Công Phượng là sự kết hợp giữa Văn Quyến, Công Vinh?
Sau Văn Quyến và Công Vinh, một cầu thủ cũng xuất thân từ Nghệ An đã khiến nhiều người phải thán phục về khả năng ghi bàn cùng lối chơi bóng “tỉnh như ruồi”: Nguyễn Công Phượng.
Lối đá của Công Phượng cũng có những nét hao hao với Văn Quyến ở chỗ thường tạo bất ngờ cao trong phạm vi hẹp khi mà đối thủ tưởng đã vây chặt được “con mồi” rồi thì họ bị ngã ngửa.
Nếu chứng kiến Văn Quyến hai lần hạ gục đội Malaysia, từng đẩy bóng vào giữa và cả háng của rừng chân đối thủ để thoát ra và ghi bàn (trận bán kết SEA Games 22 – 2003 tại Mỹ Đình khi tưởng Quyến đã bị khóa chặt và đã hết cửa) thì bàn thắng mà Công Phượng gỡ hòa 2-2 trong trận bán kết gặp U21 Việt Nam tối 26/11 cũng thế. Phượng đã chọn cửa khó nhất là đâm vào giữa vòng vây 3 cầu thủ chủ giải rồi thoát ra tìm góc sút.
Công Phượng có đủ tố chất để vươn đến thành công
Nhưng Công Phượng lại không phải là bản sao của Văn Quyến bởi có những phần lớn hơn mà Quyến không có, nhưng Công Vinh có, thì Phượng lại hội đủ. Đó là sự khổ luyện, là sự lì lợm trước những áp lực lớn từ bên ngoài và cả từ dư luận. Điều mà Công Vinh từng vượt qua những áp lực rất lớn bằng hai chữ khổ luyện và kiên trì nuốt đủ giáo án để thành tài thì Công Phượng cũng có.
Gần đây hơn là Công Phượng còn khắc phục được yếu tố thể hình. Trước đây, về sức mạnh anh thường thua thiệt trong tranh chấp thì nay Phượng đã có cơ bắp hơn, đã dám tì, đè với đối thủ lớn và tự mình tìm cách thoát ra thể hiện rất rõ trong bàn thắng thứ hai trong trận chung kết với U19 Hàn Quốc.
Nhận xét của bình luận viên Vũ Quang Huy về Công Phượng là phiên bản của cả Văn Quyến lẫn Công Vinh rõ ràng đã được thể hiện rất rõ qua cách chơi bóng của Công Phượng.
Phần còn lại là mong Công Phượng sẽ tiếp tục phát huy những tố chất của mình để ngày một hoàn thiện hơn.