cùng anh trai ở nhà, hàng ngày làm đủ thứ việc để có đồng ra đồng vào. Trong lúc khó khăn, niềm vui lớn lao nhất của Phượng là cùng anh trai Nguyễn Công Khoa chơi bóng trong sân nhà. Thế nhưng, một tai họa bất ngờ đến với gia đình Phượng khi anh trai Công Khoa đuối nước và ra đi mãi mãi. Cuộc sống vốn khốn khó lại rơi vào cảnh mất người thân, chính điều này khiến Công Phượng ngày càng trở nên trầm hơn.
Sau nỗi đau vô tận, tinh thần của Phượng ngày một giảm sút, đến nỗi trở thành đứa trẻ suy dinh dưỡng. Thương con, bà Hoa phải bán cả tạ lúa để có thể giúp Phượng trở lại niềm đam mê với trái bóng tròn. Khi thi tuyển vào lò Sông Lam, Công Phượng bị chê là quá nhỏ con, gầy gò đến nỗi ốm nhom ốm nhách.
Cánh cửa của lò SLNA đóng lại thì thật may, cánh cửa mang tên lò đào tạo trẻ HAGL lại mở ra để giúp Công Phượng duy trì niềm đam mê bất tận với bóng đá.
Sóng gió đời trai & Ý chí đáng nể
Hành trình Nguyễn Công Phượng đến với lò đào tạo của HAGL cũng đầy gian truân. Có thể câu chuyện ấy không mang ý nghĩa với nhiều người, nhưng nó đã thực sự thay đổi cuộc đời của cậu con trai áp út nhà ông Bảy – bà Hoa.
Qua người cháu ở Gia Lai, ông Nguyễn Công Bảy biết được lịch thi tuyển của HAGL - Arsenal JMG. Và nó diễn ra ngày mốt, trong khi ông nhận tin vào lúc 9h tối. Hai cha con Công Phượng lập tức thu vén đồ đạc, dắt lưng chút tiền rồi vội vã rời Đô Lương. Tới Vinh đã hơn 4h, sau đó hai cha con được người bến xe báo tin sét đánh: không còn chuyến vào Gia Lai.
Trong sự tuyệt vọng, có người mách rằng, hãy bắt xe vào Đắk Lắk, bởi nó đi qua Gia Lai. Không nghĩ ngợi nhiều, hai cha con ông Bảy lấy vé, bị nêm chặt cứng trên chiếc xe khách suốt 20 tiếng đồng hồ để đến Gia Lai vào lúc 3h sáng. Thành quả của hành trình đầu tiên, đó là cái cách Công Phượng gây ấn tượng mạnh với các tuyển trạch viên của HAGL về tài năng bóng đá bẩm sinh.
Nhưng từ phố Núi đến kỳ tích Thường Châu là một câu chuyện rất dài, là biết bao buổi tập lăn lộn không quản nắng cháy thịt da hay mưa thối đất cát. Tài năng của Công Phượng cùng lứa cầu thủ trẻ HAGL sớm nở rộ, nhưng cũng vì "đóa hoa" ấy nở sớm, nhiều sóng gió đã ập đến có lúc những tưởng khiến nó chóng tàn.
Trong lứa U23 Việt Nam tỏa sáng ở Thường Châu (Trung Quốc) giải U23 châu Á 2018, hay đội hình tuyển Việt Nam hiện tại, không ai trải qua nhiều sóng gió như Công Phượng. Có những lúc, tưởng như anh sẽ bị nhấn chìm bởi tranh cãi tuổi tác, chuyện tình ồn ào đến phong độ giảm sút. Rất nhiều lần Phượng trở thành đề tài chế giễu. Và chỉ cần một pha bỏ lỡ, lập tức những lời lăng mạ hướng vào anh.
Không một lời giải thích hay biện minh, những khi ấy Công Phượng hoàn toàn im lặng. Anh nhận lấy cho riêng mình tất cả những đắng cay. Ngay cả với cha mẹ, anh cố tỏ ra mình ổn và trấn an họ bằng cách bông đùa. “Nỏ có chi mô, kệ người ta nói mẹ ơi” trở thành câu cửa miệng để Phượng xử lý áp lực.
Hình mẫu của các cầu thủ trẻ
Những ngày qua, người hâm mộ ồn ào về lễ đính hôn của Công Phượng và cô bạn gái Viên Minh. Có những đồn đại rồi không ít câu bông đùa ác ý. Người ta bảo nhau rằng vợ sắp cưới của Công Phượng là một cô gái thuộc dạng “con nhà có điều kiện”.
Nhưng họ quên mất rằng để có một Công Phượng thành công, viên mãn như hôm nay, thì cậu bé gầy gò năm xưa đã vượt qua những nỗi đau mất mát, những khó khăn cùng cực như thế nào.
Với tất cả những gì đã trải qua và với những gì đang có, Nguyễn Công Phượng xứng đáng là nguồn cảm hứng, là hình mẫu để lứa trẻ noi theo. Ở chàng trai người Đô Lương không chỉ tài năng chơi bóng, là khối óc nhanh nhạy mà còn có một trái tim dũng cảm. Sự dũng cảm ấy giúp Phượng vượt lên những bão giông cuộc đời, để trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam.
Bởi thế, những đứa trẻ làng Vồng Vổng hôm nay mỗi khi bước ra sân bóng đều ước “được giống như anh Phượng”. Và ở rất nhiều miền quê, rất nhiều vùng đất khác trên dải đất hình chữ S này, cũng có những đứa trẻ đang mang trong mình giấc mơ “anh Phượng”.
HỒ SƠ NGÔI SAO
Tên đầy đủ: Nguyễn Công Phượng
Ngày sinh: 21/1/1995
Quê quán: Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An
Vị trí: Tiền đạo
Chiều cao: 1m68
Danh hiệu
U19 Việt Nam:Á quân giải U19 Đông Nam Á
U23 Việt Nam: Á quân giải U23 châu Á, Hạng 4 ASIAD 2018
ĐTQG Việt Nam: Vô địch AFF Cup 2018, Tứ kết Asian Cup 2019
Thành tích ghi bàn
HAGL: 75 trận, 26 bàn thắng
Mito Hollyhock: 5 trận, 0 bàn thắng
Incheon United: 8 trận, 0 bàn thắng
Sint Truidense: 1 trận, 0 bàn thắng
TP HCM: 2 trận, 3 bàn thắng
U19 Việt Nam: 22 trận, 14 bàn thắng
U22 Việt Nam: 6 trận, 4 bàn thắng
U23 Việt Nam: 58 trận, 27 bàn thắng
Olympic Việt Nam: 6 trận, 3 bàn thắng
ĐTQG Việt Nam: 28 trận, 8 bàn thắng